Cung hàng chất lượng trên UPCoM tiếp tục nở rộ

(ĐTCK) Với việc các bộ, ngành thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nguồn cung hàng chất lượng trên UPCoM dự kiến tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới.
Cơ chế gắn IPO với đăng ký giao dịch cổ phiếu sẽ giúp sàn UPCoM có thêm nhiều cổ phiếu lớn Cơ chế gắn IPO với đăng ký giao dịch cổ phiếu sẽ giúp sàn UPCoM có thêm nhiều cổ phiếu lớn

Thoái vốn nhà nước tại Seaprodex và Vinafor

Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã chứng khoán SEA) là một trong 4 doanh nghiệp vừa được Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo phải hoàn thành thoái vốn nhà nước ngay trong quý I/2017.

Thông tin từ Seaprodex cho hay, phương án bán vốn đang được trình Chính phủ. Tổ chức tư vấn cho thương vụ này là Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Nhiều khả năng, Nhà nước sẽ thoái vốn tại Seaprodex xuống dưới 51% như chủ trương trước đó.

Seaprodex hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, trong đó Bộ NN&PTNT nắm giữ 63,38% vốn, tương đương 79,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, Bộ này có thể sẽ bán ra ít nhất 15,47 triệu cổ phiếu SEA (tỷ lệ 12,38%) trong quý I/2017.

Seaprodex đăng ký giao dịch trên UPCoM ngày 23/12/2016, ngay sau đó có sự thay đổi cổ đông lớn khi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp miền Nam bán ra toàn bộ 18.750.000 cổ phiếu SEA, tỷ lệ 15% vốn và chào đón 2 cổ đông lớn mới là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, với tỷ lệ sở hữu 20,1% và Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú, với tỷ lệ sở hữu 13,4%.

Một “ông lớn” khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã chứng khoán VIF), chào sàn UPCoM ngày 12/1/2017, cũng được Bộ NN&PTNT lên kế hoạch thoái vốn. Vinafor hiện có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nhà nước nắm giữ 51%, cổ đông chiến lược - Công ty cổ phần Tập đoàn T&T nắm giữ 40%.

Tương tự Seaprodex, bên cạnh ngành nghề kinh doanh chính hấp dẫn, Vinafor có điểm hấp dẫn khác là sở hữu nhiều đất “vàng” ở vị trí trung tâm một số thành phố lớn. Hiện tại, trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu SEA và VIF tương đương nhau, ở mức trên 13.000 đồng/CP, tuy nhiên thanh khoản của SEA vượt trội, với giao dịch trung bình trên 60.000 đơn vị/phiên.

Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) không có thông tin về việc thoái vốn nhà nước, nhưng cổ phiếu tự do chuyển nhượng dự kiến cũng sẽ tăng khi Vinatex vừa công bố chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng băn bản nhằm thông qua việc chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn của 2 cổ đông chiến lược. Đó là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group).

VID Group hiện nắm giữ 70 triệu cổ phiếu VGT, chiếm tỷ lệ 14%, còn Vingroup nắm giữ 50 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 10%. VGT sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến vào ngày 21/2/2017, thời gian lấy ý kiến từ ngày 22/2 đến 31/3/2017. 

Tiếp tục “sóng” IPO

Năm 2016, kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp nhà nước được thị trường quan tâm đã không diễn ra như dự định. Đầu năm nay, với động thái thúc ép mạnh mẽ của các bộ, ngành cùng quyết tâm của doanh nghiệp, mục tiêu cổ phần hóa của hàng loạt doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành.

Sau IPO, cổ phiếu được kỳ vọng sẽ nhanh chóng chào sàn UPCoM, với cơ chế từ Thông tư 115/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/11/2016), đó là gắn hoạt động đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Một số doanh nghiệp nhà nước đáng chú ý được kỳ vọng IPO trong năm 2017 là Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư năm 2017, bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra cho biết, sẽ triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong năm 2017.

Tương tự, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 tổ chức đầu tháng 2 vừa qua, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cho hay, một trong các nhiệm vụ của PV Power trong năm 2017 là cổ phần hóa và gia nhập thị trường chứng khoán.

Với PV Oil, Phó tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang chia sẻ, kỳ vọng Tổng công ty sẽ hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, tiến hành IPO trong năm nay.

Thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, bộ này đang đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành cổ phần hóa, IPO một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo đó, VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa và IPO trong quý III, còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II/2017.

Cổ phiếu của những doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện IPO, thoái vốn nhà nước dự kiến sẽ thu hút nhà đầu tư và tạo “sóng” trên sàn.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục