Đúng ngày đầu năm mới 2018, chiếc xe Volvo V70 của gia đình bà Mellander bỗng nhiên không thể nổ máy.
"Tôi, chồng và các con rất buồn, cảm thấy hẫng hụt vì chiếc xe giống như một thành viên trong nhà suốt 14 năm qua", cựu đại sứ chia sẻ với VnExpress từ Stockholm, nơi bà làm trưởng bộ phận Xúc tiến thương mại, Bộ Ngoại giao Thụy Điển.
Bà Mellander đảm nhận vai trò đại sứ tại Việt Nam từ tháng 8/2012 đến tháng 8/2016.
Vợ chồng bà Mellander sắm chiếc xe này hồi năm 2003, khi họ chuẩn bị đón hai con sinh đôi Anna và Axel.
Với ưu thế rộng rãi, có hai ghế đẩy dành cho trẻ em, chiếc Volvo V70 đã chu du với gia đình bà Mellander đến nhiều nơi, di chuyển hàng nghìn dặm bất chấp thời tiết khắc nghiệt và tình hình an ninh.
Đó là một số nơi ở Trung Đông, khi bà Mellander là phó đại sứ Thuỵ Điển ở Tel Aviv, Israel, là các thành phố lớn ở châu Âu khi bà làm việc tại Brussels, Bỉ và đến khi trở về Stockholm, Thuỵ Điển.
Thế nhưng, sau một khoảng thời gian "tiếc nhớ", cựu đại sứ phát hiện mình có cả cảm giác "nhẹ nhõm", vì không phải dành nhiều tâm trí chăm sóc cho chiếc xe như trước nữa.
"Đi xe hơi ở trung tâm Stockholm có nghĩa là bạn phải tìm được chỗ đỗ, đôi khi tôi phải đi lòng vòng xung quanh rất lâu mới có thể đỗ xe.
Hoặc là tôi phải trả vé với giá rất cao, và nó luôn như vậy", bà Mellander giải thích. Bên cạnh đó, gia đình bà phải trang trải các chi phí đáng kể như bảo hiểm, thuế, bảo dưỡng, xăng dầu.
Thêm nữa, để sử dụng xe hơi, cựu đại sứ cũng phải "canh chừng" hệ thống tính phí xe trong thành phố.
Người đi xe không phải dừng lại mua vé ở bất cứ đâu vì chính quyền Stockholm đã lắp đặt các trạm kiểm soát tự động, đến cuối tháng sẽ gửi hóa đơn đến từng người. Mức phí mỗi ngày cho mỗi xe từ một đến ba USD, giờ cao điểm sẽ đắt hơn.
Sự cố hỏng xe thành ra lại là một "dấu mốc" với gia đình cựu đại sứ trong năm mới. Họ quyết định từ bỏ hẳn thói quen dùng xe cá nhân và tận dụng các phương tiện khác để đi lại.
Lựa chọn số một cho bà Mellander trong thời điểm mùa đông lạnh giá này là tàu điện ngầm. Được trang trí đẹp mắt với các hình vẽ hiện đại, hệ thống tàu điện ngầm ở Stockholm chạy nhanh và có giá vé phù hợp.
Bằng một tấm vé, người dân có thể di chuyển trên nhiều phương tiện khác nhau như tàu điện ngầm, xe bus và cả tàu. Điều này tạo thuận lợi cho những người sống ở các đảo phía ngoài Stockholm.
Bà Mellander cũng ưa thích hệ thống xe bus trong thành phố, xe có chỗ ngồi rộng rãi, có điều hòa và tỏa khắp các tuyến phố.
"Khi ngồi trên xe bus, tôi cảm thấy vui vì góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, vì các xe này chạy bằng khí sinh học, được sản xuất ra từ nguồn rác thải", bà nói.
Nhờ sự tiện lợi tối đa đó, có đến 50% người dân Stockholm sử dụng phương tiện công cộng để đi lại. Trong khi đó, xe máy không phải là lựa chọn của mọi người ở Stockholm, nó được coi là một thú chơi hơn là phương tiện đi lại.
Nhiều người sắm các xe mô tô phân khối lớn hoặc dùng để đi về các vùng quê vào cuối tuần.
50% người dân tại Stockholm sử dụng phương tiện công cộng để đi lại.
Vào tiết trời đẹp như mùa xuân hay hè, bà Mellander và chồng có thể đi làm bằng xe đạp vì họ cùng làm ở Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển, chỉ cách nhà 10 phút. Hai con bà là Anna và Axel cũng đi xe đạp tới trường. Điều đó có nghĩa là 90% thời gian chiếc Volvo chỉ đỗ ở bãi đỗ xe.
Đôi lúc bà Mellander cũng cảm thấy "bứt rứt" vì thiếu chiếc xe hơi, nhất là khi cần đi thăm bạn bè ở vùng ngoại ô hay lúc đi mua sắm những món đồ lớn như nội thất. Nhưng bù lại, bà có thể đặt dịch vụ thuê xe qua ứng dụng DriveNow.
Hệ thống này gồm các xe chạy bằng điện, được bố trí ở khắp nơi trong thành phố, người dùng đăng ký dịch vụ sẽ nhận được mã số để mở cửa xe. Sau khi dùng xong họ phải sạc lại điện và trả xe ở một điểm đỗ gần nhất.
"Đây là một hình thức chia sẻ kinh tế thông minh của tương lai, thay vì sở hữu xe, bạn thuê nó", bà Mellander hào hứng nói.
Về chiếc xe hơi cũ, bà Mellander đang tính sẽ đem đi sửa rồi tặng cho người anh chồng, người đang sống ở vùng nông thôn.
"Chúng tôi đang cố gắng quen với việc không có xe hơi bên cạnh. Tôi đang cố gắng trở thành một công dân hiện đại. Hãy chờ xem mọi việc tiến triển thế nào", bà Mellander nói.