Ai rồi cũng chơi chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Từ ngày biết bảng điện, lúc nào cũng chui ra chui vào mấy diễn đàn, hội nhóm, ngày mấy lượt đọc tin để xem thị trường”, anh Đức – một nhà đầu tư F0 kể.
Câu nói quen thuộc mà nhiều thành viên thị trường vẫn nói với nhau. Ảnh: Internet. Câu nói quen thuộc mà nhiều thành viên thị trường vẫn nói với nhau. Ảnh: Internet.

Vốn chẳng xa lạ gì với món chứng cháo, thậm chí còn thân quen khi ngay ở chỗ làm, những người ngồi gần anh Đức nhất đều là những nhà đầu tư ít cũng vài ba năm, nhiều thì cả chục năm kinh nghiệm. Nhưng suốt một thời gian dài anh Đức vẫn kiên định: Không chứng cháo gì hết!

Từng nghe nhiều người kể về việc mất tiền chục, tiền trăm từ chứng khoán, vết hằn ấy khiến suốt một thời gian dài, anh Đức luôn đặt mình ngoài “thế cuộc” của những đồng nghiệp.

Anh nghe người ta bảo, trên sàn chỉ có 5% nhà đầu tư là có lãi, đến 95% là những người mất tiền…

Anh cũng nghe một anh bạn dọa: “Đừng thử, anh từng bay sạch tiền tiết kiệm vì nó đấy”.

Nhưng như một câu nói kinh điển: Ai rồi cũng khác, ai rồi cũng chơi chứng khoán, đầu tháng 6 vừa qua, từ chỗ lạnh nhạt với bảng điện, với ba chữ cái, với xanh - đỏ - tím thị trường, anh Đức cũng trở thành một “tấm chiếu mới” trong số 140.054 tài khoản được kích hoạt trong tháng này.

Anh bảo, thật khó có thể cưỡng lại khi mà quanh mình người ta ngày ngày nói về chứng khoán, nói về các mã và thị trường. Và quan trọng hơn, anh bảo rằng khi tìm hiểu thì anh thấy chứng khoán không “xấu” như anh vẫn nghĩ, cơ hội kiếm tiền thì vẫn còn. Cả thêm một điều, chơi chứng rồi, anh thấy mình cũng bớt lạc lõng hơn…

Thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư yêu thích của nhiều người. Ảnh: Shutterstock.

Thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư yêu thích của nhiều người. Ảnh: Shutterstock.

Những ngày đầu mới có tài khoản, anh Đức còn chưa biết cách nạp tiền, chưa biết làm sao để mua, để bán, chưa biết thế nào là các lệnh ATO, ATC… Mọi thứ đều mới lạ. Và như lời khuyên “chơi chứng khoán mà không hiểu biết thì đích thị là đánh bạc”, anh dựa vào google để làm quen khái niệm, mượn kiến thức những người xung quanh để tìm hiểu thị trường. Rồi mỗi tối, mỗi sáng nghe đài, đọc báo, xem tin tức… Cuối cùng, sau gần 1 tháng anh cũng dám nạp tiền chơi thử.

Anh bảo, là người mới nên tôi chỉ chơi tiền “thịt”, không đòn bẩy và cũng chủ yếu giao dịch để biết và duy trì thói quen quan sát thị trường, chứ chưa đặt nặng chuyện lời lỗ. Người ta khuyên tăng/giảm 7 – 10% là chốt lời, cắt lỗ. Anh kệ vì anh quan niệm không dùng margin không lo cháy tài khoản, việc lãi/lỗ cũng không nhiều vì mỗi cổ phiếu anh chỉ mua ở mức tối thiểu có thể. Anh không bán vì áp lực chốt lời hay cắt lỗ, chỉ thi thoảng giao dịch để thay đổi danh mục đầu tư. Với anh, những ngày tháng đầu tiên, quan trọng nhất là lấy trải nghiệm, lấy cảm giác thị trường.

Còn với chị Huyền, một nhà đầu tư cũng mới tham gia thị trường tính bằng ngày, thì chứng khoán thay đổi thói quen một cách khủng khiếp.

Cuốn vào, chị chịu khó tìm hiểu thông tin hơn. Từ việc thuộc nằm lòng những mã cổ phiếu quan tâm, chị còn biết được cả tình hình làm ăn của doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp niêm yết thì cũng phong phú vô cùng, từ hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, cho đến thủy sản, dệt may hay cao su, dầu khí… Mỗi cổ phiếu, khi tìm hiểu về nó lại giúp chị có thêm kiến thức nền cho các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chị bảo: “Trước toàn xem cà phê sáng thì nay mở mắt là đọc khuyến nghị, xem bản tin tài chính, xem các group để nắm xu hướng thị trường…”.

Đầu tư chứng khoán khiến người chơi quan tâm nhiều hơn đến các thông tin kinh tế, cổ phiếu. Ảnh: Shutterstock.

Đầu tư chứng khoán khiến người chơi quan tâm nhiều hơn đến các thông tin kinh tế, cổ phiếu. Ảnh: Shutterstock.

Câu chuyện mà chị Huyền nói cùng bạn bè giờ đây cũng loanh quanh cổ phiếu, sàn giao dịch nhiều hơn. Và làm gì thì làm, khoảng thời gian 7 – 8h, 9h15 – 9h30 hàng ngày, cơ bản chị toàn tâm toàn ý cho bảng điện và việc tìm hiểu về khái niệm, về thị trường, về cổ phiếu, doanh nghiệp và tin tức.

Chiến thuật của chị Huyền đó là nhờ mấy đồng nghiệp dạn dày mách nước. Mỗi người chị hỏi một mã khác nhau và mua thử, có tăng, có giảm, nhưng sau hai tuần, tổng kết lại chị cơ bản hòa vốn và thấy chứng khoán thật đáng yêu.

Chị còn kể, chẳng biết có đúng không, nhưng mỗi khi giở app ra, thấy các mã xanh, đỏ hay tím, cảm giác cũng hồi hộp ra trò. Dường như lúc chơi chứng khoán, nó tiết ra thứ hóc-môn khiến người ta bị kích thích, hưng phấn, hồi hộp, cả việc cổ phiếu tăng, giảm hay đứng im đều mang lại những cảm giác rất thú vị.

“Giai đoạn đầu này mình chưa có kiến thức, chưa biết phân tích, nhưng chắc may mắn nên khi thị trường giảm điểm thì mới chỉ thua cái chỗ được chứ chưa bị âm tiền. Cái mình được nhiều hơn trong những ngày đầu này là sự hiểu biết. Trước đây mình chỉ quan tâm giá hàng tiêu dùng, đồ ăn thức uống, bỉm sữa nhưng giờ cả kinh tế vĩ mô, cả lạm phát hay chuyện Tây, Tàu mình cũng biết ít nhiều, đến mức ông xã còn ngạc nhiên vì sự thay đổi của mình”, chị Huyền kể.

Chứng khoán mang lại giá trị riêng cho mỗi nhà đầu tư, ngoài tiền. Ảnh: Shutterstock.

Chứng khoán mang lại giá trị riêng cho mỗi nhà đầu tư, ngoài tiền. Ảnh: Shutterstock.

Không phải là tay chơi quá mới, chị Thu Hoài cũng đã có gần nửa năm tham gia thị trường lại khoe, trước nhà chị chỉ có chồng đầu tư, thậm chí, chồng chị Hoài còn chơi chứng khoán từ ngày còn sinh viên. Nhưng khác cái anh chồng là nhà đầu tư trung hạn nên không dành quá nhiều thời gian cho việc xem chứng khoán hàng ngày.

Hồi đầu năm, anh chồng đưa cho chị 50 triệu, nói là tiền chốt lời một mã cổ phiếu và xúi chị tự mở tài khoản chơi cho biết. Anh cũng không quản lý danh mục hay can thiệp gì, mọi việc đều cho chị tùy ý quyết định với lời nhắn: “Đây là tiền vốn đầu tiên, em chơi lãi thì có cái chơi dài dài, còn lỗ thì ráng chịu”.

Chị Hoài cũng áp dụng câu nói: “Bụt chùa nhà không thiêng”, hồi đầu, sau khi được chồng hướng dẫn vài đường cơ bản, chị cũng chủ yếu hỏi han các đồng nghiệp có đầu tư chứng khoán và tự chọn các mã cho mình. Dần dà, chị có kinh nghiệm và tự tìm hiểu, phân tích sơ bộ và lựa chọn cổ phiếu, tự chốt lời, cắt lỗ. Đến nay, tài khoản của chị đã có gần 80 triệu, số tiền lãi chị không rút ra mà để mua tiếp các cổ phiếu chị tin là tốt.

Nhưng thú vị nhất như chị Hoài chia sẻ đó là, giờ câu chuyện của hai vợ chồng chị chủ yếu chỉ xoay quanh chứng khoán. Anh chồng cũng chịu khó “bày trò” cho vợ hơn. Thậm chí có lần hai vợ chồng đang lái xe về quê, chị còn bắt anh dừng giữa đường để đặt lệnh mua do chị phải bế em bé.

Chị kể hôm sinh nhật anh chồng, chị mua tặng anh cái thắt lưng xịn xò hàng hiệu và bảo: “Đó là tiền lời từ chứng khoán”. Anh chồng sướng đến mức cười không ngậm được cả mồm.

“Lão chồng nhà mình chơi lâu, hỏi mấy mã hot hot, tình hình làm ăn ra sao cơ bản lão đều biết, hoặc có thể alo hỏi han bạn bè ngay cho mình được. Thấy tín nhiệm lắm. Mỗi tội lắm lúc mình hỏi nhiều quá, lão bực bảo là biết thế trước chả cho mình chơi…”, chị Hoài kể lại.

"Tuần này lão hơi buồn, và hay bực dọc, danh mục lão còn nhiều, mã lãi đã thoát hết và mã lỗ thì vẫn còn nguyên, nên mình cũng hạn chế nêu nói các chuyện linh tinh khi về nhà như trước".

Các nhà đầu tư như anh Đức, chị Huyền, chị Hoài có lẽ không hiếm trên thị trường. Và dù chưa biết rồi các nhà đầu tư này sẽ gắn bó với bảng điện được bao lâu nhưng có vẻ như, khi đã tham gia cuộc chơi nay, ngoài kỳ vọng về lợi nhuận, ai cũng tìm thấy cho mình được những giá trị rất riêng.

Ai rồi cũng chơi, cũng lãi và sẽ lỗ, nhưng kiến thức về tài chính thì sẽ vẫn còn.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục