Nhiều ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới công bố của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), với kỳ vọng phục hồi nền kinh tế bắt đầu từ quý IV/2021 sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ giúp hồi phục cầu tín dụng.
Nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021. Cụ thể, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất lên 23,4%; Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%).
VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%.
Riêng nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với Vietcombank được nới room tín dụng mạnh nhất lên 15%, trong khi BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng sau 3 quý hoạt động đầu năm nay.
Cụ thể, đến cuối tháng 9/2021, tín dụng Vietcombank tăng trưởng 11,5% so với cuối năm 2020 và hoàn thành ở ngưỡng 98% kế hoạch cả năm. Tăng trưởng tín dụng trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank là 15% so đầu năm nay.
Tương tự, cho vay khách hàng của SeABank cũng hoàn thành 92% kế hoạch năm tính đến cuối tháng 9/2021, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020...
Theo đánh giá của BSC, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Sức hấp thụ vốn chưa tăng cao
Thời gian qua, các chuyên gia cho hay, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại.
Hiện nay, hai nhóm khách hàng này đóng góp trung bình 75 - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành.
Riêng trong quý III/2021, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh.
BSC kỳ vọng, việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý IV/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao.
Số liệu NHNN đưa ra, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,72% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, giới phân tích cho rằng, sẽ chỉ tăng ở mức hợp lý. TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia ngân hàng đã đưa ra dự báo, tín dụng năm nay tăng khoảng 10 - 13% là phù hợp.
Còn theo KBSV, do các tác động dịch bệnh lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua, nên mức tăng trưởng tín dụng có thể chỉ đạt 10% cả năm.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng quý IV/2021 do NHNN thực hiện cũng cho thấy, các nhà băng cũng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4% quý IV và tăng 12,3% cả năm 2021, thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III.
TS Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cũng nhận định, dù lãi suất giảm, song với sức khỏe doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19 nên sức hấp thụ vốn chưa thể thể hồi phục nhanh sau khi ốm dậy.
Nhưng, với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, đưa nguồn vốn vào đúng dự án trọng điểm và đề xuất thêm gói cấp bù lãi suất thì sức hấp thụ vốn của kinh tế dần trở lại trong quý đầu năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Sang năm 2022, BSC cho rằng, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, cùng với gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
TS Cấn Văn Lực cũng nhận định, chính sách tiền tệ sẽ không nới lỏng hoàn toàn, song NHNN có thể mở rộng tín dụng có chọn lọc hai năm tới lên mức 13 - 14%, bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất.