Cuối năm, buôn bán thực phẩm bẩn càng phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
Càng về cuối năm, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp, nguy cơ thực phẩm “bẩn” đến bàn ăn người dân rất cao.
Càng về cuối năm, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp, nguy cơ thực phẩm “bẩn” đến bàn ăn người dân rất cao. Càng về cuối năm, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp, nguy cơ thực phẩm “bẩn” đến bàn ăn người dân rất cao.

Lợi dụng thời điểm cuối năm, không ít gian thương sẵn sàng dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn hàng hóa hết hạn sử dụng... ra thị trường.

Ngày 14/12 vừa qua, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một vụ vận chuyển gần 2 tấn nội tạng động vật bẩn đang trên đường di chuyển đi tiêu thụ tới các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.

Đáng nói, gần 2 tấn nội tạng động vật bao gồm nầm lợn và trứng non đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người. Những dấu vết ở bên ngoài thùng xốp cho thấy, toàn bộ số nầm lợn, trứng non đông lạnh này có xuất xứ từ nước ngoài.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng tại địa bàn thành phố.

Tương tự, ngày 12/12, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì).

Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang cất giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó không lâu, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lên tới hơn 90 tấn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Các sản phẩm này đều có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định.

Do đó, không đủ điều kiện bán ra thị trường. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm...

Nói về nỗi lo thực phẩm “bẩn”, phát biểu tại Hội thảo tổng kết hoạt động phổ biến kiến thức do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 17/12, PGS.TS. Lê Thị Thúy, Viện trưởng viện Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi cho hay, thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất ở Việt Nam chiếm gần 70% trong cơ cấu các loại thịt trong bữa ăn người Việt.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi sản phẩm thịt lợn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, dịp cuối năm nhu cầu thực phẩm tăng cao, vấn đề đòi hỏi an toàn thực phẩm càng đặt ra cấp bách.

Theo Viện trưởng viện Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi, từ lâu, chúng ta có quan điểm chỉ cần phố biến kiến thức trực tiếp cho cán bộ khoa học, cho người người trực tiếp sản xuất là đủ. Điều này là hoàn toàn chưa chính xác trong chuỗi hoạt động khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Vấn đề an toàn thực phẩm, chúng ta áp dụng khoa học công nghệ sản xuất đủ thực phẩm như sữa, thịt, trứng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, nhưng vấn đề an toàn thực phẩm ra sao?

Bà Thúy đề xuất, nhà nước đề ra chính sách yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu, từ khâu nuôi, trồng, chăm sóc đến chế biến, bảo quản, vận chuyển và ra đến bàn ăn.., là cả 1 chuỗi cần có sự liên kết kiểm tra, phổ biến tuyên truyền đển từng đối tượng và mỗi đối tượng cần có nội dung, phổ biến khác nhau.

Bên cạnh đó, người nông dân là phải cầm tay chỉ việc, phải mắt thấy tai nghe, phải nhìn thấy mô hình có lợi họ mới hiểu bản chất và tự giác thực hiện.

Còn nếu chúng ta chỉ tập huấn, nghe đài báo, tivi, hay đưa hàng tập tài liệu, sự tiếp thu, thực hiện sẽ kém hiệu quả.

Và trong chuỗi mắt xích vòng tròn này, người làm chính sách và người quản lý chỉ đạo phải cập nhật thông tin phát sinh trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời.

Về phía cơ quan y tế Hà Nội, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong dịp Tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã đưa ra tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm và đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử.

“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lấy mẫu thực phẩm ngoài thị trường cũng như tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để phát hiện, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và cảnh báo trong cộng đồng” - bà Lê Thị Hằng nhấn mạnh.

Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường dịp Tết, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,...

Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết.

Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 (Kế hoạch).

Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.

Theo Kế hoạch sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.

D. Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục