Đã chốt dừng nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết định dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm kể từ ngày 1/1/2023 là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Tiếp tục có ý kiến trái chiều xung quanh quyết định dừng trích nộp quỹ Tiếp tục có ý kiến trái chiều xung quanh quyết định dừng trích nộp quỹ

Dừng nộp quỹ tồn dư 1.000 tỷ đồng sau 12 năm

Theo đó, toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng số dư của quỹ.

Như vậy, sau 12 năm hình thành, số dư của quỹ hiện là 1.000 tỷ đồng và chưa phải sử dụng lần nào. Tính đến thời điểm báo cáo Quốc hội ngày 26/8/2021, chỉ 1 DNBH gặp khó khăn về tài chính (Bảo hiểm Viễn Đông - VASS), nhưng đây là do DNBH nợ khoản đóng góp hàng năm.

Nhiều thành viên thị trường cho rằng, việc dừng trích nộp quỹ giúp giảm bớt nghĩa vụ tài chính đối với các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong điều kiện quy mô của quỹ đã đủ lớn để vận hành theo mục đích đề ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận rằng, như vậy là chưa thật công bằng giữa các DNBH tham gia trước và sau khi quỹ dừng trích nộp, bởi có nhiều DNBH đã tham gia trích nộp quỹ suốt 12 năm qua, nhưng cũng có DNBH mới tham gia trích nộp một vài năm (thậm chí là chưa nộp đồng nào nếu thời điểm hoạt động sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), nhưng quỹ vẫn phải có nghĩa vụ chi trả theo quy định pháp luật bảo hiểm cho bất kỳ thành viên trích nộp quỹ mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ, có thể không công bằng đối với các DNBH đã tham gia trích nộp quỹ trong nhiều năm, nhưng quỹ lại sử dụng để chi trả cho trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản của chủ thể kinh doanh bảo hiểm chưa từng thực hiện nghĩa vụ này và vấn đề đặt ra là, nếu việc ngưng thu kéo dài cho đến khi một trong những chủ thể tham gia mất khả năng thanh toán hoặc phá sản thì quỹ có phải thực hiện việc chi trả cho người được bảo hiểm của DNBH chưa từng thực hiện nghĩa vụ trích nộp quỹ hay không?

Tuy nhiên, phụ trách pháp chế một công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn cho rằng, đây là quỹ chung nên không lo trường hợp DNBH mới thành lập sau khi quỹ dừng thu trích nộp có thể khó cạnh tranh với các DNBH đã đóng quỹ trước đó.

Còn theo giới quan sát, các DNBH không quá kỳ vọng vào quỹ bởi theo Thông tư 101/2013/TT-BTC quy định hạn mức chi trả của quỹ, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng như hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Việc “fix cứng” mức chi trả được cho là chưa hợp lý, cần có quy định “mở” hơn theo hướng có thể thay đổi phù hợp với tổn thất thực tế.

Tuy nhiên, cũng có DNBH cho rằng, việc quy định hạn mức chi trả là phù hợp bởi mục đích chủ yếu là xoa dịu người được bảo hiểm, hướng tới bảo vệ người mua bảo hiểm khi DNBH mất khả năng thanh toán, đồng thời hạn chế tạo ra rủi ro đạo đức, sự ỷ lại từ phía DNBH, người tham gia bảo hiểm vào quỹ.

Từng băn khoăn dừng hay tiếp tục thu quỹ

Điều 157 - Điều khoản chuyển tiếp (trích Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được thông qua)

1. Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật và để áp dụng quy định của Luật.

2. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật.

3. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

Tờ trình Quốc hội số 307/TTr-CP của Chính phủ ngày 26/8/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, tại phần điều khoản thi hành (Điều 155) nêu rõ: “Từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực, DNBH dừng trích nộp quỹ, số dư tồn quỹ đến thời điểm luật này có hiệu lực (khoảng 900 tỷ đồng) được sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DNBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; Bộ Tài chính quản lý và sử dụng số dư quỹ đảm bảo an toàn, đúng mục đích theo quy định của pháp luật”.

Lý do dừng trích nộp là bởi trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của DNBH) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi DNBH mất khả năng thanh toán, phá sản, nên cần thiết phải có cơ chế bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 yêu cầu đóng góp thành lập quỹ. Tại thời điểm đó, Ban soạn thảo dự án Luật có tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia sau khi một loạt DNBH, tái bảo hiểm Hoa kỳ bị phá sản do sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Theo quy định tại Điều 97 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010: “Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DNBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Nguồn để lập quỹ được trích theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả hợp đồng bảo hiểm. Chính phủ quy định việc trích lập và quản lý, sử dụng quỹ này”.

Tại các cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 14/9/2021, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn lý do quy định không tiếp tục trích quỹ; việc quản lý, sử dụng quỹ sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực; cân nhắc kỹ việc trích lập hay dừng trích lập quỹ. Trường hợp dừng trích lập thì khi phát sinh DNBH lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các ý kiến tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thu nộp quỹ. Đến ngày 22/3/2022, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về vấn đề này, trong đó có ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ, ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập quỹ nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Mặt khác, bên cạnh Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, ngành bảo hiểm còn có Quỹ Dự trữ bắt buộc cũng với mục đích nhằm bảo đảm trách nhiệm của DNBH khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả DNBH lẫn người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm. Cuối cùng, quyết định dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đã được thông qua.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục