CureVac (Đức) tiếp tục nghiên cứu vắc xin Covid-19 dù kết quả thử nghiệm chỉ có hiệu quả 48%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CureVac có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu vắc xin Covid-19 mặc dù kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại vắc xin này chỉ có hiệu quả 48%.
CureVac (Đức) tiếp tục nghiên cứu vắc xin Covid-19 dù kết quả thử nghiệm chỉ có hiệu quả 48%

Hôm thứ Tư (30/6), công ty công nghệ sinh học Đức CureVac đã công bố phân tích cuối cùng về các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin Covid-19 được gọi là CVnCoV, xác nhận rằng loại vắc xin này có hiệu quả 48% đối với Covid-19 ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào trên tất cả các nhóm tuổi và 15 biến thể.

Liên quan tới tính hiệu quả thấp của vắc xin, Pierre Kemula, Giám đốc tài chính của CureVac cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành vào thời điểm có nhiều chủng virus mới đang lan rộng trên thế giới.

“Bây giờ chúng tôi cần trao đổi với EMA (Cơ quan Dược phẩm châu Âu) và muốn đảm bảo rằng chúng tôi có một cuộc đối thoại cởi mở và chia sẻ tất cả dữ liệu chúng tôi có để đánh giá con đường phía trước”, ông cho biết hôm thứ Năm (1/7).

Khi được hỏi liệu có nên tiếp tục phát triển vắc xin này hay không khi có nhiều vắc xin thành công khác đã được triển khai ở châu Âu và các nơi khác, ông Kemula cho biết công ty có các nghĩa vụ theo hợp đồng phải thực hiện.

“Chúng tôi có hợp đồng với Ủy ban châu Âu để cung cấp 225 triệu liều vắc xin nên chúng tôi cần phải tiếp tục phát triển”, ông cho biết.

“Có rất nhiều vắc xin được đưa ra, có rất nhiều người dưới 60 tuổi vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin cho đến nay. Vì vậy, nếu chúng ta có thể góp phần chống lại đại dịch trong ngắn hạn và cả về trung hạn bằng những con đường khác nhau, thì đó là điều mà chúng tôi tiếp tục thực hiện", ông cho biết.

Kết quả của cuộc thử nghiệm CureVac với sự tham gia của 40.000 người ở 10 quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh và châu Âu cho thấy, loại vắc xin này có hiệu quả hơn ở những người trẻ tuổi. Tỷ lệ hiệu quả ở những người từ 18 đến 60 tuổi là 53% đối với bệnh ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào, và tăng lên 77% đối với bệnh vừa và nặng ở cùng nhóm tuổi.

Tuy nhiên, vì Covid-19 gây ra nhiều rủi ro hơn cho người lớn tuổi nên kết quả thử nghiệm này là đáng thất vọng, đặc biệt là vì hai loại vắc xin khác được sản xuất bằng cách sử dụng RNA thông tin (mRNA) từ Pfizer-BioNTech và Moderna đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19.

Nhiều biến thể đã xuất hiện trong thời gian vừa qua, như biến thể alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh và biến thể delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ. Ông Kemula cho biết, ông tin rằng các đột biến sẽ tiếp tục xảy ra.

“Với ngày càng nhiều người bị nhiễm Covid-19, chúng tôi đang chuẩn bị cho sự phát triển tiếp tục của căn bệnh này trong tương lai khi ngày càng có nhiều biến thể hơn. Ngành công nghiệp này cần phải suy nghĩ trước về việc làm thế nào chúng ta có thể quản lý điều này tốt hơn với các loại vắc xin hiện tại cũng như với các loại vắc xin tăng cường khác nhau”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục