Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VietinBank chia cổ tức năm 2015, đồng thời căn cứ trên Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2015 ngày 14/4/2015, Hội đồng quản trị VietinBank trình Đại hội cổ đông phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt.
Trong đó, cổ đông lớn nhất hiện nay của Vietinbank là Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 64,46% sẽ nhận về 1.680 tỷ đồng, cổ đông lớn thứ 2 là The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, sở hữu 19,73% sẽ nhận hơn 514 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietinbank đạt 6.485 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 82,1% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.194 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ tức phải bằng tiền mặt
Với thông báo mới của Vietinbank thì có thể hiểu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) rất dễ cũng phải có động thái tương tự.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng "chỉ đạo" người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước.
Sở dĩ có yêu cầu này là bởi tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, cả hai ngân hàng trên đều cam kết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ trên dưới 10% nhưng sau đó đều lỡ hẹn.