Cuối tuần tám chuyện cổ phiếu “vua”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng tạo nên con sóng lớn trong nửa đầu năm, nhưng hiện tại cổ phiếu ngân hàng đang yếu đà hơn nhiều các nhóm khác. 
Cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi chiếm khoảng 1/4 vốn hóa trên Hose. Ảnh: Shutterstock. Cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi chiếm khoảng 1/4 vốn hóa trên Hose. Ảnh: Shutterstock.

Giấu lãi?

Sau sóng cổ phiếu ngân hàng hồi nửa đầu năm 2021, hiện tại đang là thời điểm cổ phiếu nhóm này khá trầm lắng. Thậm chí, chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, có không ít nhà đầu tư cho rằng, khi nền kinh tế nói chung và hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp khó, ngân hàng vẫn là lĩnh vực có lãi, thậm chí lãi lớn nên thời gian qua là thời gian nhóm ngân hàng tỏ ra “lịch sự” khi cố giấu lãi, thậm chí “tin xấu ra đều” để chia sẻ cảnh ngộ với nền kinh tế nói chung. Thời gian tới sẽ là khoảng thời gian các cổ phiếu ngân hàng quay trở lại.

Chia sẻ cùng phóng viên về góc nhìn này, ông Trần Minh Tuấn, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, việc thời gian qua các cổ phiếu ngân hàng có sự suy giảm, hay việc cổ phiếu nhóm này bớt nóng trên sàn giao dịch đơn thuần phản ánh đúng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và kỳ vọng từ phía nhà đầu tư: kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh bùng phát.

Có thể nhà đầu tư có góc nhìn riêng về hình ảnh hay kết quả hoạt động của các ngân hàng, nhưng theo ông Tuấn, điều này cũng là dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư còn chưa có thói quen tìm hiểu kỹ về đặc thù hoạt động và tính chất thông tin của ngành này.

Theo ông Tuấn, riêng với nhóm ngân hàng, việc che giấu thông tin như giấu lãi, kết quả kinh doanh là không dễ. Thậm chí, đây còn là nhóm doanh nghiệp minh bạch nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc các ngân hàng thương mại giảm mạnh lợi nhuận chủ yếu đến từ việc các ngân hàng, đặc biệt là nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID) trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu lớn. Trong quý II và quý III/ 2021, Vietcombank đã đẩy mạnh trích lập và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 352%; VietinBank, BIDV cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu quanh mức 130%.

với nhóm ngân hàng, việc che giấu thông tin như giấu lãi, kết quả kinh doanh là không dễ. Thậm chí, đây còn là nhóm doanh nghiệp minh bạch nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Ông Trần Minh Tuấn, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest

Từ một góc nhìn khác, theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, động thái của các ngân hàng thời gian qua là dễ hiểu khi trước đó, có không ít ý kiến cho rằng nửa đầu năm 2021 là giai đoạn cả nền kinh tế gặp khó, trong khi nhóm ngân hàng lại duy trì lợi nhuận cao, đặt ra câu chuyện có bất bình đẳng hay không? Trước áp lực này, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi giảm lãi, hỗ trợ doanh nghiệp nên các ngân hàng đã tham gia và thực hiện khá mạnh mẽ, đã có khoảng 800.000 tỷ đồng được hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất.

Ông Kiên cho rằng, lãi suất giảm thì kỳ vọng lợi nhuận cũng giảm theo và có thể sẽ phản ánh rõ nhất vào quý IV/2021, nhưng từ quý III thì điều này đã thể hiện trên giá trị cổ phiếu qua các phiên giao dịch. Câu chuyện của ngành ngân hàng và giá trị cổ phiếu thời gian qua đã phần nào phản ánh rõ vấn đề này.

Không ít nhà đầu tư cho rằng, dù có thể ngành ngân hàng đang không còn quá hấp dẫn như giai đoạn đầu năm, nhưng với việc chiếm một tỷ trọng lớn về vốn hóa thị trường trên HOSE, thì đây vẫn là nhóm cổ phiếu hấp dẫn. Đây vẫn là các cổ phiếu có trong danh mục của đại đa số nhà đầu tư sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua. Phần lớn các nhà đầu tư đều vẫn cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn tiềm năng, nhưng có thể sẽ là câu chuyện trong trung hạn.

Theo ông Kiên, trong ngắn hạn trước mắt, nhất là quý IV, thường các ngân hàng sẽ thực hiện đánh giá soát xét về lãi, nợ xấu, cùng với việc nhiều ngân hàng đã cạn room tăng trưởng tín dụng, muốn nới room sẽ phải xin và được Ngân hàng Nhà nước cấp mới có thể đẩy mạnh huy động vốn. Do đó, quý IV có thể sẽ vẫn là thời gian nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa được đánh giá cao.

Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bước qua giai đoạn “xấu” nhất và hiện đang trong tiến trình tìm lại chính mình. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công, tung ra gói kích thích kinh tế sẽ là những trợ lực đáng kể cho thị trường nói chung, cổ phiếu nhóm ngân hàng nói riêng.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc giảm lãi vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhóm ngân hàng, nhưng theo ông Tuấn, kể cả nhà đầu tư không gửi tiết kiệm thì tiền vẫn chảy trong hệ thống và thậm chí chi phí quản lý của ngân hàng còn thấp hơn vì tiền vẫn nằm trong đó chứ không phải là rút về cất két. Do đó, không cần phải quá lo về bức tranh triển vọng của nhóm ngân hàng trong tương lai.

Giá trị và câu chuyện kỳ vọng

Thời gian qua, khi trao đổi cùng các nhà đầu tư, điểm chung mà phóng viên ghi nhận được là sự băn khoăn về chênh lệch giá trị các cổ phiếu ngân hàng cụ thể. Ví dụ, giữa TCB và VCB. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, về tổng quan chung hai ngân hàng này không có quá nhiều khác biệt, tuy vậy, giá trị cổ phiếu lại đang có chênh lệch rất lớn.

Đem thắc mắc này trao đổi cùng các chuyên gia, cũng có không ít những quan điểm phản hồi thú vị.

Theo ông Quang, thị giá của một cổ phiếu như VCB hay TCB thường bị tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ những yếu tố cơ bản như chỉ số tài chính, quy mô nguồn vốn mà còn bị tác động bởi cung cầu cổ phiếu, độ hấp dẫn nhà đầu tư trên thị trường.

VCB có thể nói là đầu tàu tăng trưởng không chỉ trong nhóm ngân hàng mà còn của cả nền kinh tế, do vậy việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm vừa qua thì việc thị giá VCB được đẩy cao là tất yếu. Còn TCB lại là một câu chuyện khác khi ngân hàng này thuộc nhóm ngân hàng tư nhân với tình hình tài chính vững mạnh, cổ phiếu của ngân hàng này sẽ cần thời gian phản ánh báo cáo tài chính vào thị giá cũng như cần có thời gian hấp dẫn nhà đầu tư.

Với P/B ở mức 2,3 đang là mức định giá hợp lý cho cổ phiếu ngân hàng thì cổ phiếu này còn nhiều dư địa tăng giai đoạn tới. Thời điểm quý IV/2021 và đầu năm 2022 sẽ là thời điểm thích hợp để TCB có nhịp tăng mới.

“Các cổ phiếu ngân hàng có sự chênh lệch nhiều về giá trị, trong khi nhiều yếu tố so sánh với cổ phiếu đang có giá trị cao thì tương đương chỉ yếu đến từ việc hiệu quả hoạt động IR của các ngân hàng khi mà các ngân hàng có hoạt động IR hiệu quả cung cấp và truyền thông tốt đến khách hàng sẽ có mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tốt hơn so với các ngân hàng không có hoạt động IR tương ứng”, ông Quang cho biết thêm.

Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), TCB là cổ phiếu tốt. TCB có quy mô dư nợ gần 300.000 tỷ đồng, các chỉ số của ngân hàng này cũng được cải thiện nhiều những năm qua. Trị giá hiện tại của TCB là vùng tương đối cao, tuy nhiên đây vẫn là ngân hàng có tiềm năng nhất và có thể vượt lên trong bối cảnh các ngân hàng khác có xu hướng đi xuống.

Còn theo ông Tuấn, sự chênh lệch về giá trị cổ phiếu là điều có thể hiểu được. Bởi đơn giản, nếu 2 cổ phiếu tốt như nhau mà giá bằng nhau thì không còn là thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư có quyền kỳ vọng, và nhà đầu tư kỳ vọng ở từng cổ phiếu là khác nhau, giá cổ phiếu hiện tại cho thấy kỳ vọng ở VCB nhiều hơn so với TCB.

Đánh giá về sự khác biệt này, theo ông Kiên, mọi điều đều sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu, từ kết quả hoạt động kinh doanh, kỳ vọng nhà đầu tư… Ngoài ra, số lượng cổ phiếu, mức độ cô đặc cũng là những yếu tố kỹ thuật quan trọng.

“Theo tôi quan sát, TCB có chất lượng hoạt động và tài sản tốt hơn VCB. Kỳ vọng nhà đầu tư vào mô hình quản trị của TCB là tốt hơn VCB, vì VCB có tỷ lệ vốn nhà nước, trong khi TCB là ngân hàng tư nhân. Câu chuyện này cũng tương tự như giá cổ phiếu của Vietjet và Vietnam Airlines vậy”, ông Kiên cho biết.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục