Cuộc đào thải những cổ phiếu kém chất lượng

(ĐTCK) Song song với việc kêu gọi, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, việc đào thải những  doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, kém minh bạch đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Đây là sự sàng lọc cần thiết để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán, làm nền tảng cho thị trường phát triển bền vững.
Nhà đầu tư cần có sự sàng lọc cẩn thận trước khi quyết định đầu tư.

10 tháng, 14 doanh nghiệp bị buộc rời sàn

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên hai sở giao dịch chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2018, có tổng cộng 14 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp này bị hủy niêm yết bắt buộc khá đa dạng, nhưng đều xuất phát từ vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp hoạt động yếu kém và kém minh bạch. Từ việc thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ vượt vốn điều lệ cho tới vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hay bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo kiểm toán...

Cổ phiếu TH1 của CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam là mã chứng khoán đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm 2018 với lý do kép là kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016 và 2017) và lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp khi tính đến ngày 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của TH1 đã âm 92,9 tỷ đồng.

Sau khi thua lỗ lớn và bị hủy niêm yết, TH1 đã đưa ra phương án tái cơ cấu tài chính, tinh giản bộ máy, tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu với kỳ vọng trong năm 2018 có thể đạt 368,8 tỷ đồng tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế có lãi trở lại ở mức 11,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm nay, TH1 vẫn chưa cho thấy sự lạc quan khi doanh thu tiếp tục giảm thêm 60% so với cùng kỳ 2017, lợi nhuận trước thuế lỗ thêm 15 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính bán niên 2018 của TH1, đơn vị soát xét là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh: “Tại ngày 30/06/2018, TH1 có khoản lỗ lũy kế 291,9 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng lên” và TH1 bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Với tình trạng hiện nay, khoản đầu tư của các cổ đông vào TH1 có thể xem như mất trắng.

Kinh doanh thua lỗ cũng là nguyên nhân khiến CTCP Sông Đà 7 (SD7) - đơn vị từng là thành viên của Tập đoàn Sông Đà, từng tham gia thi công những công trình thủy điện lớn của đất nước như thủy điện Thác Bà, Sơn La, Lai Châu… phải hủy niêm yết.

Sau khi thua lỗ 13 tỷ đồng trong năm 2015, 211 tỷ đồng trong năm 2016, tại báo cáo tài chính 2017 tự lập, SD7 đã báo lãi sau thuế gần 37 triệu đồng và mở ra hy vọng phục hồi cũng như trụ lại sàn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC công bố sau đó đã dập tắt hy vọng này khi các chi phí điều chỉnh tăng, đẩy lợi nhuận sau thuế từ lãi thành lỗ 17,6 tỷ đồng. Tổng lỗ 3 năm liên tiếp của SD7 gấp gần 2,5 lần vốn điều lệ.

Thực tế, nhiều năm trước, bức tranh tài chính của SD7 đã cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến khả năng quản trị tài chính, dòng tiền khi số dư tiền mặt không đáng kể, lượng lớn tài sản nằm tại các khoản phải thu, gây rủi ro chậm thu hồi, thất thoát lớn. Hoạt động đầu tư góp vốn kém hiệu quả với giá trị trích lập dự phòng lớn, cơ cấu tài chính mất cân đối với vay nợ cao khiến chi phí tài chính bào mòn lợi nhuận. Án rời sàn là câu chuyện đã được dự báo trước với SD7.

Cổ phiếu bị buộc rời sàn dù vì lý do gì cũng là thiệt hại lớn với cổ đông, nhà đầu tư. Nhưng có lẽ, nếu lý do xuất phát từ việc doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài do bối cảnh thị trường chung khó khăn, ban lãnh đạo quản trị yếu kém với cổ đông “dễ nuốt” hơn là xuất phát từ việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Câu chuyện cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận và CDO của CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị bị buộc rời sàn đã để lại dư vị đắng với cổ đông của các doanh nghiệp này.

Dù sở giao dịch chứng khoán nhiều lần nhắc nhở về việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, sau đó là đình chỉ giao dịch và quyết định hủy niêm yết bắt buộc với hai cổ phiếu KSA và CDO, nhưng từ đầu tới cuối, thái độ của ban lãnh đạo hai doanh nghiệp này đều là “im lặng”. Cổ đông mắc kẹt với những cổ phiếu giờ không khác gì giấy vụn này dễ có cảm giác bị lừa đảo.

Nhiều cổ phiếu khác cũng đối diện nguy cơ

Bên cạnh những doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết bắt buộc bởi kinh doanh thua lỗ, kém minh bạch, trên hai sàn chứng khoán có hàng chục cổ phiếu khác như CTA, BII, ACM, LCM, SGO, KHB, KSK… đang có nguy cơ phải rời sàn.

Cổ phiếu LCM của Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai đang nằm trong diện kiểm soát của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM do có lỗ lũy kế đến cuối quý II/2018 là 38 tỷ đồng, chiếm 15% vốn điều lệ. Nửa đầu năm nay, LCM hoạt động kinh doanh khá èo uột với doanh thu vỏn vẹn 2,86 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 278 triệu đồng nhưng chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính.

Chất lượng tài sản, nguồn vốn của LCM đang bị đặt nhiều dấu hỏi. Trong báo cáo tài chính soát xét quý II/2018, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Đất Việt đã tiếp tục đưa ý kiến ngoại trừ với 30,2 tỷ đồng hàng tồn kho của Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình - công ty con của LCM, do không chứng kiến kiểm kê và cũng không thực hiện được thủ tục kiểm toán thay thế. Đồng thời, đơn vị kiểm toán không nhận được xác nhận vốn góp của khoản đầu tư của Gia Long Hòa Bình vào CTCP Granite Phú Yên. Công ty kiểm toán cũng nêu ý kiến về việc tồn tại yếu tố ảnh hưởng đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của LCM.

Cổ phiếu KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình và cổ phiếu CTA của Công ty cổ phần Vinavico đều đang ở trong diện bị kiểm soát do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và từ ngày 31/07/2018 đều bị HNX ra quyết định tạm ngừng giao dịch.

Mới đây, ngày 17/10/2018, HNX đã tiếp tục ra thông báo tạm ngừng giao dịch đối với 4 cổ phiếu niêm yết trên HNX, bao gồm CMI của Công ty cổ phần Cmistone Việt Nam, SDP của Công ty cổ phần SDP, SVN của Công ty cổ phần Solavina và SDE của Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà. Nguyên nhân là các công ty này đã vi phạm quy định về công bố thông tin và không khắc phục được nguyên nhân bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Cũng từ ngày 17/10/2018, một loạt cổ phiếu khác, bao gồm VMI của Công ty cổ phần Khoáng sản và đầu tư Visaco, ALV của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng ALV và KSK của Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim màu cũng bị đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch hoặc bổ sung lý do đưa vào diện kiểm soát do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Kinh doanh bết bát, thua lỗ, chây ỳ với nghĩa vụ công bố thông tin, cổ phiếu bị kiểm soát, cảnh báo, hạn chế giao dịch…, khả năng bị hủy niêm yết với các doanh nghiệp này có lẽ chỉ là vấn đề sớm muộn.

Sự sàng lọc cần thiết

Việc thanh lọc các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả kinh doanh cũng như yêu cầu về minh bạch thông tin vẫn đang được hai sở giao dịch chứng khoán chứng khoán thực hiện. Điều này một mặt nhằm bảo vệ nhà đầu tư; mặt khác sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường khi họ có đủ niềm tin về việc đồng tiền sẽ được bảo vệ khỏi các hành vi lừa đảo, thao túng, lũng đoạn, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ghi nhận từ phía thị trường, có những ý kiến đề xuất các cơ quan quản lý cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc đưa cổ phiếu lên niêm yết, cũng như hủy niêm yết so với văn bản pháp quy hiện hành, để tạo ra thị trường với hàng hóa chất lượng hơn, bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, với quy định doanh nghiệp 3 năm lỗ liên tiếp hoặc lỗ vượt vốn điều lệ mới bị hủy niêm yết bắt buộc, một số ý kiến cho rằng, khung thời gian này là quá dài. Bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” từ trước khi “chịu án” buộc phải rời sàn. Do đó, để bảo vệ nhà đầu tư, quy định về thời gian thua lỗ của doanh nghiệp nên rút xuống 2 năm, thậm chí tính khung thời gian theo đơn vị quý như thông lệ tại một số thị trường chứng khoán trên thế giới.

Hay với quy định doanh nghiệp hủy niêm yết nếu “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”, có ý kiến cho rằng, chưa lượng hóa cụ thể thế nào là nghiêm trọng. Trong khi, việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin chính là lời cảnh báo về tính minh bạch của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến có những doanh nghiệp bị nhắc nhở đến 5 - 6 lần, kéo dài cả năm mới bị hủy niêm yết.

Thực tế, vẫn còn một chút tranh luận về quyền lợi của nhà đầu tư “mắc kẹt” với cổ phiếu phải rời sàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với đồng tiền của mình đầu tiên, phải có sự nghiên cứu, phân tích, sàng lọc cổ phiếu để bỏ vốn. Việc mua theo trào lưu “đánh bạc”, bất kể doanh nghiệp làm ăn thế nào có thể khiến họ mất trắng.

Khắc Lâm
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục