“Con cưng” Đại Quang Minh
Những người thân cận với ông Dương cho biết, giờ tâm huyết lớn của ông, lĩnh vực khiến ông hao tâm, tổn sức nhất không phải ôtô, mà là bất động sản, với đứa con cưng: CTCP Đại Quang Minh mà ông đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc.
Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2011 với số vốn điều lệ là 4.200 tỷ đồng. Song những hoạt động kinh doanh liên quan đến nó đã được bắt đầu từ rất sớm, trước hết trong vai trò chủ đầu tư Khu đô thị mới Sala, nằm tại vị trí trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm. Khu đô thị Sala có diện tích 257 héc-ta, và ông Dương muốn tạo ra một dấu ấn để đời của mình tại dự án này.
“Là tân binh trên thị trường, nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng khu đô thị có quy mô lớn, kiểu mẫu tại TP. HCM. Trước khi bắt đầu dự án, chúng tôi xác định rất kỹ sẽ làm cái gì, như thế nào, với tâm thế ra sao”, ông Dương nói.
Cho đến nay, Khu đô thị Sala đã hoàn thành nhiều công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện các dãy nhà phố thương mại dọc đường Bắc Nam; hoàn thành Khu chung cư 12 tầng với 368 căn hộ chung cư, 46 căn hộ thương mại, 177 căn biệt thự, công viên Sala, khu tiện ích thể dục thể thao… để người dân có thể đến ở từ quý II/2016.
Theo kế hoạch, cuối năm 2016, chủ đầu tư sẽ hoàn thành 1.060 căn hộ, 306 nhà phố thương mại, 213 biệt thự, trường học quốc tế 4 héc-ta; cuối năm 2018 hoàn thành tiếp 2.370 căn hộ, 89 nhà phố thương mại, 21 dinh thự cao cấp, trường học, công viên, hạ tầng kỹ thuật giao thông. Đến năm 2020, Đại Quang Minh cơ bản hoàn thành toàn bộ khu đô thị.
Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là khu trung tâm đô thị mới, hiện đại và mở rộng của Thành phố, với các chức năng chính là trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ cao cấp. Bởi vậy, Đại Quang Minh đã tiến thêm nhiều bước nhằm mở rộng quỹ đất tại đây. Công ty này đã mua lại dự án Cầu Thủ Thiêm 2, thực hiện theo hình thức BT từ Vinaconex vào năm 2013 và được giao 9 lô đất cùng 800 tỷ đồng tiền mặt để thanh toán đối ứng.
Đại Quang Minh còn làm chủ đầu tư thực hiện Dự án BT 4 tuyến đường chính, Dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông; Dự án Lâm viên sinh thái (128 héc-ta), đổi lại là các dự án đô thị đối ứng thanh toán hợp đồng BT…
Có cổ đông lớn là Tập đoàn Trường Hải, có CEO là doanh nhân Trần Bá Dương nổi tiếng, Đại Quang Minh cũng không chật vật trong việc tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án bất động sản. Trong dự án Cầu Thủ Thiêm 2 và 9 lô đất đối ứng, BIDV tài trợ tín dụng cho Công ty tới 4.200 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân giai đoạn 1 là 2.250 tỷ đồng. BIDV cũng là đơn vị tài trợ vốn cho dự án Khu đô thị Sala, và mới đây là đơn vị bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng mua nhà ở cho toàn khu đô thị này.
Khách hàng định vị chủ đầu tư
“Kinh doanh phải mang lại giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ, có đóng góp cho xã hội, đất nước”, đó là triết lý kinh doanh được CEO Trần Bá Dương chia sẻ. Doanh nhân này chủ trương tạo ra chuỗi giá trị bất động sản xuất phát từ nhu cầu của khách hàng.
"Đừng xem bất động sản như ngành nghề đẻ trứng vàng, sẽ dẫn đến bong bóng" - Ông Trần Bá Dương.
“Giá trị của bất động sản phải được đánh giá trên công sức tạo ra sản phẩm, dựa trên nhu cầu của khách hàng. Giá trị ấy phải được phản ánh qua giá bán trong môi trường cạnh tranh lành mạnh và được sàng lọc, đánh giá đúng đắn bởi khách hàng và thị trường”, ông Dương nêu quan điểm.
Trong câu chuyện về thị trường, vị CEO này rất trăn trở với giai đoạn bong bóng trước đây khi giá cả bất động sản tăng mạnh, các nhà đầu tư không dựa trên nhu cầu của thị trường, đã tạo ra hệ lụy lớn, lãng phí vốn vào các công trình dở dang, tạo ra nợ xấu ở các ngân hàng…
“Đừng xem bất động sản như ngành nghề đẻ trứng vàng, sẽ dẫn đến bong bóng. Những gì thị trường đã trải qua chính là bài học để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận lại các vấn đề, cố gắng xử lý để thị trường phát triển lành mạnh. Thị trường hiện nay còn những bấp bênh, nếu các thành viên thị trường không nhìn nhận chính xác, có thể đánh mất thị trường một lần nữa”, ông Dương trăn trở.
Đúc kết từ kinh nghiệm phát triển của nhiều dự án lớn, Tổng giám đốc Đại Quang Minh cho rằng, dứt khoát các chủ đầu tư không được tạo ra nguồn cung lớn hơn nhiều so với nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường. Doanh nghiệp phải nghiên cứu, phân tích và phát triển các loại hình sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Phải thoả mãn nhu cầu hiện tại của khách hàng, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu thật và tất yếu phát sinh trong tương lai. Đặc biệt, chủ đầu tư phải truyền thông đúng và trung thực về những giá trị mang đến cho khách hàng…
Cặp bài trùng
Cộng sự thân thiết của ông Trần Bá Dương, “linh hồn” của Đại Quang Minh là doanh nhân Trần Đăng Khoa, hiện ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh. Giới phân tích thị trường bất động sản còn cho rằng, ông Khoa đóng vai trò là nhân vật chính trong chiến lược phát triển và cả điều hành Đại Quang Minh.
Doanh nhân này khá kín tiếng trên thị trường, dù hồ sơ kinh nghiệm rất đáng nể với Dự án khu căn hộ cao cấp Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, quy mô 3 tòa tháp cao 30 tầng, hơn 1.000 căn hộ đã hoàn thành; Tổ hợp dự án Keangnam trên đường Phạm Hùng (ông Khoa đảm nhận vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina).