Được biết, có 5/6 bị cáo kháng cáo gồm bị cáo Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam); Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam); Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của BHXH Việt Nam); Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà (đều là cựu nhân viên BHXH Việt Nam).
Riêng bị cáo Trần Thanh Thủy (chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam) bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không kháng cáo.
Tòa phúc thẩm nhận thấy các bị cáo, các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không thỏa mãn các dấu hiệu của tội cố ý làm trái. Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC2) vay là đúng đối tượng theo quy định Luật BHXH và các quy định khác, hợp đồng có bảo lãnh của Agribank. Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay. Các bị cáo không cố ý, không biết là ALC2 là tổ chức tín dụng phi ngân hàng nên mới cho vay.
Các bị cáo dưới quyền Tổng giám đốc, là người giúp việc cho Tổng giám đốc, không đủ điều kiện khách thể, chủ thể của tội Cố ý làm trái. Các bị cáo chỉ phạm tội khác hoặc không phạm tội.
Tòa phúc thẩm cho rằng, bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bắt buộc phải biết các quy định pháp luật về chức năng nhiệm của BHXH, bắt buộc phải biết hoạt động đầu tư BHXH phải thực hiện theo đúng Luật BHXH 2006 và các văn bản quy định khác.
Quá trình thực hiện, bị cáo Ban và các nhân viên không kiểm tra trước khi cho vay, chỉ căn cứ vào văn bản giữa Agribank và BHXH Việt Nam ký và chỉ đạo cho ALC2 vay không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư quỹ BHXH. Hành vi này là cố ý và vi phạm các quy định tại Điều 96, 97 Luật BHXH và các văn bản khác.
Hành vi của các bị cáo gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng cho BHXH Việt Nam với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng.
Từ phân tích trên, Tòa khẳng định các bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước Tường, Trần Tiễn Vỹ, Hoàng Hà bị quy kết tội Cố ý làm trái là đúng người, đúng tội, không oan.
Về hình phạt, tại phiên phúc thẩm, một số bị cáo đã thay đổi từ kêu oan sang nhận tội, tỏ ra thành khẩn ăn năn hối lỗi, một số bị cáo xuất tình thêm các căn cứ giảm nhẹ.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng có văn bản ghi nhận trong thời kỳ Nguyễn Huy Ban làm Tổng giám đốc, BHXH Việt Nam thu được hơn 27.700 tỷ đồng lãi đầu tư tài chính. Thời kỳ Lê Bạch Hồng làm Tổng giám đốc, thu được hơn 73.000 tỷ đồng lãi đầu tư tài chính.
Trên cơ sở này, Tòa án quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Huy Ban bị tuyên phạt 12 năm tù. Mức án sơ thẩm là 14 năm tù.
Bị cáo Lê Bạch Hồng bị tuyên phạt 5 năm 3 tháng tù. Mức án sơ thẩm là 6 tháng tù.
Bị cáo Hoàng Hà bị tuyên phạt 4 năm tù giam. Mức án sơ thẩm là 7 năm tù.
Bị cáo Trần Tiến Vỹ bị tuyên phạt 3 năm tù, giữ nguyên như mức án sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Phước Tường bị tuyên phạt 14 năm tù, giữ nguyên như mức án sơ thẩm.
Các vấn đề khác của bản án sơ thẩm được giữ nguyên. Theo đó, Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, phải trả hơn 800 tỷ đồng cho BHXH Việt Nam. Phần còn lại các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm.
Tiếp tục duy trì các lệnh phong tỏa các tài khoản, kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.