Năm 2016, sự chuyển động ngầm trong hoạt động môi giới được đánh giá tiếp tục gay gắt, nhưng có xu hướng đi vào chiều sâu hơn so với vài năm về trước.
Năm 2015, thị trường có nhiều đợt tăng giảm, thanh khoản thấp hơn so với năm 2014, cả hoạt động môi giới lẫn tự doanh của các CTCK không thuận lợi. Tuy vậy, cuộc chiến dành thị phần vẫn diễn ra mạnh mẽ. Điểm lại bảng xếp hạng thị phần trong quý IV/2015, trên HOSE, Top 3 CTCK có thị phần lớn nhất lần lượt thuộc về SSI, HSC và VCSC.
Trong khi đó, BVSC “nhường” vị trí Top 10 cho CTCK BSC. Trên HNX, Top 3 CTCK có thị phần lớn nhất không có sự thay đổi so với quý IV/2015, lần lượt thuộc về SSI, VNDS và SHS. Nổi bật là KIS có sự vượt bậc trên bảng xếp hạng, ở vị trí thứ 4 trên HNX và vị trí thứ 8 trên HOSE. Sự “dịch chuyển” của KIS đã bắt đầu nhen nhóm ngay từ khi Công ty tăng vốn lên hơn 1.100 tỷ đồng.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM cho biết, với sự hỗ trợ của Tập đoàn KIS tại Hàn Quốc, KIS Việt Nam đã tăng vốn điều lệ lên hơn 1.100 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho những khách hàng sử dụng đòn bẩy lớn. Từ đó, khả năng giao dịch của khách hàng cũng tăng lên.
Yếu tố thứ hai chính là lãi suất margin của KIS khá cạnh tranh, đã có nhiều nhà đầu tư lớn chuyển qua KIS để giao dịch. Ngoài ra, Công ty cũng đẩy mạnh công tác tuyển dụng môi giới, nhất là những môi giới giỏi giúp Công ty có thêm nhiều nguồn khách hàng lớn. Ông Phương chia sẻ thêm, khi các khách hàng lớn chuyển qua giao dịch tại Công ty cũng “vô hình” giúp Công ty chiêu mộ thêm được nhân viên môi giới giỏi.
Trên thực tế, cuộc đua thị phần chủ yếu là cuộc đua về margin, mà để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ tài chính thì chỉ có thông qua hoạt động môi giới mới có thể thực hiện tốt. Do vậy, nhiều CTCK vẫn đang tiếp tục bài toán tăng vốn nhằm gia tăng khả năng cung cấp dịch vụ này.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, nhà đầu tư đã chứng kiến việc các CTCK ồ ạt lên kế hoạch tăng vốn nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đồng thời cũng có những bước đáp ứng trước tiêu chuẩn về vốn điều lệ để có thể tham gia TTCK phái sinh.
Tuy vậy, việc đẩy mạnh margin quá mức đã khiến nhiều CTCK phải trả giá và đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ông Phương cho biết, tại KIS Việt Nam, quản trị rủi ro rất chặt chẽ và theo quy chuẩn, quy trình của Tập đoàn. Quản trị theo hệ thống tự động và được giám sát kỹ lưỡng bởi Tập đoàn nên cũng hạn chế được rủi ro.
Theo quan sát từ thị trường, xu hướng tăng vốn điều lệ của CTCK vẫn đang tiếp diễn, cuộc đua về lãi suất margin sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, bài toán chất lượng dịch vụ đi kèm cũng cần hết sức chú trọng. Đã có nhiều CTCK đầu tư bài bản về hệ thống công nghệ, đào tạo nhân sự, cung cấp dịch vụ chất lượng tới khách hàng như tư vấn, các bản tin phân tích, các báo cáo chiến lược...
Sau 15 năm hình thành và phát triển TTCK, nhà đầu tư thời nay đã có kiến thức tốt hơn và yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng cao hơn. Những CTCK thực hiện tốt công tác này vẫn duy trì được lượng khách hàng trung thành, ổn định.
Về lý, thị phần môi giới không hẳn là mục tiêu của tất cả các công ty, bởi lợi nhuận mới là thước đo cuối cùng về hiệu quả. Cũng có công ty đặt mục tiêu tập trung tạo dựng những thế mạnh riêng như tư vấn, dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) hay tự doanh… Tuy vậy, việc xuất hiện trong Top các CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên bảng xếp hạng của 2 Sở hàng quý vẫn là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất khi môi giới là nghiệp vụ chính, thể hiện vị thế của mỗi CTCK.
Ở góc độ thị trường, NĐT thường nhìn vào bảng xếp hạng này để an tâm khi mở tài khoản. Đó là lý do các CTCK chịu áp lực trong cuộc đua thị phần, dù thực tế môi giới nhiều chưa chắc đã lãi lớn.