Cựu Chủ tịch Louis Holdings bị đề nghị kịch khung 6 - 7 năm tù, luật sư đề nghị làm rõ số tiền thu lời bất chính đã đi đâu

(ĐTCK) Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings mức án 6-7 năm tù vì chủ mưu thao túng chứng khoán. Trong khi đó, luật sư bào chữa của bị cáo đề nghị làm rõ: "Giao dịch thoả thuận có phải là thao túng chứng khoán hay không?"
Bị cáo Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Louis Holdings bị buộc tội chủ mưu thao túng thị trường chứng khoán.

Bị cáo Đỗ Thành Nhân bị đề nghị kịch khung 6 - 7 năm tù

Sáng 10/5, phiên toà xét xử vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" đối với bị cáo Đỗ Thành Nhân và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ ba.

Phát biểu quan điểm luận tội đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, xuất phát từ mục đích thu lời bất chính, Đỗ Thành Nhân (vào năm 2021, khi đó là Chủ tịch HĐQT Louis Holding) đã câu kết với Đỗ Đức Nam (khi đó là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) thao túng thị trường chứng khoán.

Các bị cáo sử dụng 17 tài khoản chứng khoán đứng tên bị cáo Nhân và nhân viên, người thân của Nhân (với nguồn tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt cho vay dưới hình thức hợp tác đầu tư, trị giá hơn 748 tỷ đồng) để mua khối lượng lớn mã cổ phiếu BII (của Công ty Bảo Thư, sau đổi tên thành Louis Capital) và TGG (của Công ty Trường Giang, sau đổi tên thành Louis Land) nhằm thâu tóm các công ty này mặc dù hai công ty đang kinh doanh thua lỗ, thị giá cổ phiếu chỉ 1.000 - 3.000 đồng và có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Theo Viện Kiểm sát, Nhân và Nam đã bàn bạc, thống nhất chiến thuật, kịch bản để thao túng mã BII, TGG. Trên cơ sở đó, Nam chỉ đạo nhân viên sử dụng 17 tài khoản, liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua bán khối lượng lớn các cổ phiếu này và đẩy hai mã cổ phiếu từ vùng giá thấp lên mức cao. Đồng thời, cuối tháng 8/2021, Nhân lập group để viết bài đăng hô hào, lôi kéo nhà đầu tư.

Đến tháng 9/2021, giá cổ phiếu BII lập đỉnh 33.800 đồng/cp; TGG lập đỉnh 74.800 đồng/cp. Các bị cáo thu lời hơn 154,7 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát, đây là vụ án xảy ra trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, tác động xấu đến môi trường đầu tư, gây khó khăn đến việc thu hút vốn trên thị trường chứng khoán; có đủ cơ sở kết luận cáo trạng truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Đặc biệt, bị cáo Nhân, Nam, Phạm Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản Trí Việt) là những người giữ chức vụ cao, có quyền quyết định tại các pháp nhân, có trình độ cao, có thời gian dài là lãnh đạo trong lĩnh vực chứng khoán, song vì hám lợi bất chính nên đã lợi dụng trình độ của mình để câu kết thực hiện hành vi phạm tội, tạo thành vòng tròn khép kín để thao túng mã BII, TGG, thu lợi bất chính đặc biệt lớn, theo Kết luận của Viện kiểm sát.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 10/5 (Ảnh: H.Y)

Từ quan điểm đó, trên cơ sở xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Đỗ Thành Nhân là 6 - 7 năm tù, Đỗ Đức Nam 4 - 5 năm tù, Phạm Thanh Tùng 30 - 36 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo), Lê Thị Thu Hương 30 - 36 tháng tù; Lê Thị Thùy Liên 15 - 18 tháng tù, Trịnh Thị Thùy Linh 15 - 18 tháng tù; Vũ Ngọc Long 6 - 9 tháng tù, Ngô Thục Vũ 6 - 9 tháng tù.

Ngoài ra, cơ quan công tố đề nghị tịch thu số tiền thu lời bất chính hơn 154,7 tỷ đồng để sung công quỹ; đồng thời cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán sau khi chấp hành xong hình phạt tù từ 1 - 3 năm, riêng bị cáo Tùng thời hạn này là 5 năm.

Luật sư đề nghị làm rõ nhiều chi tiết

Sau khi Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, Luật sư Hồ Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng), người bào chữa cho bị cáo Nhân cho rằng, Nhân chỉ là người thực hiện hành vi vi phạm chứ không phải người khởi xướng cầm đầu mà đều do Đỗ Đức Nam xúi giục.

"Mỗi tài khoản chỉ được vay 20 tỷ đồng, Nam có động cơ để bàn với Nhân mở nhiều tài khoản vì mở càng nhiều tài khoản thì Công ty Trí Việt càng có nhiều tiền lãi (14%/năm), Nam càng có nhiều tiền lãi ngoài (4% tổng khoản vay, theo cáo trạng).

Luật sư Hồ Quốc Tuấn, người bào chữa cho bị cáo Nhân cho rằng Nhân không có vai trò cầm đầu mà là Nam (Ảnh: H.Y)

Nam cũng chỉ đạo Hương và Linh khớp lệnh trước, ký phiếu lệnh sau. "Có thể nói, không có Đỗ Đức Nam thì không có phiên toà này", luật sư Tuấn chứng minh Nam mới là người chủ mưu cầm đầu chứ không phải Nhân.

Ngoài ra, trong 154,7 tỷ đồng các bị cáo thu lời bất chính, luật sư Tuấn nói rằng có 122 tỷ đồng là khoản thu lợi do mua bán thoả thuận. Ông Tuấn đặt vấn đề: "Cơ sở nào để xác định một giao dịch thỏa thuận là thâu tóm chứng khoán?".

Trước khi Viện Kiểm sát luận tội, giám định viên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có mặt tại phiên tòa để trả lời xét hỏi của luật sự. Giám định viên cho biết, việc tính toán khoản thu lời dựa trên các giao dịch thực tế đã diễn ra, bao gồm cả giao dịch thỏa thuận và giao dịch khớp lệnh.

"Thông tư 117/2020/TT-BTC quy định phương pháp tính toán khoản thu trái pháp luật thì không phân biệt giao dịch thỏa thuận hay khớp lệnh, đều là giá trị đã được thực hiện. Do đó, giám định viên đã thực hiện tính toán và xác định khoản thu lời là 154 tỷ đồng", đại diện Uỷ ban Chứng khoán nói.

Là người thứ hai bào chữa cho bị cáo Nhân, Luật sư Vũ Gia Trưởng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nói rằng, Nhân là người làm nghề buôn bán xuất nhập khẩu gạo, là "tay ngang", "lính mới" trong lĩnh vực chứng khoán, chắc chắn không dám vay tới 748 tỷ đồng để mua bán cổ phiếu nếu không có ai xúi giục, cầm đầu.

Luật sư Vũ Gia Trưởng đề nghị làm rõ số tiền thu lời bất chính hơn 154,7 tỷ đồng đã đi đâu.

Luật sư cho rằng, Nhân đã khai báo thành khẩn, đã vận động người nhà nộp hơn 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả, là con một, vợ không có việc làm, nuôi 6 con nhỏ... và được ghi nhận có 2 tình tiết giảm nhẹ, việc bị đề nghị kịch khung 6 - 7 năm tù là không khách quan, thiếu nhân văn, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Ngoài ra, ông Trưởng nhận định, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chưa làm rõ dòng tiền sau khi kết thúc mua bán cổ phiếu thì đi về đâu.

Trích dẫn trang 17 Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, bản cáo trạng không có cơ sở để bóc tách dòng tiền 154,7 tỷ đồng dùng vào việc gì vì khi kết thúc mua bán cổ phiếu 2 mã BII và TGG thì dòng tiền đó nhập vào tài khoản ngân hàng liên thông với các tài khoản chứng khoán, cùng với dòng tiền mua bán các mã cổ phiếu khác.

Trong khi đó, bị cáo Nhân khai đã chuyển 126 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Louis Capital để dùng 46 tỷ đồng tái cấu trúc doanh nghiệp và mua tài sản, 80 tỷ đồng để góp vốn mua nhà ở 678 Kinh Dương Vương (TP. Hồ Chí Minh).

"Tìm hiểu số tiền này đang đi đâu rất dễ, chỉ cần sao kê hoạt động tài chính của Louis Capital. Đây là một công ty chỉ có cái “xác” nên truy nguồn gốc số tiền lớn như vậy không khó. Nếu không làm rõ chỗ này sẽ dẫn đến nguy cơ biến nguồn tiền phi pháp thành hợp pháp", luật sư Trưởng nói.

Louis Capital đã đổi chủ

Ngày 22/3/2023, Công ty Louis Capital tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 lần 2 để thông qua nội dung đổi tên công ty từ Công ty cổ phần Louis Capital thành Công ty cổ phần The Golden Group.

Đáng lưu ý, HĐQT Công ty này cũng thông qua việc "thay máu" một loạt lãnh đạo của Hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vào ngày 20/4/2022, người kế nhiệm ông Nhân ngồi ghế Chủ tịch Louis Capital là Vũ Ngọc Long. Tuy nhiên, sau khi mở rộng điều tra vụ thao túng chứng khoán của nhóm Louis, cơ quan cảnh sát điều tra đã truy tố bổ sung 3 người trong đó có Vũ Ngọc Long.

Theo đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 16 của The Golden Group mới công bố, từ 5/5/2023, Công ty cổ phần Louis Capital thành Công ty cổ phần The Golden Group (TGG), trụ sở tại 14 Nguyễn Văn Vĩnh, P. Tân Bình, TP.HCM, vốn điều lệ gần 273 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Lý Thanh Nhã, Tổng giám đốc.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục