Từ “sinh viên phản chiến” đến chuyên gia thương hiệu
Richard Moore đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993. Chuyến thăm viếng này bắt đầu từ một cuộc hội thảo hai ngày ở Hồng Kông về mối quan hệ giữa thiết kế và truyền thông marketing của IBM khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà ông Richard được mời làm diễn giả. Khi đó ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn và sáng tạo truyền thông cho hàng loạt thương hiệu quốc tế như AT&T, Citi Group và IBM là một trong số đó.
Khi còn trẻ, Richard Moore là một trong số hàng ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình phản chiến tại Việt Nam và trong khi công tác ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông vẫn luôn muốn được biết cuộc sống ở Việt Nam như thế nào, và đặc biệt là các đồng nghiệp trong ngành thiết kế như mình làm việc ra sao. Từ các cuộc nói chuyện với những nhà thiết kế, ông đã nảy ra ý tưởng đưa một buổi hội thảo về thiết kế truyền thông tới Việt Nam.
Một năm sau, Richard quay lại và với sự hỗ trợ của Linotype-Hell, một công ty sản xuất thiết bị in ấn của Đức cùng với VCCI Hà Nội và Đà Nẵng, FTDC ở TP.HCM, ông đã tiến hành chương trình hội thảo kéo dài trong vài ngày với sự tham dự của cả giới thiết kế và giới marketing Việt Nam ở cả 3 thành phố lớn.
Song song với đó, ở mỗi thành phố, ông cũng tiến hành các buổi workshop kéo dài trong một tuần cho giới thiết kế và tổ chức Triển lãm Thiết kế đồ họa phông chữ quốc tế (TDC) dành cho đông đảo công chúng.
Với chuỗi sự kiện này, Richard Moore trở thành chuyên gia đầu tiên có công mang đến Việt Nam quan niệm “thiết kế mang định hướng thị trường”, tức là các mẫu thiết kế, sáng tạo phải phục vụ mục tiêu tiếp cận thị trường dài hạn, chứ không chỉ đơn thuần là đẹp mắt.
Richard nhận thấy nhu cầu lớn lao đối với việc tìm hiểu về truyền thông thương hiệu ở bất kỳ nơi nào ông ghé chân tới và đã quyết định dành nhiều thời gian hơn ở Việt Nam. Ông đã không hề biết rằng, thời điểm đó chính là sự khởi đầu cho hành trình 20 năm của mình tại Việt Nam.
Năm 1995, Richard bắt đầu hợp tác tư vấn với Hiệp hội thiết kế marketing Hà Nội. Đây chính là những hoạt động chính thức của ông tại Việt Nam. Cũng từ đó, ông bắt đầu tham gia nhiều hơn các buổi hội thảo về truyền thông marketing cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Một điểm nhấn quan trọng đến với Richard Moore khi vào năm 1996, bà Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã mời ông viết một series bài báo trong suốt 1 năm về truyền thông marketing, với mục đích giúp cộng đồng doanh nhân hiểu được tầm quan trọng của việc gắn kết các hoạt động truyền thông với khách hàng mục tiêu.
Cũng trong năm này, ông đã phát hành một cuốn sách song ngữ nhỏ với tiêu đề là Marketing & Design, khá nhiều ấn phẩm đã được dành tặng cho các sinh viên thiết kế. Một trong số các sản phẩm sáng tạo mà ông tiến hành thực hiện trong giai đoạn những năm 90 này là chiến dịch quảng cáo TVC “Vẫn chạy tốt” của Electrolux cùng với các tài liệu in ấn đi kèm.
Mở công ty và ở lại dài lâu
Khi đã tự định vị mình như một chuyên gia hàng đầu về truyền thông và thương hiệu, vào năm 2001, Richard Moore quyết định thành lập văn phòng đại diện của Richard Moore Associates tại Việt Nam, từ đó bắt đầu xây dựng đội ngũ nhân sự tập trung vào các chương trình phát triển nhận diện thương hiệu một cách tổng thể, khởi đầu với dự án thực hiện cho một trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Công thương Việt Nam, sau này được gọi với tên thương hiệu mới là Vietinbank.
Cũng trong thời gian này, ấn bản đầu tiên của cuốn sách “Thương hiệu cho nhà lãnh đạo” được phát hành, một cuốn sách dày 136 sách viết về những tư vấn thương hiệu và các ví dụ điển hình mà Richard Moore Associates đã thực hiện.
Richard Moore Associates đã trở thành công ty đầu tiên chuyên sâu về phát triển nhận diện thương hiệu được cấp phép tại Việt Nam với tư cách là công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2005. Trong khi đó, cá nhân ông Richard Moore cũng được Hội đồng Nhân dân TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư mời tham gia với tư cách là tư vấn cho chương trình 20 thương hiệu hạt giống, một chương trình hỗ trợ các thương hiệu khi triển khai hoạt động thương hiệu thực tiễn. Richard cũng đã xuất hiện trong chương trình talk show “Người đương thời” vào cuối năm đó.
Cùng với sự phát triển trong kinh doanh, các hoạt động của Richard Moore Associates cũng ngày càng nhiều và chuyên nghiệp hơn. Năm 2009, cuốn sách “Đầu tư cho chiến lược hình ảnh thương hiệu” đã được phát hành, là một cuốn sách dày 200 trang về những lời khuyên cho một hình ảnh thương hiệu tổng thể và các ví dụ thực tiễn. Richard Moore cũng bắt đầu tham gia giảng dạy trong chương trình GoLogo tại Trường đại học FPT Arena cho lớp đào tạo nâng cao về thiết kế. Gần đây, Richard Moore Associates cũng đã ra mắt BrandDance, một trang blog với các bài viết thường xuyên về thương hiệu, đồng thời tổ chức Triển lãm Đồ họa phông chữ quốc tế TDC, một chương trình đã được tổ chức hằng năm tại Hà Nội và TP.HCM.
Quê hương thứ hai
Hai mươi năm đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, điều khiến Richard Moore ấn tượng hơn cả về người Việt Nam, đó là khả năng thích ứng với sự thay đổi của điều kiện sống và luôn tìm cách để vượt qua những trở ngại.
“Tôi đã quan sát thấy sự thích nghi nhanh chóng của Việt Nam từ văn hoá xếp hàng cho đến sự phát triển của Internet. Sự thích nghi chính là một lợi thế lớn khi thế giới ngày càng trở nên năng động hơn. Nếu tôi nằm giữa đường phố đông đúc của New York, chắc chắn tôi sẽ không thể tồn tại được. Ở Hà Nội, có lẽ tôi sẽ ổn, vì mọi người rất thành thục trong việc đối phó với điều kiện sống mà không nhất thiết là phải theo nguyên tắc, luật lệ nào”, ông nói.
Công việc bận rộn nên khi ở Việt Nam, Richard hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng ông thường dậy sớm và đi bộ quanh Công viên Lê-nin gần nơi ở. Mặc dù gia đình hiếm khi qua Việt Nam, nhưng ông đặc biệt thích nấu ăn và đôi lúc cũng mời một vài người bạn qua dùng bữa cùng.
“Tôi rất thích những khoảng thời gian ngắn ngủi mà tôi ở Việt Nam trong dịp Tết, đặc biệt là ở Hà Nội. Những ngày này trời thường nhiều sương và ấm áp, thời gian như kéo dài vô tận, và được lấp đầy bởi những cuộc viếng thăm bạn bè và gia đình”, ông chia sẻ.
Điều khiến ông cảm thấy hài lòng nhất trong 20 năm qua là việc đã học và chia sẻ nhiều điều về truyền thông thương hiệu thông qua việc đào tạo và những khách hàng tại Việt Nam mà ông đã làm việc cùng.
“Tôi hy vọng rằng, sự hỗ trợ của tôi đã giúp cho thương hiệu của họ cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ quốc tế. Và với công việc sáng tạo của mình, tôi hy vọng đã giúp cho khách hàng ứng dụng được các tài liệu truyền thông hiệu quả hơn trên thị trường”, ông nói.
Richard coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. “Tôi được trải nghiệm mỗi ngày với những điều mà tôi chưa thực sự hiểu hết và những điều đó luôn in dấu trong đầu tôi khi tôi trở về New York. Đôi khi việc đi đi về về giữa hai nền văn hoá mang lại cho tôi cảm giác hết sức thú vị”, ông chia sẻ.