Tại phiên tòa, bị cáo Giáp Văn Hạnh không đồng tình với bản cáo trạng truy tố bị cáo. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội.
Theo cáo buộc, tháng 8/2015, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện một số tờ rơi với thông báo về các chương trình đưa người lao động đi học, làm việc tại Úc và Hàn Quốc. Trên tờ rơi có chữ ký và tên bà Nguyễn Thị Thu với chức danh Trưởng ban đào tạo và thông tin tuyên truyền, có hình dấu Trung tâm nghiên cứu nguồn lực nông thôn Việt Nam – Hội làm vườn Việt Nam (bản photo copy).
Địa điểm tiếp nhận hồ sơ đi học, lao động ở Úc, Hàn Quốc là trụ sở CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp và phát triển trang trại Việt Nam do Gáp Văn Hạnh làm Giám đốc.
Các giấy tờ trên còn được gửi tới UBND xã ở các tỉnh, thành phố thông báo cho các hộ dân làm trang trại nông nghiệp ở địa phương…
Khi người lao động đến gặp Giáp Văn Hạnh, Hạnh giới thiệu công ty có liên kết với trường đào tạo nghề Tasmania (Úc) nên công ty của Hạnh có chương trình đưa người lao động đi tu nghiệp, học nghề và lao động tại Úc.
Để tạo lòng tin cho người lao động, Hạnh thuê CTCP Phát triển nguồn lực Đông Dương đào tạo tiếng Anh cho những học viên được tuyển chọn đi Úc.
Sau khi các học viên nộp hồ sơ và nộp tiền cho Hạnh, Hạnh đã không đưa được người nào đi Úc như đã cam kết.
Khi bị người lao động liên hệ, đòi lại tiền, Hạnh luôn lấy các lý do để trì hoãn việc trả tiền hoặc chỉ trả một phần tiền và yêu cầu người lao động cam kết không được cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tiền của người lao động.
Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2016, Giáp Văn Hạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 12 người lao động với tổng số tiền là gần 3,9 tỷ đồng. Chẳng hạn, trường hợp ông Nguyễn Văn Phú (SN 1960, ở Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Văn Phú mở trang trại nuôi lợn. Qua các mối quan hệ xã hội, Giáp Văn Hạnh quen biết, gặp gỡ ông Phú. Bị cáo đưa cho ông Phú tờ thông báo có chữ ký mang tên Nguyễn Thị Thu thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam – Hội Làm vườn Việt Nam, thông báo về chương trình tham quan, học tập dành cho chủ hộ sản xuất, tham quan học tập cách sản xuất, chăn nuôi tại Úc.
Theo lời Hạnh, nếu gia đình ông Phú nhập câu lạc bộ thì con, em được đăng ký đi du học và làm vườn tại Úc 5 năm, kinh phí 300 triệu đồng, trong đó công ty của Hạnh sẽ cho vay 100 triệu đồng…
Tin lời Hạnh, ông Phú đã nộp cho Hạnh 190 triệu đồng để cho con trai đi du học mà không biết bị lừa.
Ngoài ông Phú, 11 người khác cũng bị Hạnh lừa đảo, chiếm đoạt tiền theo hình thức tương tự.
Trả lời HĐXX, bị cáo Hạnh cho rằng công ty của bị cáo không đưa người đi du học, đi du nghiệp ở Úc, Canada. Các trường ở nước ngoài trực tiếp trao đổi với học viên, Công ty của bị cáo chỉ thực hiện các thủ tục hành chính và làm visa giúp các bị hại sau khi họ được các trường nhận.
Về số tiền lớn đã nhận từ các bị hại, bị cáo khai không nhớ được tổng số tiền đã nhận. Một phần số tiền đã được bị cáo chuyển cho các đối tác Canada theo thỏa thuận. Do bị cáo bị bắt nên các tài liệu, giấy hẹn không nhớ rõ, không biết ở đâu.
Tuy nhiên, qua điều tra, không có căn cứ xác định bị cáo đã chuyển tiền như bị cáo khai.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định có đủ cơ sở khẳng định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tuyên phạt Hạnh 14 năm tù.