Suy tư về nợ xấu ngân hàng từ báo cáo quý I

(ĐTCK) Tình hình kinh doanh của các ngân hàng chưa mấy sáng sủa trong quý 1 năm nay. Đáng chú ý, nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn tại nhiều ngân hàng gia tăng.
Trong quý I, tín dụng tại Sacombank tăng 3,6%, nợ xấu nhóm 3 - 5 tăng từ 1,45% lên 1,86% Trong quý I, tín dụng tại Sacombank tăng 3,6%, nợ xấu nhóm 3 - 5 tăng từ 1,45% lên 1,86%

Tín dụng tại Sacombank 3 tháng đầu năm nay tăng 3,6% so với mục tiêu đưa ra cho năm nay là 13 - 15%. Tuy nhiên, nhiều khoản thu nhập của Sacombank giảm, trong đó thu nhập thuần từ lãi, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu từ trước đến nay của Ngân hàng giảm 14%. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý I của Sacombank chỉ đạt gần 900 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 3/2014, Sacombank có hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó hơn một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu nhóm 3 - 5 tăng từ 1,45% cuối năm 2013 lên 1,86% vào cuối tháng 3/2014. Năm 2013, Sacombank đã bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đang rà soát để tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC.

Một lãnh đạo cấp cao của Sacombank cho biết, trước tình hình hiện nay, Ngân hàng không dám mạnh tay đẩy vốn ra thị trường, vì khẩu vị rủi ro của khách hàng gia tăng nên tăng trưởng tín dụng phải kiểm soát được rủi ro chất lượng khoản vay.

Tại PGBank, tín dụng giảm 1,64% trong quý I/2014, nhưng nợ xấu tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu sau khi giảm mạnh trong quý IV/2013 về dưới 3% thì đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu của nhà băng này bật tăng trở lại lên mức 4,1%. Trước đó, 9 tháng đầu năm 2013, PGBank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống, tới 9,5%. Trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của PGBank đạt 62,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí dự phòng hơn 11 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn lại của PGBank là 51,4 tỷ đồng.

Tương tự, tín dụng của DongA Bank trong quý I năm nay giảm 0,3% so với cuối năm ngoái, nhưng nợ xấu cuối quý I là 2.112 tỷ đồng, chiếm 3,99% tổng dư nợ, kéo theo trích lập dự phòng cao. Chi phí dự phòng rủi ro trích lập trong quý I/2014 là gần 81 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước dự phòng của DongA Bank giảm 50%; lợi nhuận sau thuế giảm 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống gần 88 tỷ đồng.

Navibank lãi 2,5 tỷ đồng trước thuế trong quý I/2014, tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,5%, giảm so với mức 6% cuối năm ngoái, nhưng các khoản nợ có khả năng mất vốn tăng thêm gần 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, tín dụng tại Navibank trong 3 tháng đầu năm tăng 15% so với cuối năm 2013, tổng tiền gửi khách hàng tăng 28%.

Tại BIDV, cuối tháng 3/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,11%, giảm so với mức 2,36% cuối năm 2013, tổng nợ xấu giảm từ hơn 8.800 tỷ đồng xuống 8.062 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn của BIDV giảm mạnh 54,7%, từ 3.946 tỷ đồng xuống 1.786 tỷ đồng, nhưng nợ nhóm 5 tăng 32%, tương đương tăng 1.352 tỷ đồng, lên 5.561 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn cũng chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 68,9% trong tổng nợ xấu của BIDV.

Một chuyên gia tài chính nước ngoài đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước. Hướng mua lại nợ xấu của các ngân hàng mà VAMC đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, tuy nhiên, chưa làm giảm được nợ quá hạn của các ngân hàng, chưa giải quyết triệt để nợ xấu, mà mới chỉ kéo giãn nợ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng trong năm 2014. Trong khi đó, Thông tư 02 và 09 của Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, nền kinh tế đang dần hồi phục và sự tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể gấp 2 - 2,5 lần tốc độ tăng GDP.

“Với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng Việt Nam là 15% hoặc cao hơn. Nhưng sự tăng trưởng trong ngành ngân hàng không đi theo đường thẳng, mà tùy thuộc vào diễn biến kinh tế. Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng Việt Nam không nhanh như thế. Nhưng tính bình quân trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng khoảng 15%”, vị chuyên gia trên nói và cho rằng, đó cũng là lý do để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục