Cứu doanh nghiệp, “hà hơi” chưa hết ngạt!

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia và DN cho rằng, liều lượng 25.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ là chưa đủ và chưa “thấm” đến bộ phận khó khăn nhất.
Cứu doanh nghiệp, “hà hơi” chưa hết ngạt!

Ông Trần Du Lịch

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Các đề xuất của Bộ Tài chính có giá trị hỗ trợ DN hơn là cứu DN. Bởi nếu DN không làm ra lợi tức thì dù trong diện hỗ trợ cũng không nhận được sự hỗ trợ nào.

Nhưng nói gì thì nếu triển khai giảm thuế TNDN, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế VAT…, nền kinh tế cũng sẽ có sinh khí hơn. Vì mức thụ hưởng - tuy xét từng trường hợp đơn lẻ có vẻ khiêm tốn, nhưng nếu nhìn bao quát hơn, đó sẽ là con số đáng kể.  Ngoài ra, chính sách hỗ trợ này có tác động lên tâm lý của nhiều đối tượng, chứ không riêng DN trong diện được hỗ trợ.

Quan trọng là khi áp dụng, các giải pháp sẽ tác động cả ở phương diện gián tiếp. Chẳng hạn, khi DN có thêm vốn xoay xở, họ sẽ xoay vòng vốn nhanh hơn, đầu tư sản xuất nhiều hơn. Khi đó, những DN không trực tiếp được hỗ trợ vẫn hưởng được những lợi ích từ giảm công nợ phải thu, giảm tồn kho.

 

Ông Đặng Văn Thanh

Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc giảm thuế thu nhập DN (TNDN) và gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT)...  sẽ không đem lại nhiều sự hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các DN, bởi đến thời điểm này DN đã gần như “kiệt sức”. Cụ thể, với giải pháp giảm thuế TNDN thì trên thực tế, bộ phận DN khó khăn nhất hầu như không có thu nhập nên sẽ ít tác dụng. Còn giải pháp giãn thuế VAT, khi thị trường cạn kiệt đầu ra, hàng tồn kho ngày càng tăng cao thì có gia hạn đến bao nhiêu cũng không thể tạo thêm vốn cho DN xoay vòng hoạt động. Vì vậy, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải giúp DN tiếp cận được với nguồn vốn rẻ bằng cách tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh, giãn các khoản nợ để tiếp tục cho DN vay, nhằm hoàn thiện các sản phẩm, dự án dở dang, đình trệ do thiếu vốn, khuyến khích cho vay tiêu dùng để kích cầu thị trường.

Mặt khác, cần giảm thuế VAT thay vì chỉ giãn thuế cho DN. Điều này sẽ giúp người mua hưởng lợi nhờ các sản phẩm có giá bán rẻ hơn và DN bán được hàng tồn kho.

Trên thực tế, việc khơi thông đầu ra hiện là quan trọng nhất đối với các DN

 

Ông Võ Trường Thành

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành

Không chỉ các DN như chúng tôi mà nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, các cơ quan hoạch định chính sách nên có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp với DN hơn để tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Ví dụ như, với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may…; gia hạn thuế VAT, thì chỉ giúp cho những DN đang có lãi. Trong khi đó, những đơn vị không có thu nhập hoặc bị lỗ vì hoàn cảnh khách quan thì cảm thấy như bị đứng ngoài cuộc vì không được hỗ trợ gì.

Trên thực tế, chính sách thắt chặt kinh tế trong hơn 1 năm qua dù đã kiềm chế được lạm phát, nhưng khối DN như uống phải thuốc đắng quá liều. Do vậy, các giải pháp sắp tới dù muộn thì cũng cần tính tới độ bao phủ rộng khắp hơn và trúng đích hơn.

 

Ông Tạ Phước Đạt

Phó tổng giám đốc CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico-SVC)

Tôi cho rằng, miễn thuế TNDN sẽ không có tác dụng nếu DN đó đã thực sự kiệt quệ, không còn khả năng sinh lãi. Cũng như vậy, nếu DN không bán được hàng thì giãn nộp thuế VAT cũng không còn ý nghĩa gì. Phân tích để thấy, các giải pháp chỉ có tác dụng với những DN vừa và nhỏ bán hàng được, có lãi - đối tượng không cần nhờ đến giải pháp giải cứu mới tồn tại. Trong khi đó, số đông DN khác, đang gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ lại không thể hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ.

Theo chúng tôi, nếu muốn cứu DN, cần những giải pháp trực tiếp. Chẳng hạn như trong năm 2009, biết DN thiếu vốn, Chính phủ quyết định hỗ trợ 4% lãi suất. Hay chúng ta cần tìm giải pháp để cải thiện sức cầu, cầu tăng thì cung hàng hóa mới có thể tăng tương ứng.

 

Ông Trương Đình Hòe

Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Theo tôi, những đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý. Trước đây, chúng tôi cũng từng đề xuất theo hướng này. Rõ ràng, những khoản tiền có được từ việc miễn giảm thuế TNDN hoặc chưa phải nộp thuế VAT ngay sẽ được đưa trở lại  sản xuất, giúp đồng vốn có cơ hội sinh lời và giúp DN giảm được chi phí vốn.

Chúng ta không thể biết được việc giảm, giãn nộp thuế cho DN ở mức độ như đề xuất đã đủ “cứu” DN chưa, vì không có công thức chung cho mọi DN. Nhưng cũng cần khẳng định, đã kinh doanh, DN phải biết tính toán, biết tích lũy và thủ thế cho những lúc khó khăn, chứ cứ trông đợi giải pháp hỗ trợ là không ổn.

 

Ông Lê Quang Hùng

Chủ tịch CTCP sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC)

GMC là DN có nhiều lao động nên hy vọng chúng tôi cũng nằm trong diện được hưởng những chính sách hỗ trợ. Nếu được vậy, theo tính toán, mỗi quý GMC có thể dôi ra khoảng 1 tỷ đồng từ miễn giảm thuế TNDN. Ngoài ra, nếu không phải nộp thuế VAT ngay, ước tính GMC cũng có khoảng 20 tỷ đồng để xoay xở trong 6 tháng.

 

Ông Lê Quốc Phong

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phân bón Bình Điền

 Đề xuất miễn, giảm, giãn thuế của Bộ Tài chính là hợp lý trong giai đoạn hiện nay, nhằm hỗ trợ cho các DN vượt qua khó khăn. Cụ thể, tại DN của tôi, mỗi lần xuất hàng xong lại phải chờ hoàn thuế rất chậm trễ, trong khi tiền vẫn đi vay ở ngân hàng, làm ảnh hướng lớn tới hoạt động của DN.

Tuy nhiên, đề xuất này chỉ giúp cho những DN đang có lãi mà chưa có động thái gì để giải cứu DN đang bên bờ vực phá sản, trong khi đó, trên thực tế số lượng DN bên bờ vực phá sản là khá lớn. Thị trường đang cần những biện pháp cụ thể, mang tính dài hơi hơn cho DN nói chung. Ví dụ như, Chính phủ cần nhìn nhận vướng mắc lớn nhất của DN hiện nay là lãi suất ngân hàng, dù lãi suất đã hạ xuống nhưng thực tế không phải mọi DN được hưởng lãi suất thấp.

Nhóm phóng viên thực hiện
Nhóm phóng viên thực hiện

Tin cùng chuyên mục