Cuộc chiến về chip đang trở nên ngày càng gay gắt trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các siêu cường do Mỹ và Liên minh châu Âu dẫn đầu đã chi gần 81 tỷ USD để tạo ra công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo, góp phần thúc đẩy cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc để giành vị trí thống trị về chip.
Cuộc chiến về chip đang trở nên ngày càng gay gắt trên toàn cầu

Đây là làn sóng đầu tiên của quy mô gần 380 tỷ USD được các chính phủ trên toàn thế giới tài trợ cho các công ty như Intel và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) để thúc đẩy sản xuất các bộ vi xử lý mạnh hơn. Sự gia tăng này đã đẩy sự cạnh tranh do Mỹ dẫn đầu với Trung Quốc về công nghệ tiên tiến đến một bước ngoặt quan trọng sẽ định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Điểm bắt đầu của làn sóng cạnh tranh này là mối lo ngại về những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử quan trọng đã trở thành nỗi hoảng loạn toàn diện trong thời kỳ đại dịch, khi tình trạng thiếu chip làm nổi bật tầm quan trọng của những thiết bị này đối với an ninh kinh tế.

Trong khi đó, các kế hoạch đầu tư đã đạt đến thời điểm quan trọng ở Mỹ, trong đó các quan chức vào tháng trước đã công bố khoản tài trợ 6,1 tỷ USD cho Micron Technology - nhà sản xuất chip bộ nhớ máy tính lớn nhất của Mỹ. Đó là khoản tài trợ trị giá hàng tỷ đô la cho một cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ, theo sau một loạt cam kết tài trợ trị giá gần 33 tỷ USD cho các công ty bao gồm Intel, TSMC và Samsung Electronics.

Kế hoạch đầu tư toàn cầu

Liên minh châu Âu đã xây dựng kế hoạch trị giá 46,3 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất tại khu vực. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính rằng đầu tư công và tư nhân vào lĩnh vực này sẽ đạt tổng cộng hơn 108 tỷ USD, chủ yếu hỗ trợ cho các địa điểm sản xuất lớn.

Hai dự án lớn nhất của châu Âu đều ở Đức: Một nhà máy của Intel được lên kế hoạch ở Magdeburg trị giá khoảng 36 tỷ USD và nhận được gần 11 tỷ USD tiền tài trợ, và một liên doanh với TSMC trị giá khoảng 11 tỷ USD, một nửa trong số đó sẽ được tài trợ bởi quỹ của chính phủ. Mặc dù vậy, Ủy ban châu Âu vẫn chưa đưa ra phê duyệt cuối cùng về viện trợ của chính phủ và các chuyên gia cảnh báo rằng các khoản đầu tư của khối sẽ không đủ để đạt được mục tiêu sản xuất 20% chất bán dẫn của thế giới vào năm 2030.

Các quốc gia châu Âu khác lại đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các dự án lớn hoặc thu hút các công ty sản xuất chip. Tây Ban Nha tuyên bố vào năm 2022 rằng họ sẽ đầu tư gần 13 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn nhưng chỉ phân bổ một lượng nhỏ cho một số ít công ty do quốc gia này thiếu hệ sinh thái bán dẫn.

Các nền kinh tế mới nổi cũng đang tìm cách thâm nhập vào sản xuất chip. Vào tháng 2, Ấn Độ đã phê duyệt các khoản đầu tư được hỗ trợ bởi quỹ chính phủ trị giá 10 tỷ USD, bao gồm cả gói thầu của Tập đoàn Tata để xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn đầu tiên của nước này. Tại Ả Rập Xê Út, quỹ đầu tư công của nước này đang nhắm đến một khoản đầu tư lớn chưa xác định trong năm nay để khởi động bước đột phá của quốc gia vào lĩnh vực bán dẫn khi nước này tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tại Nhật Bản, Bộ thương mại nước này đã đảm bảo khoảng 25,3 tỷ USD cho chiến dịch chip kể từ khi bắt đầu khởi xướng vào tháng 6/2021. Trong số tiền đó, có 16,7 tỷ USD đã được phân bổ cho các dự án bao gồm hai xưởng đúc của TSMC ở miền nam Kumamoto và một xưởng đúc khác ở phía bắc Hokkaido. Thủ tướng Fumio Kishida đang nhắm mục tiêu đầu tư tổng cộng 64,2 tỷ USD, bao gồm cả tiền từ khu vực tư nhân, với mục tiêu tăng gấp ba lần doanh số bán chip sản xuất trong nước lên khoảng 96,3 tỷ USD đến năm 2030.

Ngược lại, Hàn Quốc đã tránh các khoản tài trợ và trợ cấp trực tiếp như những chính sách được Mỹ và Nhật Bản áp dụng, mà chỉ muốn đóng vai trò là người dẫn đường cho các chaebol có nguồn tài chính dồi dào. Trong lĩnh vực bán dẫn, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò hỗ trợ trong khoản chi tiêu ước tính khoảng 246 tỷ USD - một phần trong tầm nhìn rộng hơn về công nghệ cây nhà lá vườn từ xe điện đến robot. Nỗ lực đó sẽ nhận được sự thúc đẩy từ chương trình chip trị giá 7,3 tỷ USD mà Bộ tài chính nước này cho biết sẽ sớm được công bố.

Trong khi đó, một mối nguy hiểm tiềm tàng làm lu mờ sự hỗ trợ ngày càng tăng của chính phủ trên toàn cầu, đó là việc tạo ra tình trạng dư thừa chip.

Nhà phân tích Sara Russo của Bernstein cho biết: “Tất cả khoản đầu tư vào sản xuất này được thúc đẩy bởi đầu tư của chính phủ chứ không phải đầu tư chủ yếu theo định hướng thị trường cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng chúng ta có nhiều năng lực hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, rủi ro đó sẽ được giảm thiểu nhờ khoảng thời gian cần thiết để công suất mới theo kế hoạch đi vào hoạt động”.

Quy mô tài trợ chip trên toàn cầu

Quy mô tài trợ chip trên toàn cầu

Sự bùng nổ sản xuất chip của Trung Quốc

Hiện tại, các công ty như Nvidia, Qualcomm và Broadcom đang dẫn đầu thế giới về thiết kế chip quan trọng cho các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo., nhưng vẫn còn tranh luận về mức độ dẫn đầu đó. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc chậm hơn nhiều năm, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà bắt kịp.

Trung Quốc hiện có nhiều nhà máy bán dẫn đang được xây dựng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, họ xây dựng cơ sở sản xuất các loại chip cũ kém hào nhoáng hơn đồng thời tích lũy chuyên môn cần thiết cho bước nhảy vọt về công nghệ trong nước. Họ cũng đang nghiên cứu các giải pháp thay thế nội địa cho chip AI của Nvidia và các loại silicon tiên tiến khác.

John Lee, Giám đốc East West Futures Consulting cho biết: “Bạn đang thấy sự liên kết giữa khu vực tư nhân Trung Quốc và các mục tiêu của chính phủ Trung Quốc, trong đó khu vực tư nhân Trung Quốc phải hướng về nội địa để giảm thiểu rủi ro”.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) ước tính rằng Trung Quốc đang trên đà chi hơn 142 tỷ USD cho sản xuất chip. Là một phần trong nỗ lực đó, chính phủ đã huy động thêm 27 tỷ USD để giám sát các khoản đầu tư của nhà nước vào nhiều công ty, bao gồm cả các công ty sản xuất chip địa phương là Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) và Huawei Technologies Co.

Kiểm soát xuất khẩu

Những nỗ lực của Trung Quốc đã bị chậm lại do các rào cản mà Mỹ áp dụng nhằm ngăn cản nước này tiếp cận các chất bán dẫn mới nhất. Chính quyền Tổng thống Biden đang kêu gọi các đồng minh ở châu Âu và châu Á áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các thiết bị phức tạp cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất.

Trước khi chịu ảnh hưởng bởi những quy định kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ, Trung Quốc đang có những tiến bộ và dẫn đầu trong quá trình đó là Huawei. Khả năng thiết kế một số loại chip của công ty đã bắt đầu sánh ngang với khả năng của những công ty tốt nhất của Mỹ trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2019, khiến các nhà thiết kế bộ xử lý của Huawei gặp thách thức hơn nhiều để tài trợ cho những nỗ lực đổi mới.

SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc - đã cùng Huawei nằm trong danh sách thực thể bị hạn chế của chính phủ Mỹ vào năm 2020. Hai năm sau, Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ sản xuất mới nhất. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang cố gắng lấp đầy những lỗ hổng còn sót lại, bao gồm cả việc sửa chữa thiết bị, mặc dù một số đồng minh của Mỹ bao gồm Hà Lan và Nhật Bản đang lưỡng lự.

Paul Triolo, cựu quan chức chính phủ Mỹ chuyên về Trung Quốc và chính sách công nghệ tại Tập đoàn Albright Stonebridge cho biết, các quy định kiểm soát của Mỹ đã mang lại “động lực to lớn cho các công ty Trung Quốc cải thiện năng lực, nâng cao chuỗi giá trị, hợp tác với nhau và thu hút thêm sự hỗ trợ của chính phủ cho các công ty như Huawei đang thúc đẩy ngành này phát triển”.

Huawei đã có bước nhảy vọt đáng kể vào tháng 8 khi trình làng điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới có bộ xử lý 7 nanomet của SMIC - một kỳ tích mà các quan chức Mỹ đã cho rằng là vượt xa tầm tay của Trung Quốc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục