Cơ chế cào bằng không khuyến khích lãnh đạo DN "sống, chết" với đồng vốn
Dư luận vẫn không ngớt lo ngại về những khó khăn, bế tắc của 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Những dự án này đã và đang gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước, để lại hậu quả kéo dài. Có dự án trong số này đã mấp mé bờ vực phá sản, tồn tại lay lắt. Đáng lo ngại hơn là sự phá sản này có thể kéo sập cả tập đoàn chủ quản, gây thiệt hại lớn cho khu vực DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế, như trường hợp Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Bình luận về câu chuyện trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, có nhiều bất cập tồn tại lâu nay trong cơ chế quản lý đầu tư của DNNN mang tính bản chất rất khó thay đổi, trong đó điểm nghẽn lớn nhất có thể nhìn thấy rõ là từ cơ chế, trách nhiệm và con người.
"Xét về mặt cơ chế, nếu có làm tốt thì người chịu trách nhiệm cũng không được đánh giá cao, không được gì hơn, trong khi nếu có vấn đề xảy ra thì tính trách nhiệm lại rất lớn. Vì vậy, cơ chế cào bằng này không khuyến khích lãnh đạo DNNN sống chết với đồng vốn của mình.
Chưa kể các yếu tố chi phối khác như khó khăn do các quy định luật lệ ràng buộc, sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính làm méo mó quy luật thị trường, tư duy thành tích, nhiệm kỳ, sân trước sân sau, đặc biệt là có dư địa lớn cho động cơ và nhiều kẽ hở cho tư lợi cá nhân, dễ tham nhũng do cơ chế quản lý lỏng lẻo, không ai chịu trách nhiệm khiến hiệu quả đầu tư nhà nước rất khó kiểm soát”, ông Đức phân tích.
Trong khi đó, vì tính an toàn là trên hết nên ở nhiều nơi, Nhà nước lại không thể giao cho DNNN làm theo quy luật thị trường như doanh nghiệp (DN) tư nhân, bởi họ có thể quyết định nhanh chóng, chấp nhận rủi ro và quan trọng nhất là quyết liệt vì hiệu quả, lợi ích của chính mình. Lấy ví dụ CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Đức cho rằng, việc cổ phần hóa và bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã thay đổi toàn bộ bộ máy quản trị.
Nhà nước rút quyền chi phối, Sabeco hoàn toàn tự thân có thể đảm đương vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực kinh doanh của mình theo quy luật thị trường, do thị trường quyết định.
Dù việc "thay máu" lãnh đạo mới diễn ra 1 năm nên chưa có đủ thời gian để đánh giá hiệu quả, nhưng rõ ràng, việc DN hoạt động mà không cần có sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính là một sự thông thoáng đáng tạo điều kiện. Nếu các DN theo đó gia tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận, sẽ gia tăng khoản tiền thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Ngược lại, nhiều nhà máy, nhiều dự án nhiều nghìn tỷ đang được quản lý bởi các DNNN đã không mang lại hiệu quả. Doanh thu, lợi nhuận vẫn giảm sút, hiệu suất đầu tư vẫn thấp hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân. 12 dự án của Bộ Công thương thua lỗ là một điển hình. Theo thống kê, tính đến nay, các dự án này vẫn ôm khoản nợ Nhà nước tới gần 20.000 tỷ đồng.
Nhiều DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối có hiệu quả cũng không rõ ràng. Sự khác biệt giữa bản chất sở hữu, động cơ làm việc dẫn tới sự khác biệt về hiệu quả đầu tư, kinh doanh giữa 2 khu vực nhà nước và tư nhân.
Nên để thị trường điều tiết các nguồn lực
Theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), về nguyên tắc, tài sản kinh doanh nếu để tư nhân sở hữu thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Chỉ với những vùng, những lĩnh vực quá khó khăn, hoặc do tính chất đặc thù về an ninh, quốc phòng và không có tính thị trường thì Nhà nước mới nên thực hiện.
Theo ông Thành, xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương nên nhất quán theo tư duy này. Theo đó, nên đưa ra thị trường, để tư nhân tham gia thì mới có hy vọng có những dự án tốt được cứu vãn để khôi phục trở lại.
Trường hợp Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là một ví dụ cho thấy, bàn tay của tư nhân vào cuộc có thể giúp dự án hồi sinh. Cụ thể, ngay sau khi kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược từ khu vực tư nhân là CTCP Tập đoàn An Phát Holdings tham gia tái cơ cấu, nhà máy này đã được đầu tư khởi động sản xuất dàn máy móc đã ”đắp chiếu” lâu ngày. Sản phẩm làm ra tìm được chỗ tiêu thụ trên thị trường.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings cho biết, nhận thấy khả năng phục hồi của dự án là khả quan, Tập đoàn đã tham gia tái cơ cấu. Dự án này được tái cơ cấu theo nguyên tắc phía An Phát lo toàn bộ vốn cho dự án thông qua việc bỏ tiền ra mua nguyên liệu và đầu tư bảo dưỡng máy móc, thiết bị, sau đó cho chạy lại, trong khi Nhà nước không phải rót thêm vốn để bồi đắp, gia cố.
Sau 2 năm, từ chỗ thua lỗ lớn, đến nay, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã có lãi tăng dần, lợi nhuận tăng từ 15 tỷ đồng năm 2017 lên 200 tỷ đồng năm 2018, quý I/2019 ghi nhận triển vọng phục hồi tích cực với lợi nhuận 20 tỷ đồng. Theo Ban lãnh đạo Công ty, khi lợi nhuận tiếp tục tăng, nếu được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, Xơ sợi Đình Vũ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nguyên tắc xử lý 12 dự án yếu kém, cũng như vấn đề tái cơ cấu DNNN nói chung nên theo thị trường.
Ông Cung đề xuất, cần tập trung tái cơ cấu có chọn lọc, thay vì nỗ lực tái cơ cấu toàn bộ các DN yếu kém, các dự án yếu thua lỗ như 12 dự án của ngành công thương thì cần đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các DN tốt, có tiềm năng phát triển, tìm kiếm các dự án có tiềm năng, đang kinh doanh tốt để thúc đẩy hỗ trợ.
Cần tập trung đầu tư vào các DN quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm. Bên cạnh đó, phải loại bỏ hết các khoản trợ cấp nếu có đối với DNNN; loại bỏ các hành vi độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên; rà soát bổ sung sửa đổi pháp luật có liên quan, mở rộng đảm bảo quyền tự chủ đầu tư kinh doanh của DNNN.
“Quy định hiện tại đang ràng buộc tính tự chủ của các DNNN, sau thất bại của các tập đoàn lớn, cần rút bài học kinh nghiệm không nên can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN, cần cởi bỏ các ràng buộc cho DNNN để họ tự chủ trong quản lý bằng kết quả, chứ không phải chỉ tay bày việc”, ông Cung nhấn mạnh.
Nhà nước hãy "buông” DN yếu để thị trường làm lại
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, từ vụ việc 12 dự án thua lỗ, bài học xương máu rút ra là Nhà nước nên nhanh chóng rời khỏi thị trường, không can thiệp để làm méo mó sai lệch thị trường.
Thực tế đã chứng minh các mô hình DNNN dù có nỗ lực thay đổi về hình thức từ xí nghiệp quốc doanh, tổng công ty những năm 90-91 cho đến nay là các tập đoàn, tổng công ty, thì vẫn không thành công, hầu như hiệu quả đầu tư kinh doanh vẫn thấp, trong khi những năm gần đây, nhiều tập đoàn tư nhân đã vươn lên thay thế DNNN chiếm lĩnh vai trò dẫn dắt.
Nếu dự án và DN tốt, lĩnh vực thuận lợi, Nhà nước không cần quan tâm, mà hãy buông cho thị trường còn tốt hơn. Còn với dự án trong số 12 dự án thua lỗ không còn cơ sở đánh giá khả năng phục hồi, Nhà nước càng bám víu, càng vô vọng.
Bởi vậy, cần đưa những dự án yếu kém này ra thị trường càng sớm càng tốt để thị trường tự định đoạt, khi đó mới còn hy vọng cứu vãn.Sẽ khó nếu bỏ ngay hẳn, nhưng cần buông dần và cần có hướng thoái vốn, cổ phẩn hóa rõ ràng, quyết liệt để đảm bảo bán thoái vốn một cách hiệu quả nhất, cũng như để DN có không gian tự do sáng tạo, hồi phục.