Cuộc khủng hoảng người di cư vẫn ám ảnh cả châu Âu

"Vấn đề di cư vẫn là thách thức lớn nhất" đối với Liên minh châu Âu. Đây là nhận định này của giáo sư thỉnh giảng Stefan Lehne tại tổ chức Carnegie Europe đưa ra trong bối cảnh số người nhập cư vào EU đã giảm song chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và ngày càng nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư.
Người di cư và tị nạn tại Nantes, Pháp ngày 23/7. (Nguồn: AFP/TTXVN). Người di cư và tị nạn tại Nantes, Pháp ngày 23/7. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Trong bài viết đăng tải ngày 2/9, hãng tin Pháp AFP nhận định ngày 4/9/2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giành được sự ủng hộ để mở cửa nước Đức cho hàng nghìn người tị nạn, phần lớn đến từ Syria và Iraq.

Tuy nhiên, 3 năm sau đó, hình ảnh những người biểu tình bài người nhập cư đuổi đánh những người nước ngoài tại một thành phố của Đức đã khiến thế giới nhận ra cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu chưa kết thúc.

Giới quan sát tổng kết toàn thể châu Âu đã chứng kiến những thay đổi lớn kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư nổ ra.

Chỉ vài tháng nữa nước Anh sẽ rời khỏi EU (Brexit), các đảng cực hữu đang cầm quyền tại Italy và Áo, trong khi tại Đức, đảng cực hữu AfD đã trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội nước này.

Theo các nhà phân tích, nếu có một điểm chung cho những sự chuyển dịch trong các nền chính trị châu Âu thì đó là cuộc khủng hoảng người di cư đã bị lực lượng ủng hộ Brexit và các lực lượng cực hữu trên toàn châu Âu lợi dụng trong các chiến dịch truyền thông của mình.

Đưa ra một quan điểm bi quan về tình hình, sử gia người Anh Niall Ferguson nhận định: "Còn xa mới hướng đến sự hợp nhất, cuộc khủng hoảng người di cư châu Âu đang hướng đến sự phân tách. Tôi ngày càng tin rằng vấn đề người di cư sẽ được các sử gia tương lai nhìn nhận như một yếu tố gây tan rã EU, và Brexit chỉ là dấu hiệu ban đầu."

Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt, nhà nghiên cứu chính trị người Bulgaria Ivan Krastev nhận định: "10 năm trước, vấn đề lớn nhất ở châu Âu là các nước Tây Âu không vui về việc mở rộng EU vì lo ngại sẽ mất việc làm. Ngày nay, các nước Tây Âu cảm thấy họ là những người thua thiệt nhiều nhất."

Ông Krastev ủng hộ quyết định mở cửa nước Đức của Thủ tướng Merkel, cho rằng việc để Italy và Hy Lạp, hai quốc gia ở biên giới châu Âu, tự mình đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2015 sẽ "là sự chấm hết của EU."

Trong khi đó, giáo sư Stefan Lehne khẳng định vấn đề di cư vẫn là thách thức lớn nhất đối với châu Âu.

Ông nhận định: "Mặc dù số người đến đã giảm, song sự kích động lại tăng, khi các phong trào dân túy và một số lượng ngày càng tăng các chính trị gia đang xây dựng sự nghiệp dựa trên quan điểm bài người nhập cư."

Ông đề cập sự hình thành của một phe phản đối người nhập cư trước thềm cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu ở nhiều nước, việc này có thể dẫn tới một cuộc tranh luận lớn về tương lai của EU.

Tuy nhiên, giáo sư Lehne cho rằng cuộc tranh luận như vậy cũng có thể biến thành chất xúc tác cho những thay đổi tích cực.

Ông nói: "Một số cơn bão là cần thiết để không khí trong lành và mang đến tầm nhìn tốt hơn về tương lai".


Theo Vietnam+

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục