Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu cũng đang lan đến phần còn lại của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn cung khí đốt thiếu hụt đáng báo động trong năm nay sẽ làm dấy lên lo ngại cho nhiều quốc gia trên thế giới trong viễn cảnh một mùa đông lạnh giá.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu cũng đang lan đến phần còn lại của thế giới

Các quốc gia đang phụ thuộc hơn bao giờ hết vào khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và các ngành công nghiệp điện trong bối cảnh nỗ lực loại bỏ than đá và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. Trong khi đó, thế giới hiện có nguy cơ không đủ khí đốt để cung cấp cho quá trình phục hồi sau đại dịch và bổ sung các nguồn dự trữ đã cạn kiệt trước những tháng lạnh giá.

Các quốc gia đang cố gắng trả giá cao hơn để có được nguồn cung khi các nhà xuất khẩu khí đốt như Nga chuyển sang trạng thái giữ lại nhiều khí đốt tự nhiên hơn. Tình hình này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi nhiệt độ giảm xuống.

Cuộc khủng hoảng ở châu Âu gây khó khăn cho phần còn lại của thế giới vì sự thiếu hụt năng lượng của lục địa này khiến các chính phủ cảnh báo về tình trạng mất điện và các nhà máy buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, hàng tồn kho tại các cơ sở lưu trữ ở châu Âu đang ở mức thấp trong lịch sử cho thời điểm này trong năm.

Dòng chảy khí đốt qua đường ống từ Nga và Na Uy đã bị hạn chế. Thời tiết dịu hơn đã làm giảm sản lượng từ các tuabin gió trong khi các nhà máy hạt nhân già cỗi của châu Âu đang bị loại bỏ dần hoặc dễ bị ngừng hoạt động hơn. Những điều này đang khiến khí đốt càng cần thiết hơn và việc giá khí đốt của châu Âu đã tăng gần 500% trong năm qua, đang giao dịch ở mức kỷ lục không phải là điều bất ngờ.

Ảnh hưởng của giá khí đốt tăng tới các quốc gia

Mức tăng đột biến của giá khí đốt đã buộc một số nhà sản xuất phân bón ở châu Âu phải giảm sản lượng, có nguy cơ làm tăng chi phí cho nông dân và có khả năng làm tăng lạm phát lương thực toàn cầu.

Tại Anh, giá năng lượng cao đã buộc một số nhà sản xuất phải ngừng kinh doanh. Ngay cả một mùa đông bình thường lạnh giá ở Bắc bán cầu cũng được dự đoán là sẽ đẩy giá khí đốt tự nhiên lên nhiều nơi trên thế giới.

Ở Trung Quốc, các nhà sản xuất gốm sứ, thủy tinh và xi măng có thể phản ứng với giá khí đốt tăng bằng cách tăng giá đầu ra; các hộ gia đình ở Brazil sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện đắt đỏ; các nền kinh tế không đủ khả năng cung cấp nhiên liệu như Pakistan hoặc Bangladesh có thể sẽ chững lại.

Các nhà hoạch định chính sách và các công ty điện đang hy vọng cho một nhiệt độ ôn hòa vì đã quá muộn để tăng nguồn cung. Viễn cảnh chi phí năng lượng tăng nhanh, cùng với chuỗi cung ứng bị siết chặt và giá thực phẩm ở mức cao nhất trong thập kỷ có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương đặt câu hỏi liệu sự gia tăng lạm phát có diễn ra nhất thời như họ mong đợi hay không. Các nhà đầu tư cũng sẽ phân tích kỹ lưỡng mọi dự báo thời tiết được công bố từ nay đến tháng 12.

“Nếu mùa đông thực sự lạnh, mối quan tâm của tôi là chúng ta sẽ không có đủ khí đốt để sưởi ấm ở các khu vực châu Âu. Đối với một số quốc gia, điều đó không chỉ dẫn tới khả năng suy thoái kinh tế mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung cấp khí đốt để sưởi ấm. Nó chạm đến cuộc sống của mọi người”, Amos Hochstein, Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Ở châu Á, các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang phải trả mức giá kỷ lục cho thời điểm này trong năm để đảm bảo nguồn cung và một số quốc gia đã thu gom nhiên liệu khác như than và dầu sưởi trong trường hợp không có đủ khí đốt. Trung Quốc là quốc gia mua khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và đã không lấp đầy các kho dự trữ đủ nhanh, mặc dù lượng nhập khẩu gần như gấp đôi so với năm ngoái.

Một số tỉnh của Trung Quốc đã phân phối điện cho các ngành công nghiệp để đáp ứng các mục tiêu về hiệu quả năng lượng và giảm ô nhiễm. Một cuộc khủng hoảng điện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngừng hoạt động nếu các nhà chức trách chuyển khí đốt dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình.

Nếu các nhà máy Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, giá thép và nhôm toàn cầu sẽ tăng vọt. Các công ty dịch vụ tiện ích ở Nhật Bản và Hàn Quốc phần lớn được bảo vệ bởi các hợp đồng tương lai khí hoá lỏng nên không chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, Korea Electric Power cho biết, họ sẽ tăng giá điện lần đầu tiên sau gần 8 năm.

Một thời tiết lạnh giá đột ngột có thể buộc nhiều công ty điện lực lao vào thị trường giao ngay để mua nguồn cung cấp khí đốt khẩn cấp với giá cao kỷ lục. Đó là những gì đã xảy ra vào mùa đông năm ngoái. Chi phí đảm bảo nguồn cung cấp khí hóa lỏng LNG đã gây ra một cuộc tranh cãi chính trị ở Pakistan, khi đó các chính trị gia đã yêu cầu một cuộc điều tra về việc mua khí hoá lỏng của của nhà nhập khẩu quốc doanh.

Tại Brazil, dòng chảy thấp nhất đến lưu vực sông Parana trong gần một thế kỷ đã làm giảm sản lượng thủy điện và buộc các công ty tiện ích phải phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt. Nước này đã thúc đẩy nhập khẩu khí đốt lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 7 và hóa đơn điện đang tăng vọt.

Giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng

Andreas Gandolfo, người dẫn đầu nhóm theo dõi điện khu vực châu Âu tại BloombergNEF cho biết: “Giá khí có thể tăng cao để đáp ứng nhu cầu. Đối với một số ngành công nghiệp châu Âu, khí đốt đã trở nên quá đắt. Đối với một số gia đình có hệ thống sưởi bằng khí đốt, giá khí có thể tăng cao hơn rất nhiều”.

Niek van Kouteren, một nhà giao dịch cấp cao tại PZEM, một công ty năng lượng Hà Lan cho biết: “Giao dịch biến động đã cho thấy không ai thực sự biết giá khí có thể tăng cao đến mức nào, nhưng chúng tôi chắc chắn đang tăng mạnh. Câu hỏi đặt ra là: tại mức giá nào sẽ khiến nhu cầu bị triệt tiêu? Nếu bạn thấy các chính phủ can thiệp và trợ cấp giá khí đốt như Pháp đã công bố thì sẽ không có động cơ nào để giảm nhu cầu của bạn”.

Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm thứ 29/9 cho biết, Pháp sẽ chặn bất kỳ mức tăng mới nào đối với thuế trên giá khí và cắt giảm thuế đối với điện.

Sự thiếu hụt nguồn cung đã tạo ra cho một cuộc tranh giành toàn diện giữa châu Á, châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ về các lô hàng khí hóa lỏng LNG từ các nhà xuất khẩu như Qatar, Trinidad và Tobago, và Mỹ. Nhưng khi càng nhiều khí đốt xuất khẩu ra nước ngoài, thì lượng khí đốt trong nước sẽ ít hơn. Mặc dù giá khí đốt ở Mỹ thấp hơn đáng kể so với châu Âu và châu Á, nhưng giá khí đốt tại Mỹ vẫn đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ năm 2014.

Các công ty sử dụng năng lượng công nghiệp của Mỹ đã yêu cầu Bộ Năng lượng giảm xuất khẩu của Mỹ cho đến khi mức dự trữ trở lại bình thường, đây là một động thái có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ở nước ngoài.

Trong khi đó, đa phần mọi người rất ít quan tâm đến giá thị trường của khí đốt tự nhiên. Khí đốt tự nhiên không giống như dầu mà một quyết định nhanh chóng từ OPEC sẽ gần như ngay lập tức ảnh hưởng đến giá dầu. Nhưng mùa đông năm nay, thế giới có thể sẽ biết được nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên như thế nào.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục