Đầu tiên, ông David Stewart, Giám đốc điều hành (CEO) Leighton Holdings nhận quyết định miễn nhiệm chức CEO có hiệu lực ngay lập tức. Ông mới chỉ lên nắm quyền lãnh đạo điều hành Tập đoàn có 8 tháng, chưa để xảy ra "phốt" nào, nay bỗng dưng bị cách chức. Dư luận và giới đầu tư còn chưa kịp tìm hiểu nguồn cơn và nguyên nhân của động thái trên, thì chỉ sau đó đúng 24 tiếng đồng hồ, Leighton Holdings lại loan báo thông tin nữa gây sốc chẳng kém. Đó là việc ông David Mortimer cũng bị mất chức Chủ tịch Leighton Holdings. Như vậy, trong vòng hơn 1 ngày, 2 vị lãnh đạo cao nhất của Leighton Holdings đã buộc phải ra đi mà công chúng không hề biết vì lý do gì.
Báo chí Australia đã gọi đây là "cuộc đảo chính cung đình" (nguyên văn tiếng Anh: palace coup hoặc palace coup d'Etat) ở Leighton Holdings.
Ngay sau đó, Hamish Tyrwhitt, 48 tuổi hiện là CEO Leighton khu vực châu Á đã được bổ nhiệm vào chức CEO. Còn ông Stephen Johns, nguyên CEO Westfield, một tập đoàn chuyên kinh doanh các trung tâm thương mại lớn của Australia và hiện là thành viên Ban giám đốc Leighton Holdings được nắm chức Chủ tịch.
Giới đầu tư đã phản ứng không thuận với động thái "thay tướng" đột ngột trên của Leighton, khi ngay sau đó, tại Sở GDCK Sydney (Australia), giá cổ phiếu của Leighton giảm 3,6% xuống còn 20,55 AUD/cổ phiếu. Ông Richard Colquhoun, nhà quản lý tại Quỹ đầu tư Aviva Investors (Australia) lấy làm ngạc nhiên vì động thái "thanh trừng lãnh đạo" lạ lùng như thế này của Leighton.
"Sự thay đổi 2 vị trí lãnh đạo then chốt ở Leighton Holdings nhanh và lạ lùng đến không ngờ. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cả 2 vị lãnh đạo đều ra đi và ngay lập tức, mà không rõ vì lý do gì. Điều này rất hiếm khi xảy ra ở một doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế như Leighton ở Australia và phương Tây", ông Richard Colquhoun nhận xét. Tiếp theo, Leighton cũng đã công bố kết quả kinh doanh trong năm tài chính vừa qua (kết thúc ngày 30/6/2011). Theo đó, Leighton bị lỗ 408,8 triệu AUD (426 triệu USD), lần đầu tiên sau 23 năm liên tục có lãi.
Một số người am hiểu nội tình nhận xét, cuộc "đảo chính" này có đạo diễn chính là Wal King, nguyên CEO Leighton và có thể có cả vai trò của Frank Stiehler, thành viên Ban giám đốc Leighton. Ông Wal King thì mới rời chức CEO vào đầu năm nay, sau hơn 23 năm làm việc liên tục ở cương vị này (từ năm 1987). Năm ngoái, với việc được trả tổng cộng 14,7 triệu AUD tiền lương, thưởng, Wal King được xếp vào một trong số những CEO được trả hậu hĩnh nhất ở Australia.
Có tin đồn rằng, sau khi lên nắm quyền, ông David Stewart không muốn sử dụng người tiền nhiệm ở bất kỳ vị trí nào, kể cả vai trò cố vấn, tư vấn, vì thế đã làm cho ông Wal King phật ý. Trong khi ông Wal King có tiếng là "đam mê quyền lực", nay lại có biểu hiện "tham quyền cố vị" khi muốn trở lại kiếm một chiếc ghế trong Ban Giám đốc Leighton. Chính vì thế, Wal King đã tìm mọi cách, kể cả sử dụng vây cánh của mình để lật David Stewart, đưa một chiến hữu cũ là Hamish Tyrwhitt lên thay.
Ông David Mortimer đã làm Chủ tịch Leighton 13 năm nay cũng không thật sự "hợp cạ" với Wal King, nên nhân dịp này cũng bị mời… đi luôn.
Một số nhà phân tích lại cho rằng, sự suy đoán trên không thật đúng và logic, bởi nếu dựa vào kết quả kinh doanh có phần kém cỏi của Leighton để buộc ông David Stewart ra đi, thì thật oan uổng cho ông và khó được chấp nhận, vì ông này mới nắm quyền lãnh đạo có 8 tháng. "Chuyện đấu đá nội bộ" có thể có, song cả Chủ tịch và CEO của Leighton đều là những đối tượng "có sừng có mỏ" đâu dễ lẳng lặng chấp nhận thua cuộc một cách dễ dàng như vậy. Ở đây chắc chắn còn có nguyên nhân sâu xa hơn.
Một số nhà phân tích bình luận rằng, có thể hai ông trên "bị thí" trong cuộc đấu đá ở cấp cao hơn. Chẳng là Hochtief, tập đoàn xây dựng đa ngành lớn nhất Đức (hiện sở hữu 54% cổ phần của Leighton, là cổ đông lớn nhất của Leighton). Hochtief mới là người thực sự có quyền sinh, quyền sát trong vụ này. Song oái oăm thay, số phận của ngay Hochtief cũng chưa thật rõ ràng, bởi cách đây mấy tháng, Actividades de Construccion y Servicios, S.A. (ACS), tập đoàn xây dựng đa ngành lớn nhất Tây Ban Nha đã muốn mua lại Hochtief.
Việc ACS mua lại Hochtief đang vướng vào luật pháp của Đức, chứ không phải ACS thiếu tiền. ACS hiện đang sở hữu 50,16% cổ phần của Hochtief. Có nhiều khả năng, ACS đang tìm cách mua lại cổ phần của Hochtief tại Leighton. Ông Florentino Perez, Chủ tịch ACS chính là ông chủ Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới Real Madrid. Được biết, ông Florentino Perez có quan hệ rất thân tình với Wal King. Chính vì có sự loằng ngoằng như vậy, nên nguyên nhân sâu xa và đích thực của vụ "đảo chính cung đình" ở Leighton vẫn chưa thật rõ ràng.