Đã có 2 nhà đầu tư ngoại vào khảo sát mua nợ xấu ngân hàng

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang xem xét ký hợp đồng với một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, 2 công ty đã chính thức bắt tay khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ.
Thu hồi nợ xấu của VAMC trong 6 tháng đầu năm có thể đạt 1.500 tỷ đồng   Thu hồi nợ xấu của VAMC trong 6 tháng đầu năm có thể đạt 1.500 tỷ đồng

Rậm rịch bán nợ cho nước ngoài

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho hay, thời gian qua, VAMC đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và các đơn vị mua nợ của nước ngoài có mong muốn mua nợ hoặc làm đơn vị trung gian mua nợ tại Việt Nam. “VAMC đang xem xét hợp tác với một số doanh nghiệp tiềm năng và đã ký kết hợp đồng bảo mật thông tin với 2 công ty, đó là Cushman & Wakefield (C&W) và Alvarez and Marsal (A&M). Hiện tại, 2 công ty này đang triển khai khảo sát thực tế”, ông Hùng cho hay.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu các khoản nợ, VAMC đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị là 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương.

Bên cạnh đó, VAMC cũng đang tiếp tục khảo sát các tài sản khác liên quan tới bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện, nhà chung cư, cao ốc văn phòng tại các thành phố này để lên danh mục chào bán gửi tới các nhà đầu tư.

Dự kiến, trong quý III năm nay, những khoản nợ đầu tiên sẽ được VAMC bán ra.

Chủ trương bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ lâu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thành công ở các nước hầu như đều dựa vào nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, phần lớn yêu cầu hỏi mua nợ xấu ở nước ta cũng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do có quá nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là về thủ tục mua bán nợ, quyền sở hữu, chuyển nhượng bất động sản của người nước ngoài…, nên quá trình bán nợ cho nước ngoài tại Việt Nam triển khai chậm.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, để đẩy nhanh quá trình bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần sớm thí điểm bán nợ sớm để tạo sự hấp dẫn cho thị trường, tạo động lực cho nhà đầu tư, sau đó sẽ điều chỉnh dần.

Nhà đầu tư ngoại chỉ mua nợ giá bèo?

Hiện những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý để bán nợ cho nước ngoài, nhất là quyền sở hữu bất động sản, trách nhiệm tái cấu trúc khoản nợ của nhà đầu tư nước ngoài khi mua nợ xấu…, đang được các bộ, ngành khẩn trương soạn thảo, dự kiến sẽ ban hành trong quý III.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đến nay, có khoảng 60 doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã đặt vấn đề tìm hiểu mua nợ với VAMC. Tuy nhiên, trước mắt, VAMC mới xem xét, hợp tác với 6 - 7 doanh nghiệp trong số này. Tiềm năng mua nợ của các nhà đầu tư ngoại là rất lớn, song trở ngại lớn nhất là, các nhà đầu tư này trả giá các món nợ với giá rất rẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, các nhà đầu tư ngoại trả giá các khoản nợ xấu rất thấp, có khi chỉ bằng 1/3 giá trị.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của một số công ty mua bán nợ nước ngoài cho biết, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua nợ với giá bằng 20 - 40% giá trị các khoản nợ xấu.

“VAMC đã mua vào các khoản nợ xấu với 70% giá trị sổ sách. Trong khi đó, nếu bán chỉ được 1/3 giá trị sổ sách, thì rõ ràng là thiệt hại lớn. Bên bán muốn bán đắt, bên mua muốn mua rẻ là lý do chính khiến việc bán nợ không đơn giản, cho dù đó là đối tác trong nước hay nước ngoài”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Hiện VAMC đã mua vào số lượng nợ xấu khá lớn. Tính đến ngày 6/6, VAMC đã mua vào 49.000 tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã đăng ký kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC lên tới 70.000 tỷ đồng. Như vậy, trong năm nay, VAMC sẽ mua thêm 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy vậy, số lượng nợ xấu đã xử lý được chưa đáng là bao. Từ đầu năm đến nay, VAMC và các tổ chức tín dụng mới thu hồi được trên 600 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến, trong tháng 6/2014, VAMC sẽ thực hiện đấu giá khoản nợ 390 tỷ đồng và ủy quyền cho một số tổ chức tín dụng xử lý khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, số nợ xấu được bán và thu hồi nợ trong 6 tháng đầu năm của VAMC cũng chỉ có thể đạt 1.500 tỷ đồng.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục