Riêng bị cáo Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND) được miễn trách nhiệm hình sự nên không kháng cáo.
Trong đơn, bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, bị kết án 17 năm tù) kêu oan. Bị cáo cho rằng, đã làm đúng theo chủ trương của thành phố. Tương tự, cựu Chủ tịch UBND Văn Hữu Chiến (bị kết án 12 năm tù) cũng kêu oan một phần trong vụ án, xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị xem xét lại bối cảnh TP. Đà Nẵng cách đây 15 năm.
Các bị cáo Nguyễn Quang Thành (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát) và Phan Minh Cương (nguyên Giám đốc Công ty TNHH I.V.C, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng 79) bị kết án 3 năm tù cũng cho rằng mình không phạm tội như bản án sơ thẩm kết luận vì hai bị cáo chỉ là người đi mua nhà, đất.
Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Bên cạnh đó, một số người, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án như: vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ, em ruột bị cáo Phan Văn Anh Vũ, đại diện công ty của Vũ… cũng làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tuyên trách nhiệm dân sự thu hồi tài sản liên quan trong vụ án.
Vũ nhôm kháng cáo toàn bộ bản án
Trong đơn kháng cáo viết tay dài 4 trang giấy, bị cáo Vũ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo cho rằng, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 25 năm tù và phải liên đới bồi thường với các bị cáo khác là không có căn cứ và làm oan cho bị cáo.
Bị cáo viết: “Kết quả điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Phan Văn Anh Vũ với Trần Văn Minh và các đồng phạm khác... Tại phiên tòa, HĐXX đã thẩm tra các chứng cứ và các lời khai, không có lời khai nào cho rằng có việc chia lợi ích cũng như không có bất kỳ một sự tác động nào từ phía Phan Văn Anh Vũ để các bị cáo thực hiện hành vi giúp sức. Tại phần tranh luận, các vị đại diện VKSND cũng không đưa ra bất kỳ chứng cứ vật chất nào để chứng minh tôi đồng phạm với các bị cáo khác”.
Bị cáo cho rằng, VKSND không có đủ cơ sở để buộc tội và HĐXX không đánh giá toàn diện, khác quan, bản chất sự thật của vụ án.
Ngoài ra, việc thành lập Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương là vi phạm tố tụng hình sự, trái quy định. Các kết luận định giá trong vụ án không khách quan nên cần phải định giá lại bởi một hội đồng định giá khác khách quan, độc lập hơn... Việc kê biên tài sản đảm bảo thi hành án khi chưa có kết luận của Hội đồng định giá tài sản là vi phạm khoản 3, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bị cáo Vũ cũng cho rằng, việc áp dụng văn bản pháp luật để giải quyết vụ án là không phù hợp. Vì các nhà, đất trong vụ án này không thể áp dụng Nghị định 61/CP/1994, mà phải áp dụng Nghị định 14/1998.
Với những lý do trên, bị cáo Vũ đề nghị phải trả hồ sơ để điều tra, làm rõ những vấn đề đã tranh luận như chứng cứ kết tội, các tình tiết phức tạp không thể làm rõ tại tòa cùng nhiều sự vi phạm khác.
Bản án sơ thẩm nêu rõ, trong từ năm 2006-2014, bị cáo Minh và Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái các quy định như đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án này.
Tòa sơ thẩm xác định bị cáo Vũ giữ vai trò đặc biệt và được hưởng lợi đặc biệt lớn. Còn bị cáo Minh giữ vai trò chính, song chưa nhận thức ra sai phạm.