Báo cáo của SSI đánh giá, sự phát triển của các chuỗi bán lẻ dược phẩm trong năm qua xuất phát từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, nhà thuốc theo mô hình hiện đại dành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử).
Thứ hai, kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc.
Thứ ba, gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với COVID-19".
Các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng tốc mở mới kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống. Theo IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600. Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng.
Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông).
Theo EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021. Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,4%. EIU dự báo tốc độ tăng CAGR là 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên.
Trong 3 chuỗi nhà thuốc lớn, có 2 công ty niêm yết vận hành chuỗi bán lẻ dược phẩm là FRT và MWG.
Với chuỗi nhà thuốc Long Châu (FRT sở hữu 85%), theo SSI, 2 lợi thế cạnh tranh chính tới từ việc Long Châu cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và có kết nối với bệnh viện. Cụ thể, Nhà thuốc Long Châu có trên 12.000 SKU (mã hàng hoá), cao hơn nhiều so với chỉ khoảng 1.000 - 2.000 SKU của các hiệu thuốc nhỏ.
Điều này cho phép công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chữa bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch và ung thư), vốn tăng lên cùng với tuổi thọ và thu nhập khả dụng. Sự lựa chọn đa dạng giúp các nhà thuốc Long Châu tạo ra doanh thu cao hơn nhiều so với các nhà thuốc khác
Doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng của Long Châu đang cao hơn gấp 2 lần An Khang và Pharmacity |
Trước khi được FRT mua lại, Long Châu đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các bệnh viện tại TP.HCM, cho phép nhà thuốc dự báo chính xác hơn nhu cầu trong khu vực đối với từng loại thuốc.
Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Chuỗi nhà thuốc An Khang (MWG sở hữu 99%) là năng lực tài chính bền vững và cơ hội bán chéo. Mặc dù số lượng SKU của cửa hàng An Khang có thể không nhiều bằng Long Châu, nhưng tình hình tài chính của MWG an toàn hơn nhiều (tỷ lệ D/E - hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của MWG tại thời điểm quý II/2022 là 1x, còn D/E của FRT tính đến quý II/2022 là 2,8 x), điều này cho phép Công ty tăng tốc độ mở mới để bắt kịp FRT.
Bên cạnh đó, MWG có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị và mảng ICT & CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) rộng khắp cả nước, do đó Công ty có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm của An Khang.
Pharmacity được thành lập vào năm 2012 và bắt đầu nhận vốn tài trợ từ Mekong Capital năm 2019. Sau khi nhận đầu tư, việc mở mới cửa hàng Pharmacity tăng tốc đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, Pharmacity là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam về số lượng cửa hàng. Với nguồn vốn bên ngoài mạnh mẽ, Pharmacity tham vọng đặt mục tiêu 5.000 cửa hàng vào năm 2025.
Mặc dù là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất tính theo số lượng cửa hàng, Pharmacity vẫn thua lỗ vào năm 2021, trong khi Long Châu và An Khang đã hòa vốn.