Khi Hong Kong chính thức trở về với Trung Quốc vào năm 1997, chỉ khoảng 1/4 người dân biết tiếng phổ thông. Giờ đây, sau 20 năm, số người Hong Kong sử dụng thành thạo tiếng Hoa phổ thông đã tăng lên gấp đôi, theo BBC.
"Đặc biệt người trẻ nói tiếng phổ thông ngày càng tốt", Chan Shui-duen, giáo sư về Trung Quốc và nghiên cứu song ngữ tại trường đại học Bách Khoa Hong Kong, cho biết.
Tiếng phổ thông, ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc đại lục, lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn.
Chính quyền Trung Quốc muốn phổ cập tiếng phổ thông để gia tăng quyền lực của nhà nước trung ương tại một quốc gia vốn có nhiều sắc tộc và nhiều ngôn ngữ địa phương.
Ngôn ngữ để thành công
Andrew Sullivan nhớ lại năm 1996, khi mới đến Hong Kong, chàng thanh niên người Anh chưa từng có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tài chính đã dễ dàng xin được công việc phân tích tại một công ty chứng khoán.
"Khi đó, anh không cần một hồ sơ xin việc hoàn hảo", Sullivan nói.
Nhưng đó đã là quá khứ. Hai thập niên kể từ sau khi Anh trao trả mảnh đất từng là thuộc địa trong suốt 154 năm, mọi thứ đã thay đổi. Ngày nay, kể cả chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm muốn kiếm được công việc ổn định trong ngành tài chính tại Hong Kong cũng phải biết tiếng phổ thông.
Và không chỉ riêng ngành tài chính, lao động trong tất cả những ngành nghề thương mại khác đều cần sử dụng thành thạo tiếng Hoa phổ thông, theo Bloomberg.
Ông Andrew Sullivan, chuyên gia tài chính 55 tuổi, đã sinh sống và làm việc ở Hong Kong từ năm 1996. Ảnh: Bloomberg.
John Mullally, một chuyên gia nhân sự, cho biết năm 2010, 40% các vị trí trong ngành tài chính ở Hong Kong do các chuyên gia nước ngoài đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ và Australia nắm giữ. Bây giờ, con số đó chỉ là 5%.
"Hàng tuần, tôi gặp rất nhiều chuyên gia ngân hàng dày dặn kinh nghiệm. 15 năm trước, họ có thể dễ dàng kiếm được việc làm ở đây nhưng giờ đây họ đang rất chật vật", Mullally nói.
Ngày càng nhiều các công ty tài chính và ngân hàng đầu tư ở Hong Kong có nhu cầu tuyển dụng những nhân sự hiểu biết về Trung Quốc. Ví dụ như Ngân hàng Singapore năm ngoái đã thuê 20 giám đốc quan hệ khách hàng có khả năng sử dụng thành thạo tiếng phổ thông.
"Bây giờ, khó mà tìm thấy một chuyên viên ngân hàng mới vào nghề mà không biết nói tiếng phổ thông", Quinlan, 33 tuổi, giám đốc một công ty tư vấn tài chính, nhận xét.
Thậm chí, đối với những vị trí cấp cao, các ngân hàng ưu tiên những người khoảng 40-50 tuổi từng làm việc trong các cơ quan hoặc doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nhằm tận dụng sự hiểu biết và quan hệ của họ với đại lục.
Sau hơn 20 năm ở Hong Kong, Andrew Sullivan, giờ đã 55 tuổi, từng làm việc cho những tên tập đoàn sừng sỏ như Goldmans hay Morgan Stanleys, nay sắp bị một công ty chứng khoán Trung Quốc sa thải. Quay trở về Anh chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của Sullivan vì anh đã sống xa quê hương quá lâu.
"Bây giờ, tôi và nước Anh chẳng còn điểm chung nào nữa", Sullivan nói.
Cuộc chiến ngôn ngữ
Juliana Liu, khi đi tìm trường mẫu giáo cho con gái hai tuổi, đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra hầu hết những trường danh tiếng nhất ở Hong Kong đều dạy tiếng phổ thông và tiếng Anh, chứ không còn sử dụng tiếng Quảng Đông nữa.
Ruth Benny, người sáng lập ra công ty tư vấn giáo dục Top Schools, cho biết 99% khách hàng, kể cả người dân bản địa lẫn người nước ngoài đang sống ở Hong Kong, đều muốn con em họ học tiếng phổ thông hơn là tiếng Quảng Đông.
Quốc kỳ Trung Quốc ở Hong Kong. Ảnh: BBC.
"Theo tôi, tiếng Quảng Đông cũng không còn được ưa chuộng tại các bậc giáo dục cao hơn", bà Benny nhận xét các gia đình nói tiếng Quảng Đông truyền thống giờ đây muốn con cái họ thông thạo tiếng phổ thông để dễ dàng giao tiếp xã hội.
"Đúng như dự đoán, sau khi Hong Kong về với Trung Quốc, tiếng phổ thông đã được ưu tiên hơn và trở nên phổ biến hơn", theo Brian Tse, giáo sư chuyên ngành giáo dục tại trường đại học Hong Kong.
Năm 2010, Ủy ban về Giáo dục Ngôn ngữ và Nghiên cứu, một cơ quan chuyên trách tư vấn của chính phủ, đã công bố kế hoạch cấp kinh phí lên tới 26 triệu USD cho các trường học ở Hong Kong để chuyển sang giảng dạy và học tập bằng tiếng phổ thông. Trong vòng 4 năm, chương trình thu hút sự tham gia của 160 trường học.
Theo ước tính của nhóm chuyên gia gìn giữ tiếng Quảng Đông, khoảng 70% các trường tiểu học và 25% các trường trung học ở Hong Kong hiện nay đã chuyển hẳn sang dùng tiếng phổ thông.
Dù Bắc Kinh khẳng định rằng chính quyền khuyến khích học sinh Hong Kong dùng thành thạo cả tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông cộng với tiếng Anh nhưng theo ông Robert Bauer, một chuyên gia nghiên cứu tiếng Quảng Đông giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Hong Kong, Bắc Kinh đang khuyến khích các trường học ở Hong Kong để đổi toàn bộ chương trình học sang tiếng phổ thông.
"Họ nhận yêu cầu từ Bắc Kinh," ông Bauer nói, "Tiếng Quảng Đông khiến Hong Kong khác biệt so với đại lục. Chính phủ Trung Quốc không muốn điều đó".
Nhiều người Hong Kong lo ngại tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ thể hiện bản sắc của Hương Cảng, sẽ dần mai một, thậm chí, tiến tới bờ vực trở thành ngôn ngữ chết. Nhưng nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lau Chaak-ming khẳng định tiếng Quảng Đông không chết. Ít nhất là bây giờ.
"Không hề. So với các ngôn ngữ địa phương khác ở Trung Quốc, tiếng Quảng Đông còn được sử dụng rộng rãi hơn nhiều", ông Lau nói.
"Nói và viết bằng tiếng Quảng Đông hiện đang trở thành một hành động chính trị," Robert Bauer nhận xét về xu hướng người trẻ Hong Kong muốn đòi nhiều quyền tự trị nhiều hơn cho Hong Kong nên họ tìm đủ mọi cách để bảo vệ bản sắc của đặc khu này.