Một trong những đối tượng được kỳ vọng sẽ niêm yết nhiều trong thời gian tới là khối ngân hàng thương mại (NHTM). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch cho khối ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu tất cả các NHTM phải niêm yết cổ phiếu vào năm 2015. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Bà Đào cho biết, trong quá trình tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các NHTM cho thấy, khá nhiều ngân hàng có nhu cầu lên sàn nhưng còn vướng một số thủ tục, đơn cử như không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn niêm yết vì tỷ lệ nợ xấu quá cao, hay đang trong quá trình tái cấu trúc (hợp nhất, sáp nhập)…
Theo bà Đào, với những trường hợp này, thời gian niêm yết sẽ tạm thời được lùi lại. Còn đối với những ngân hàng đã đủ tiêu chuẩn niêm yết, có thể thời điểm hiện tại còn “lưỡng lự”, nhưng sẽ tập trung niêm yết trong năm sau.
Tại ĐHCĐ năm 2014 Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã trình xin ý kiến cổ đông về kế hoạch niêm yết trong thời gian tới. Một số ngân hàng khác như Nam A Bank, VPBank, LienVietPostBank… cũng có kế hoạch niêm yết cách đây 1 - 2 năm, nhưng hiện vẫn đang cân nhắc về thời điểm.
Về các DN khác, bà Đào cho biết thêm, HOSE đang xem xét để chấp thuận cho một số DN dự kiến sẽ lên sàn từ nay đến cuối năm 2014, như CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất, CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển… CTCK Thiên Việt (TVS) đã có kế hoạch niêm yết trong tháng 8/2014 nhưng lùi sang cuối năm 2014.
Ngoài ra, cũng trong tháng 8/2014, HOSE đã nhận được hồ sơ xin niêm yết 32 triệu cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (tương đương vốn điều lệ 320 tỷ đồng) và 43,54 triệu cổ phiếu CTCP Phân bón Miền Nam (vốn điều lệ hơn 435 tỷ đồng).
Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), ngày 26/8, Sở đón nhận thêm cổ phiếu của CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang lên niêm yết với mã DGC, mức giá chào sàn là 30.000 đồng/CP. Một số DN dự kiến niêm yết trên HNX từ nay đến cuối năm như CTCP C.E.O với mức vốn điều lệ hiện tại là 343 tỷ đồng sẽ niêm yết 34,3 triệu cổ phiếu; CTCP Dây cáp Điện Việt Thái niêm yết 5 triệu cổ phiếu…
Theo HNX, để thúc đẩy DN niêm yết, định kỳ 2 Sở sẽ tổ chức các hội nghị công ty đại chúng chưa niêm yết hay phối hợp với các CTCK tổ chức các buổi tiếp xúc với DN để phổ biến, khuyến khích các DN lên sàn.
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian qua, đặc biệt là những cổ phiếu mới lên sàn như CTCP Thế giới Di động (mã MWG - sàn HOSE), hay CTCP Thủy điện Miền Trung (mã CHP - sàn HNX)… đều được NĐT đón nhận và có mức tăng trưởng khá tốt. Đây sẽ là một trong những động lực để DN “tự tin” hơn đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Theo nhìn nhận của nhiều DN, yếu tố thị trường có tác động rất lớn đến giá cổ phiếu, nên nếu thị trường giữ được đà tăng trưởng ổn định, sẽ có nhiều DN lên sàn và ngược lại.
Hơn nữa, so với giai đoạn trước, việc huy động vốn thông qua TTCK từ đầu năm đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng vốn huy động qua TTCK trong 2 quý đầu năm ước đạt 127.000 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (không tính phát hành riêng lẻ) ước đạt hơn 7.432 tỷ đồng, điều này cho thấy TTCK vẫn là kênh hấp dẫn trong việc huy động vốn cho DN.
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2015 sẽ là năm có sự phát triển mạnh về quy mô niêm yết.
Cả HOSE và HNX đều đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm thúc đẩy các DN thực hiện đúng quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đó là các công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường tập trung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Dù biết vẫn nhiều DN lảng tránh nghĩa vụ trên, song trong cuộc trao đổi với ĐTCK mới đây, lãnh đạo UBCK cho biết, từ năm 2015, Ủy ban sẽ thực hiện rà soát toàn bộ DN, đối tượng nào đủ tiêu chuẩn sẽ “buộc” phải lên sàn, đối với những DN kinh doanh yếu kém, không đạt tiêu chuẩn sẽ “đẩy” xuống giao dịch trên sàn UPCoM hoặc hủy niêm yết bắt buộc. Điều này sẽ giúp thị trường cũng như nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều “hàng hóa” chất lượng.