Cuộc đua tam mã của cổ phiếu họ dầu khí

(ĐTCK) Hơn 13.000 tỷ đồng, tính theo giá khởi điểm và lượng cổ phiếu sẽ bán trong các phiên IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) không phải là số tiền quá lớn. 
Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ hoàn thành IPO trong tháng 1/2018 Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ hoàn thành IPO trong tháng 1/2018

Nhưng nếu ra hàng cùng lúc, lại rơi đúng thời điểm thị trường đang điều chỉnh, “ế hàng” rất có thể sẽ xảy ra. Thành thử, thị trường đang chứng kiến cuộc đua của 3 doanh nghiệp lớn để không rơi vào tình cảnh “gái đẹp ế chồng”.

Dồn cung

Không hẹn mà gặp, trong cùng một ngày, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa ba ông lớn của ngành dầu khí đều được công bố. Theo đó, BSR có vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng.

Mức vốn điều lệ nêu trên chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Số tiền Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện góp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn trả lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hạch toán, quản lý theo quy định.

PVN sẽ nắm giữ là 1.333 triệu cổ phần BSR, chiếm 43% vốn điều lệ; 241 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm bán ra công chúng là 14.600 đồng/cổ phần.

Với PVOil, theo phương án được thông qua, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Tổng công ty sẽ giảm xuống còn 35,1%, cổ phần đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) là 20%, cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 44,72%. Trong đó, tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Giá khởi điểm chào bán là 13.400 đồng/cổ phần.

Còn PV Power có vốn điều lệ 23.418 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ 51%, bán đấu giá 20%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 28,882%. Giá khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phần.

Như vậy, cả ba doanh nghiệp trên đều chào giá khởi điểm xấp xỉ nhau, trong đó phiên IPO của PVPower có giá trị lớn nhất, gần 6.800 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm).

Thực ra, không phải đến khi quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa được công bố, các doanh nghiệp trên mới lên kế hoạch chuẩn bị cho IPO và tìm nhà đầu tư chiến lược, mà quá trình này được "lên giây cót" từ gần 1 năm trước, thậm chí, PVOil từng chủ động công bố rằng IPO sẽ diễn ra vào tháng 11/2017. Bởi vậy, ngay khi quyết định vừa được ký ráo mực, lập tức các động thái triển khai việc bán cổ phần được tung ra.

Cả lãnh đạo BSR và PVOil, trong cuộc trao đổi bên lề với báo chí tại một sự kiện diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, đều cho biết, IPO sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 1, tức là trước Tết Nguyên đán. Còn PVPower, dự kiến cũng không để mình rơi vào cảnh “trâu chậm uống nước đục”. Trong tuần này, Tổng công ty sẽ có cuộc trao đổi với giới phân tích trên TTCK Việt Nam.

Nhà đầu tư cân não

Xét một cách tổng quan, ba doanh nghiệp họ dầu khí chuẩn bị IPO đều có nền tảng sản xuất - kinh doanh cơ bản, có thể là nguồn hàng chất lượng giải bớt cơn khát cổ phiếu tốt mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam săn đuổi gần đây.

Chẳng hạn, báo cáo tài chính 9 tháng của BSR ghi nhận bức tranh kết quả kinh doanh tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây, với doanh thu đạt 54.387 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.466 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận của cả ba sản phẩm lọc, hóa dầu chính đều cải thiện. Như vậy, sau 9 tháng, BSR đã vượt 3,4 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hay kết quả kinh doanh 11 tháng của PVOil vừa được ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc chia sẻ với báo chí, đạt khoảng 380 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 17%.

Tất nhiên không loại trừ khả năng, trước IPO, các doanh nghiệp cần phải gồng mình chạy để có thể đạt kết quả tốt nhất, làm cơ sở thu hút nhà đầu tư. Bởi vậy, các chỉ số tài chính ở thì hiện tại có lẽ cũng chỉ là một căn cứ để đánh giá những ông lớn này. Những yếu tố mềm mới là câu chuyện đáng nói.

Về điểm này, BSR có lợi thế. Điểm mạnh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là có ngành lõi cơ bản, tạo ra sản phẩm sử dụng thiết yếu trong cuộc sống và sản xuất - kinh doanh là mặt hàng xăng dầu. Với công suất chế biến trên 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; cung cấp sản phẩm khí hóa lỏng LPG, xăng, dầu, lưu huỳnh và hạt nhựa có chất lượng cao, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước, BSR có dòng tiền ổn định.

Đặc biệt, ngày 8/12 vừa qua, BSR và PVOil cùng hai đối tác Glencore Singapore và SOCAR Trading S.A. ký hợp tác ghi nhớ cung cấp dầu thô dài hạn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo chia sẻ của lãnh đạo BSR, việc ký kết hợp tác ghi nhớ cung cấp dầu thô dài hạn với các nhà cung cấp dầu thô hàng đầu thế giới như Glencore Singapore và SOCAR Trading S.A và trước đó là với những tên tuổi như Công ty Rosneft - Nga, Total - Pháp, giúp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn ổn định nguồn dầu thô đầu vào.

Như vậy, cùng với thỏa thuận chiến lược đã ký với PVOil, Petrolimex về việc ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu, LPG, các sản phẩm hóa dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó có cả mục tiêu xuất khẩu, BSR đã hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, đầu vào và đầu ra ổn định. Đây là yếu tố đảm bảo vững chắc cho hoạt động của BSR duy trì được sự hiệu quả. Có lẽ bởi những thuận lợi này mà Petrolimex đã nhanh chân ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào BSR trong đợt IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ đầu năm nay.

Câu chuyện mà nhà đầu tư cá nhân cần đo đếm tại BSR là những tên tuổi sẽ xuất hiện trong vai trò nhà đầu tư chiến lược cũng như phương án đầu tư mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bởi họ sẽ là người "cầm trịch" cuộc chơi, quyết định quản trị tại BSR cũng như khả năng duy trì hiệu quả của doanh nghiệp.

PV Power dù là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam sau EVN, với công suất chiếm 12% toàn hệ thống nhưng hiệu quả kinh doanh lại kém hấp dẫn và rất bấp bênh. Năm 2016, doanh thu của Tổng công ty đạt 27.890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.705,9 tỷ đồng. Doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận giảm đáng kể so với mức trên dưới 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2015.

Nguyên nhân chính là do năm 2014 và 2015 có yếu tố thu nhập bất thường từ các năm trước chuyển sang. Một vấn đề có thể ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh của PVPower là khoản mục vay ngoại tệ rất lớn (trên 25.000 tỷ đồng), biến động tỷ giá có thể là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Với PVOil, e ngại đến từ việc tổng công ty này phải cam kết phân phối sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất và Lọc dầu Nghi Sơn sau cổ phần hóa, chứ không được tự do trên đôi cánh của mình. Nếu cạnh tranh ào ạt đến từ những làn gió mới như Denmitsu Q8 (Nhật Bản) gần đây và sự chủ động phản công của Petrolimex, khả năng bứt phá nhanh như kỳ vọng của PVOil là vô cùng thách thức.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về e ngại dồn cung cổ phần đấu giá dịp cuối năm, đặc biệt là thời điểm cả ba ông lớn ngành dầu khí đều đặt mục tiêu hoàn thành IPO trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc PVN cho rằng, không quá lo ngại. Ba doanh nghiệp này hoạt động trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, đều có thế mạnh riêng nên có thể thu hút nhiều nhà đầu tư với nhiều khẩu vị khác nhau.

Dĩ nhiên, không ai muốn ế cổ phần, nhất là khi thước đo về năng lực thể hiện qua số tiền IPO mang lại. Dù khá thận trọng, đệ trình lên các cơ quan quản lý phương án giá khởi điểm ở mức hợp lý theo đánh giá của giới phân tích, nhưng cũng cần lưu ý rằng, định giá của thị trường luôn luôn thay đổi, đặc biệt thay đổi rất nhanh gắn với diễn biến trên thị trường thứ cấp. Dù được che phủ bởi những lý do hào nhoáng nào chăng nữa, các đợt chào bán cổ phần thất bại ê chề của Becamex Bình Dương hay thoái vốn nhà nước tại Vinaconex mới đây, vẫn còn nóng hổi.        

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục