Diễn biến giá cổ phiếu trước thềm thoái vốn
Ngày 23/8 tới, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá 18,75 triệu cổ phiếu EVF, tương đương 7,5% vốn điều lệ EVN Finance thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, cuối giờ chiều 23/7/2019, HNX đăng tải lên trang web thông báo bán đấu giá của EVN. Mức giá khởi điểm bán đấu giá EVF cao hơn thị giá ngày 23/7/2019 (7.000 đồng/cổ phiếu) gần 93%, hay thị giá thấp hơn mức định giá mà EVN thoái vốn 48%.
Trên sàn chứng khoán, hai phiên giao dịch 24 - 25/7/2019, cổ phiếu EVF tăng điểm, đạt 7.800 đồng/cổ phiếu, rồi điều chỉnh giảm 4 phiên liên tiếp, trở về mức giá cũ là 7.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, cổ phiếu EVF dao động trong khoảng 6.900 - 7.300 đồng/cổ phiếu trước khi bật tăng giá trần ngày 16/8 và 19/8/2019, từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 8.800 đồng/cổ phiếu (+25,7%).
Giá cổ phiếu EVF hiện tăng gấp đôi so với đầu năm 2019, cũng như mức đáy quanh ngưỡng 4.000 đồng/cổ phiếu trong hầu hết thời gian của quý I, nhưng vẫn chưa bằng mức giá đạt được trong những ngày đầu chào sàn UPCoM là 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ðáng chú ý, cổ phiếu EVF chưa lấy lại được mức giá ngày chào sàn, dù thấp hơn mức giá tham chiếu 12.200 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 7/8/2019, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.
EVN quyết thoái hết vốn tại EVF
EVF có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng (250 triệu cổ phiếu), mức vốn điều lệ này được duy trì từ khi thành lập năm 2008 đến nay, EVN là cổ đông sáng lập, tỷ lệ sở hữu ban đầu 40%, tương ứng 100 triệu cổ phiếu; cổ đông lớn thứ hai tại EVF là ABBank, tỷ lệ sở hữu 8,4%.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng, một tổ chức không được nắm giữ quá 15% vốn điều lệ tại một tổ chức tài chính (trừ một số trường hợp đặc biệt). Do đó, ngày 5/12/2014, EVN bán đấu giá 25% vốn tại EVF, tương ứng 62,5 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phiếu. Kết quả, EVN bán được 58,75 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu sau đấu giá là 16,5%, tương ứng 41,25 triệu cổ phiếu.
Ðến tháng 10/2015, EVN thoái 1,5% vốn tại EVF cho đối tác thông qua giao dịch thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 15%.
Theo Ðề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 do Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn góp tại EVF. Do đó, ngày 18/8/2017, EVN bán đấu giá toàn bộ 37,5 triệu cổ phiếu EVF, với giá khởi điểm 14.133 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá, nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện tiến hành.
Trong quý IV/2017, EVN bán thành công một nửa số cổ phiếu sở hữu tại EVF, với giá 11.654 đồng/cổ phiếu, giảm tỷ lệ xuống 7,5%.
Tháng 10/2018, EVN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phương án và lộ trình thoái hết vốn tại EVF, thực hiện trong năm 2018, với mức giá đề xuất của phía đơn vị tư vấn là 12.200 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách thời điểm cuối năm 2017 của EVF là 12.149 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện.
Ðợt thoái vốn cuối, giá khởi điểm cao hay thị giá thấp?
18,75 triệu cổ phiếu EVF mà EVN đưa ra đấu giá ngày 23/8 tới có giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá giao dịch trên sàn chứng khoán bình quân 1 tháng qua là hơn 7.000 đồng/cổ phiếu; như vậy, giá khởi điểm đấu giá cao hơn thị giá trên 90%, hay thị giá thấp hơn giá khởi điểm đấu giá gần 50%. Ðiều này có nghĩa, mức giá mà EVN thoái vốn tại EVF cao hơn so với định giá của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, hay nói cách khác, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong định giá cổ phiếu EVF.
EVF được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngày 7/7/2008. Ban đầu, EVF đảm nhiệm vai trò đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN. Sau đó, Công ty cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị khác như huy động vốn, nhận tiền gửi của tổ chức... Đáng chú ý, ngày 1/10/2018, Công ty ra mắt thương hiệu Easy Credit, cung cấp thêm sản phẩm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.
Đặc thù hoạt động của EVF như một tổ chức tín dụng phi ngân hàng nên thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng thu nhập. Tỷ lệ nợ xấu những năm qua được Công ty duy trì dưới mức 3% (năm 2017 là 2,09%, năm 2018 là 2,04%) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Từ khi thành lập đến nay, EVF chưa năm nào thua lỗ và kết quả kinh doanh trong những năm gần đây liên tục được cải thiện (xem bảng). Trong 6 tháng đầu năm 2019, EVF đạt 109 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 88,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Kế hoạch của Công ty là cả năm 2019 đạt 280,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thời điểm cuối tháng 6/2019, EVF có vốn chủ sở hữu 3.309,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thị trường đang định giá lại cổ phiếu EVF khi gần đây tăng giá trần. Theo đó, so mức thị giá cao nhất kể từ đầu năm 2019 là 8.800 đồng/cổ phiếu ngày 18/8, thì giá khởi điểm đấu giá sắp tới chỉ còn cao hơn thị giá 65,3%, hay thị giá thấp hơn giá khởi điểm đấu giá chưa đến 35%.
Ðược biết, giá khởi điểm cho đợt thoái vốn cuối cùng của EVN tại EVF được xác định bằng phương pháp tài sản, phương pháp tỷ số bình quân, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, có tính đến giá trị quyền sử dụng đất và giá trị điều chỉnh tỷ lệ bổ sung về các giá trị quyền sở hữu trí tuệ…
Theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, phương pháp tài sản ước tính giá trị của doanh nghiệp thông qua tính tổng giá trị thị trường của các tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp, bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
Phương pháp tỷ số bình quân ước tính giá trị doanh nghiệp thông qua tỷ số thị trường trung bình của ít nhất 3 doanh nghiệp so sánh. Doanh nghiệp so sánh thỏa mãn các điều kiện: tương tự về ngành nghề kinh doanh chính, khách hàng và thị trường tiêu thụ, các chỉ số tài chính (vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận, ROE, ROA); có cổ phiếu được giao dịch trên thị trường.
Các tỷ số thị trường được sử dụng trong phương pháp tỷ số bình quân bao gồm: tỷ số giá trên thu nhập bình quân (P/E), tỷ số giá trên doanh thu bình quân (P/S), tỷ số giá trên giá trị sổ sách bình quân (P/B), tỷ số giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao bình quân (EV/EBITDA). Trong đó, giá trị sổ sách để tính tỷ số P/B không tính tài sản cố định vô hình (nếu không loại trừ thì phải nêu rõ lý do), ngoại trừ quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài sản trên đất.
Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bằng cách cộng giá trị hiện tại thuần của các dòng cổ tức và giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo với giá trị các tài sản phi hoạt động (không bao gồm tiền mặt và tương đương tiền) của doanh nghiệp.
Ðịnh giá doanh nghiệp còn có các phương pháp khác như phương pháp giá giao dịch (giá giao dịch cổ phiếu trên sàn); phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp; phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu.
Một chuyên gia tài chính cho biết, định giá doanh nghiệp là một công việc phức tạp, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật, vì kết quả định giá có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan do có những tài sản cần phải ước tính giá trị, trong khi không phải lúc nào cũng có căn cứ rõ ràng và vững chắc để cho ra kết quả chính xác. Tuy nhiên, các phương pháp định giá nêu trên là phổ biến với những nguyên tắc cơ bản đã được thừa nhận rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
Vậy phương pháp định giá nào là phù hợp? Vị chuyên gia trên cho rằng, mỗi phương pháp định giá đều có ưu điểm và nhược điểm, tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp với những thẩm định viên giàu kiến thức và kinh nghiệm sẽ lựa chọn một số phương pháp định giá phù hợp, tùy thuộc doanh nghiệp đó thuộc loại hình, ngành nghề gì, quy mô ra sao, đang ở chu kỳ kinh doanh nào… Với nhà đầu tư chứng khoán muốn tự định giá doanh nghiệp thì cũng nên tự tìm cho mình câu trả lời, nhưng kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp tỷ số bình quân sẽ cho ra kết quả hợp lý hơn.
Các phương pháp/cơ sở tính giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần EVF:
+ Giá trị thẩm định giá cổ phần EVF tại thời điểm 31/12/2018 do Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán Quốc tế phát hành ngày 27/6/2019 là 13.052 đồng/cổ phần.
Trong đó, các phương pháp được sử dụng để xác định giá trị cổ phần EVF tại thời điểm 31/2018 bao gồm: phương pháp tài sản; phương pháp tỷ số bình quân (bao gồm P/E, P/B, EV/EBITDA); phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.
+ Giá trị cổ phần EVF được xác định trên cơ sở giá trị thẩm định giá có tính toán bổ sung theo báo cáo tư vấn giá khởi điểm của Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán Quốc tế ngày 27/6/2019 như sau.
Giá trị quyền sử dụng đất (với giả thiết chưa khai thác hết lợi thế - EVF đang quản lý và sử dụng khu đất 631 m2, có sổ đỏ, tại lô A2.12, đường 30 tháng 4, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng): tăng giá trị theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức từ 11.609 đồng/cổ phần lên 11.857 đồng/cổ phần. Sau khi tính tỷ trọng bình quân, giá trị cổ phần tăng từ 13.052 đồng/cổ phần lên 13.135 đồng/cổ phần.
Giá trị điều chỉnh bổ sung tỷ lệ 1% tối thiểu về giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp sau khi định giá lại theo phương pháp tài sản: tăng thêm 12 đồng/cổ phần.
Giá trị điều chỉnh bổ sung giá trị lợi thế kinh doanh vận dụng theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP: giá trị thương hiệu tăng thêm 67 đồng/cổ phần, giá trị tiềm năng phát triển tăng thêm 266 đồng/cổ phần.