Bước phát triển ấn tượng sau 20 năm
Trải qua hơn 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đã không ngừng được hoàn thiện về mặt cấu trúc, cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý, đạt được những thành tựu nhất định và từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường vốn khu vực và toàn cầu. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2021, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tính đến ngày 23/11/2021, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt xấp xỉ 7,6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP điều chỉnh năm 2020 xấp xỉ 95% (nguồn: Bloomberg). Bên cạnh đó, thị trường TPDN chuyển biến mạnh mẽ từ năm 2017 với tốc độ phát triển bình quân 45% mỗi năm, quy mô hiện tại đạt 17% GDP (nguồn: VBMA).
Cùng với sự chuyển mình lớn mạnh của đất nước, trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect |
Nếu như vào năm 2006, thị trường chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) mới huy động được 40.000 tỷ đồng cho nền kinh tế, thì đến năm 2020 con số này đã đạt 413.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019. Nhờ đó, các doanh nghiệp niêm yết cũng lớn mạnh trong vòng 5 năm gần đây; nếu như năm 2015 chỉ có một doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD thì đến nay thị trường chứng khoán đã có hơn 40 doanh nghiệp niêm yết đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô thị trường chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của Việt Nam tương đương khoảng 112% GDP điều chỉnh, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%...) (nguồn: ADB).
Năm 2020, tổng mức huy động của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán (thông qua IPO, phát hành tăng vốn, phát hành trái phiếu) đạt khoảng 492.000 tỷ đồng, song dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thêm 1 triệu tỷ đồng (nguồn: NHNN, VBMA). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia hiếm hoi mà tỷ trọng quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu/GDP thấp hơn tín dụng ngân hàng.
Nếu như tỷ trọng dư nợ tín dụng/GDP và quy mô thị trường chứng khoán/GDP năm 2018 là 134%/109%, năm 2019 là 138%/104%; thì năm 2020 là 117%/76% (trên GDP điều chỉnh). Điều này chứng tỏ thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nói riêng mặc dù đã có những bước phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa đạt được tầm xứng đáng để tạo cân bằng cho thị trường tài chính, nhu cầu nguồn vốn trong nền kinh tế vẫn đang dựa khá nhiều vào hệ thống ngân hàng.
Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Chính phủ đã đặt mục tiêu mức vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP đạt 120%, trái phiếu/GDP đạt 55%, số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt 5% dân số vào năm 2025 theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách các thị trường mới nổi trước năm 2025.
Nhìn từ góc độ thị trường, các mục tiêu trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và thanh khoản bùng nổ trong thời gian gần đây chứng tỏ thị trường chứng khoán dần thu hút sự quan tâm của thông tin truyền thông và người dân. Mặc dù số tài khoản chứng khoán tăng kỷ lục lên hơn 3 triệu, song dư địa tăng trưởng còn nhiều nếu so với 45 triệu cá nhân/gần 100 triệu dân có tài khoản ngân hàng hiện nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng nếu so sánh với tổng huy động dân cư của hệ thống tín dụng năm 2020 là 5,1 triệu tỷ đồng.
Những kinh nghiệm quý
Để phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp bền vững, những kinh nghiệm quốc tế cần được tham khảo, mà trong đó thị trường Malaysia là một trong nhiều câu chuyện thành công điển hình.
Cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Malaysia manh nha từ những năm 1980, song từ năm 2000 trở lại đây mới có sự phát triển vượt bậc. Hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Malaysia đạt xấp xỉ 56% GDP, đứng đầu trong các nền kinh tế khu vực (Singapore 37%, Thailand 24%, nguồn: ADB). Để đạt được thành tựu này, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, Malaysia còn thúc đẩy các giải pháp như sau:
Thứ nhất, chú trọng phát triển hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức xếp hạng ở Malaysia được thành lập từ khá sớm (những năm 90) đi kèm với quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm với tất cả các tổ chức muốn phát hành huy động vốn, qua đó tạo ra văn hóa minh bạch trên thị trường và sự sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức phát hành.
Thứ hai, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ nhiều tháng xuống còn tối đa 14 ngày kể từ khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ, bên cạnh đó cũng cho phép doanh nghiệp phát hành nhiều đợt trái phiếu trong vòng 2 năm chỉ với 1 lần chấp nhận hồ sơ, với những tiêu chí, điều kiện nhất định.
Thứ ba, thúc đẩy minh bạch thông tin, tăng cường giám sát kiểm tra xử lý vi phạm để đảm bảo kỷ cương tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường… qua đó, tạo niềm tin cho nhà đầu tư đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.
Việc ưu tiên tập trung triển khai các chính sách, giải pháp phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu song song với việc tái cấu trúc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là tầm nhìn và chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011 trở về đây. Điều này góp phần tạo ra một cấu trúc thị trường tài chính ngày càng lành mạnh, vững chắc. Các kênh dẫn vốn ngày càng đa dạng, hiệu quả, phù hợp với tính chất, đặc thù của các hoạt động kinh doanh khác nhau nên tạo ra nhu cầu vốn rất đa dạng của các loại hình doanh nghiệp cũng như nhu cầu, khẩu vị rủi ro đa dạng của các phân khúc nhà đầu tư khác nhau trong xã hội.
Thị trường tài chính vận hành hiệu quả sẽ thúc đẩy sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế hiệu quả, thu hút và dẫn được các dòng vốn tạm thời nhàn rỗi của mọi thành phần tham gia thị trường trong và ngoài nước đến với các chủ thể sử dụng vốn hiệu quả trong nền kinh tế, bao gồm cả chính phủ và các loại hình doanh nghiệp trong nước, giúp cho nền kinh tế phát triển hiệu quả.
Cần sớm nâng hạng thị trường
Tuy vậy, để thị trường chứng khoán đảm đương tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý nên xem xét ưu tiên triển khai một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy, khuyến khích gia tăng số lượng, chất lượng hàng hóa (cổ phiếu, trái phiếu) trên thị trường. Yếu tố chất lượng hàng hóa (cổ phiếu, trái phiếu) hay chất lượng của chủ thể/ doanh nghiệp phát hành luôn là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính. Với sự phát triển bùng nổ của thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm gần đây khi mới chỉ có khoảng 2% dân số tham gia đầu tư và sự tham gia rất khiêm tốn của nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy tiềm lực vốn trong dân là rất lớn và chúng ta chỉ đang thiếu các hàng hóa có chất lượng.
Vì vậy, cần đẩy nhanh việc tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước, áp dụng các chuẩn mực cao hơn về hiệu quả - chất lượng quản trị - tính minh bạch đối với các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu và niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Đi liền với đó là các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đạt chuẩn mực, đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi sai trái.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hạ tầng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các tổ chức trung gian tài chính, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp… để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu trong giai đoạn tới. Một số giải pháp cụ thể có thể xem xét là thúc đẩy nhanh việc ra đời và hoạt động hiệu quả của các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước; áp dụng các chuẩn mực chất lượng cao hơn về vốn, công nghệ, con người đối với các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, kiểm toán, luật… đi đôi với việc có các chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức có chất lượng cao hơn được cung cấp sản phẩm dịch vụ ở quy mô, mức độ lớn hơn, sâu hơn.
Ví dụ, các công ty chứng khoán có chất lượng vốn, công nghệ, con người, quản trị, hiệu quả hoạt động tốt hơn có thể được áp dụng các chỉ số như vay nợ/vốn, cho vay margin/vốn, bảo lãnh phát hành/vốn… cao hơn các công ty không đáp ứng hoặc đáp ứng ở mức độ thấp các chuẩn mực về vốn, công nghệ, con người, quản trị, hiệu quả. Khuyến khích hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, tín thác nhằm xây dựng ngày càng nhiều các nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thúc đẩy cầu đầu tư bền vững trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, cần tăng cường phối hợp hơn nữa giữa cơ quan quản lý khác nhau trong Chính phủ, đặc biệt là giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành các chính sách có tính hệ thống, đồng bộ giúp đạt mục tiêu chung trong phát triển thị trường tài chính.
Một trong các vấn đề liên quan đến nội dung này đã được các thành viên VBMA đề xuất nhiều trong thời gian gần đây là sự phối hợp trong chính sách cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam. Cụ thể là các chính sách cạnh tranh về thuế, phí, thủ tục hành chính, cập nhật thông tin minh bạch kịp thời, quyền được thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá…
Ngoài các giải pháp nêu trên, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Việc tiệm cận với các thông lệ quốc tế sẽ giúp thị trường chứng khoán minh bạch thông tin, cũng như củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết (thủ tục xin cấp phép phát hành và niêm yết…).
Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động đào tạo nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức trung gian trên thị trường, nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp, người dân về hoạt động của thị trường tài chính nói chung, thị trường ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu…