Tranh thủ cơ hội
Vào một tối Chủ nhật ở Hà Nội, những chiếc xe hơi siêu sang lướt nhẹ trên đường phố, các cô gái thảnh thơi tán gẫu với bạn bè với những chiếc túi hàng hiệu, các doanh nhân trong bộ vest lịch lãm tay cầm những chiếc điện thoại đắt tiền... Điều đáng nói là, cách đây chừng 10 năm, đó không phải hình ảnh thường thấy.
Cảnh tượng trên phản ánh những gì mà nhiều người đang nói tới về câu chuyện tầng lớp trung lưu, siêu giàu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam. Nhiều tổ chức nghiên cứu trong thời gian gần đây cảm thấy sốc trước tốc độ bùng nổ đến “không thể tin nổi” của tầng lớp trung lưu và siêu giàu ở Việt Nam.
Theo Hãng nghiên cứu New World Wealth, lượng người Việt siêu giàu đã tăng đến 210% trong khoảng thời gian 10 năm 2007- 2017, dự kiến sẽ tiếp tục tăng 200% trong 10 năm kế tiếp. Hãng Tư vấn bất động sản Knight Frank cũng cho biết, số lượng người siêu giàu của Việt Nam năm 2017 đã lên tới 200 người, tăng 320% - tức tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2006 - 2016.
Knight Frank đưa ra nhận định, tầng lớp siêu giàu với tài sản từ 30 triệu USD trở lên dự kiến sẽ tăng mạnh lên con số 540 vào năm 2026. Tầng lớp trung lưu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên dự kiến cũng tăng mạnh từ 14.300 lên 38.600 trong cùng khoảng thời gian, nhanh hơn cả Ấn Độ hay Trung quốc.
Đi cùng với gia tăng tầng lớp thượng lưu là phong cách sống thay đổi dần, theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn sống của thế giới. Một trong những chuẩn “ngầm hiểu” trong giới với nhau là phải sở hữu một danh mục bất động sản đa dạng, đắt giá và ít “đụng hàng”, như nhà mặt tiền ở thành phố lớn, căn hộ hạng sang ở khu trung tâm, biệt thự nghỉ dưỡng tại các thành phố biển…
Những cuộc khảo sát gần đây của nhiều định chế quốc tế như HSBC hay Niesel cho thấy, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, giàu có sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào việc nâng cấp chất lượng cuộc sống. Cụ thể, sau khi thanh toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 2/5 người Việt sẵn sàng chi tiêu cho du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), các sản phẩm công nghệ mới (44%), các dịch vụ giải trí bên ngoài (38%) và 37% người Việt sẵn sàng chi lớn cho hoạt động sửa chữa, mua sắm nhà cửa.
Phó giám đốc điều điều hành và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, ông Troy Griffiths cho biết, các quốc gia mới hoặc đang phát triển với tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, điển hình như Việt Nam, đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội tại thị trường nhà ở.
Với mức thu nhập ngày càng tăng, nhóm người trẻ có thu nhập tốt, ổn định, có khả năng và sẵn sàng chi trả tốt cho căn nhà của mình, đặc biệt là các bất động sản đặc sắc và nhiều giá trị. Trong đó, giá trị không chỉ nằm ở ngôi nhà có thiết kế đẹp để ở, mà phải đa tiện ích, phục vụ tốt nhất nhu cầu trải nghiệm sống của mỗi thành viên trong gia đình.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Movainternational cho thấy, 35% người tiêu dùng tại các nước phát triển sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên qua các năm. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi số người sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các dự án xem trọng yếu tố không gian sống gắn với các yếu tố eco, green, park, lakeview…
Đặc biệt, khách hàng sẵn sàng chi ra nhiều hơn cho những dự án có ý tưởng độc và lạ, thậm chí là không nơi nào có được. Vingroup, SunGroup, Alphanam Group, Foodinco Land, MIK Group, Hải Phát, Văn Phú, Novaland, Phú Long, Hưng Thịnh hay Phát Đạt… là những điển hình thành công trong những năm qua khi theo đuổi những giá trị này. Không hẳn tất cả các dự án hạng sang do họ đầu tư, phát triển đều có được thanh khoản tuyệt đối, nhưng thị trường luôn có cái nhìn công bằng khi quyết định xuống tiền mua nhà của các chủ đầu tư này.
Cuộc đua sáng tạo những chuẩn mực mới
Theo bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Foodinco (nhà phát triển một số dự án căn hộ cao cấp), dù có những biến động nhất định, nhưng không phủ nhận rằng, phân khúc hạng sang luôn đứng ở một vị trí rất riêng, không chịu nhiều tác động theo chu kỳ biến động của thị trường so với các dòng sản phẩm khác.
“Không chỉ là “vương miện” khẳng định đẳng cấp, căn hộ hạng sang còn là tài sản an toàn cho các chủ nhân nhờ giá trị bền vững theo thời gian. Bản thân các dự án cũng có những giá trị riêng. Giá trị của một căn hộ siêu sang không chỉ thể hiện bằng tiền, mà còn thông qua các giá trị vô hình khác cho các cư dân”, bà Mỹ nói.
Những giá trị vô hình mà bà Mỹ đề cập là sự thuận tiện trong giao thông, phát triển mối quan hệ với tầng lớp tinh hoa thành đạt trong xã hội, dễ dàng trải nghiệm những lễ hội văn hóa, âm nhạc đặc sắc hay shopping, giải trí tại các trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất thành phố. Bà Mỹ nhấn mạnh, muốn thuyết phục được đối tượng khách hàng này, chủ đầu tư cần phải sáng tạo hơn, đảm bảo yếu tố chất lượng hơn.
Theo bà Mỹ, thay vì tìm kiếm bộ tiêu chuẩn mang tính công thức, đã đến lúc chủ đầu tư cần dành thời gian để nghiên cứu những dự án thành công, từ đó khơi nguồn cảm hứng, giúp họ có thể tạo nên một sản phẩm mới hơn, tốt hơn. Họ sẽ phải trở thành những người sáng tạo ra những chuẩn mực mới, chứ không chỉ tuân thủ những chuẩn mực cũ.
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, có thể thấy rõ ràng là thu nhập của người dân và hoạt động đầu tư bất động sản luôn tỷ lệ thuận với nhau. Khi người dân có tiền, bất động sản cao cấp trở thành kênh đầu tư an toàn, bền vững được nhiều người lựa chọn.
Thời gian qua, thị trường bắt đầu đón nhận những dự án với các điểm độc đáo đầu tiên, như lần đầu tiên có thang máy đi lên trực tiếp từng căn hộ, người mua được phép tùy chọn vật liệu hoàn thiện, hồ bơi riêng cho từng căn hộ, căn hộ với các tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt hơn cả sự khác biệt giữa chung cư cao cấp với các loại sản phẩm thấp hơn ở công nghệ quản lý, vận hành, giải pháp thông minh (smart living). Thậm chí, một cộng đồng dân cư cao cấp, có trí thức, học vấn, thu nhập cao, tương đồng về đẳng cấp cũng là một tiêu chí cho cuộc sống cao cấp đích thực.
Một trong những mặc cảm của không ít người ở chung cư, dù là chung cư cao cấp, vẫn là sự bó buộc về không gian sống, căn hộ nhiều khi như một cái hộp đầy bí bách. Do đó, việc thay đổi thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường, gần hơn với thiên nhiên, cảnh quan sẽ giúp xóa bỏ phần nào những hạn chế này.
“Cuộc sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra sự đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực nhà ở. Thay vì chỉ là nơi trú ngụ đơn thuần, nhà ở còn là nơi thể hiện những thị hiếu thẩm mỹ và công năng đa dạng”, bà Dung nhấn mạnh.