Cứu đô thị bằng “ĐTM giao thông”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tương tự đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, TP.HCM triển khai đánh giá tác động giao thông đối với các công trình mới, nếu không đạt sẽ không được triển khai, không đảm bảo kết nối giao thông sẽ không được cấp phép xây dựng.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Toàn Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Toàn

Đường “ốm yếu” gánh hàng chục tòa cao ốc

Chỉ thời gian ngắn sau khi được sửa chữa, nâng cấp, tuyến đường Bến Vân Đồn đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 4) đã bị “bao vây” bởi hàng chục công trình nhà cao tầng.

Với chiều dài chỉ hơn 2 km, nhưng con đường này phải “cõng” tới gần 20 tòa chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng chục ngàn căn hộ, hàng ngàn mét vuông diện tích sàn văn phòng cho thuê..., chưa kể các khu đất trống trước đây là kho bãi vẫn đang được xây dựng các công trình mới. Các công trình lớn nằm trên tuyến đường này có thể kể tới là Vạn Đô, Khánh Hội, Gold View, Saigon Royal Residences, Icon 56, Orient Apartment, Trung tâm thương mại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace...

Tương tự, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nối Nhà Bè, với chiều dài chưa đầy 3 km cũng oằn mình gánh hơn 50 dự án nhà ở, trong đó nhiều dự án từ 8.000 căn hộ trở lên. Theo khảo sát, xung quanh khu vực cầu Rạch Đĩa, một loạt dự án đang trong quá trình triển khai, trong tương lai sẽ cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ.

Ở ngay khu vực trung tâm TP.HCM, đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám tới Phạm Ngọc Thạch (quận 3) chỉ dài khoảng 1km có tới gần 20 tòa cao ốc, trong đó có nhiều tòa vừa đi vào khai thác với quy mô trên 20 tầng (chưa kể tầng hầm, tầng lửng). Tương tự, trên đường Hai Bà Trưng, chỉ đoạn ngắn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Du (quận 1) cũng có tới hơn chục tòa cao ốc cả cũ, mới lẫn đang được xây dựng.

Điểm chung của các tuyến đường này là mật độ dân cư quá đông, trong khi hạ tầng không theo kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng và đây chỉ là một vài “điểm đen” giao thông tại TP.HCM. Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị tại TP.HCM đạt gần 13%, thấp hơn đáng kể so với quy chuẩn từ 20-26% của đô thị trung tâm. Tổng chiều dài các tuyến đường là hơn 4.500 km, tương đương mật độ 2,26 km/km2, cũng chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Trong khi đó, toàn Thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5, 7 và TP. Thủ Đức, dẫn tới hạ tầng nhiều nơi bị quá tải.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng trên là hệ quả của việc cấp phép dự án đi ngược quy trình, bởi lâu nay, dự án nhà ở cao tầng luôn đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ quả là quy mô dân số tăng quá nhanh, gây sức ép lên hạ tầng giao thông hiện hữu, trong khi những dự án được triển khai đón đầu hạ tầng phải “đắp chiếu” vì không thể kết nối với trục giao thông chính.

Đơn cử, dự án Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Đất Phương Nam có diện tích 8.303,7 m2 và nguồn gốc đất tư nhân do doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ dân đã cập nhật đăng bộ sang tên Công ty (có đất ở và đất nông nghiệp). Khu đất được cho là phù hợp quy hoạch 1/2000 để đầu tư dự án nhà ở chung cư cao tầng.

Từ tháng 6/2021, doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thụ lý, lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan. Đến nay, ngoại trừ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, các cơ quan chức năng khác đã có văn bản phản hồi.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về dự án này, ngoài việc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, dự án đang gặp vướng mắc trong kết nối giao thông vì hiện mới có đường nội bộ kết nối vào dự án lộ giới khoảng 4 m, trong khi hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 hoàn thiện.

Cứu đô thị bằng “ĐTM giao thông”

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM, từ năm 2000, khu vực trung tâm TP.HCM đã có biểu hiện quá tải. Để giảm các tác động kém tích cực, Thành phố áp dụng nhiều biện pháp hành chính cũng như kỹ thuật như giãn dân ra khu vực ngoại thành, ven đô, bắt đầu từ các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học, sau đó là mở đường mới qua công viên, mở rộng hẻm qua khu dân cư, xén vỉa hè mở rộng đường cũ…, nhưng tình hình tắc nghẽn không mấy cải thiện, trong khi số lượng cây xanh, đất công viên… ngày một giảm, thậm chí không còn chỗ đặt thùng rác.

Để cứu vãn tình thế, Sở Giao thông - Vận tải mới có đề xuất và được UBND TP.HCM đồng ý triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình mới trước khi cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, tất cả các dự án đầu tư công trình xây dựng như chung cư cao tầng, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng... phải thiết kế phương án kết nối giao thông, đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình. Công tác đánh giá được thực hiện ngay trong giai đoạn lập dự án, quy hoạch để xác định quy mô đầu tư và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến hệ thống hạ tầng xung quanh.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, yêu cầu đánh giá tác động giao thông đối với các tòa nhà cao tầng là cần thiết và đáng ra phải được thực hiện từ lâu để bảo đảm sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Bởi lâu nay, việc cấp phép xây dựng của Thành phố được thực hiện tràn lan, thiếu khoa học.

“Thành phố cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai, chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu nên không theo nổi đà tăng quy mô dân số. Trong khi đó, mỗi khi xảy ra kẹt xe, ùn tắc, cơ quan chức năng lại xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn”, ông Sơn thẳng thắn nói, đồng thời cho biết thêm, về nguyên tắc, quy hoạch hạ tầng phải đi trước quy hoạch đô thị, nên những khu vực mật độ xây dựng đã quá lớn, giao thông chưa đủ đáp ứng thì không cấp phép công trình mới. Trường hợp vẫn muốn xây dựng, nhà đầu tư phải bỏ thêm kinh phí làm đường kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại không chỉ ở phạm vi dự án mà cả bên ngoài.

“Nhà đầu tư làm xong dự án sẽ bán rồi rời đi, nhưng nếu hạ tầng xung quanh bị ảnh hưởng, ngân sách phải chạy theo khắc phục là bất hợp lý”, ông Sơn nói và cho rằng, việc thay đổi nguyên tắc quản lý đô thị, áp dụng quy định mới sẽ giúp Thành phố hạn chế tình trạng kẹt xe, ngập nước ngày một trầm trọng như hiện nay.

“Tuy nhiên, không tăng tải chỉ là giải pháp để Thành phố có thêm thời gian xử lý những khu vực quá tải. Đường cần mở vẫn phải mở, giao thông công cộng vẫn phải phát triển. Do đó, việc giảm tải cần phải được thực hiện song song với mở mới đường xá, có như vậy thì Thành phố mới từng bước cải thiện được tình trạng quá tải giao thông và mật độ dân cư đô thị hiện tại”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, ông Hòa cho rằng, việc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố xây dựng quy trình và quy chế đánh giá khía cạnh giao thông của các dự án trở thành một khâu độc lập và bắt buộc là cần thiết, cho dù muộn. Mặc dù vậy, khu vực trung tâm TP.HCM hiện không còn nhiều đất để xây dựng cao ốc, cho nên chính sách này không phù hợp áp dụng tại các quận nội thành, mà chỉ phù hợp với các huyện ngoại thành còn nhiều quỹ đất như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi hay một số vùng ven TP. Thủ Đức.

“Các dự án nhà cao tầng nếu không qua được cửa của Hội đồng Giao thông thì sẽ không có quyền đi tiếp đến các hội đồng khác để nhận giấy phép xây dựng. Hy vọng thiết chế này sẽ phát huy tác dụng ở những nơi còn nhiều quỹ đất”, ông Hòa nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục