Cung - cầu “ủng hộ” thị trường quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, giá vàng biến động khó lường, thị trường cổ phiếu có nhiều yếu tố bất định, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm tới kênh đầu tư chứng chỉ quỹ như một giải pháp đầu tư hiệu quả, bền vững.
Ông Na Sung Soo, CEO Công ty Chứng khoán Vina (VNSC by Finhay) Ông Na Sung Soo, CEO Công ty Chứng khoán Vina (VNSC by Finhay)

Dòng chảy tất yếu

Có thể nói, nhiều yếu tố trong môi trường đầu tư hiện tại trở thành động lực thúc đẩy dòng tiền tìm tới kênh đầu tư chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, đây là sự chuyển dịch hợp lý và tất yếu đối với các thị trường tài chính đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng tích cực mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu đầu tư tài chính và sử dụng các công cụ đầu tư như chứng chỉ quỹ cũng sẽ gia tăng. Theo đó, ngành quản lý quỹ và các dịch vụ ngành quỹ sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là với quy mô còn khiêm tốn như hiện nay.

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2023, có 107 quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép đang hoạt động trên thị trường, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 68.000 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với GDP, chiếm 2,44% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… vốn đã chạm mức 30% GDP.

Số lượng nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ mới đạt khoảng 300.000 nhà đầu tư, chiếm 0,3% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Con số này khá nhỏ so với số lượng 7,35 triệu tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân tính tới đầu năm 2024.

Trong bối cảnh này, cùng với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán và phát triển thị trường tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành quỹ; tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về ngành quỹ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; ứng dụng chuyển đổi số vào ngành quỹ; đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ theo thông lệ; đồng thời kiểm soát, quản trị rủi ro hoạt động quản lý quỹ trong thời kỳ mới - thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin.

Câu chuyện từ Hàn Quốc

Diễn biến tại thị trường Việt Nam có phần tương đồng với thị trường Hàn Quốc và những kinh nghiệm trong quá trình phát triển ngành quản lý quỹ, dịch vụ ngành quỹ tại các thị trường lớn như Hàn Quốc sẽ là tài liệu có giá trị tham khảo hữu ích cho Việt Nam.

Điểm tương đồng lớn nhất của thị trường tài chính Việt Nam và Hàn Quốc là vai trò của nhà đầu tư cá nhân. Tại Hàn Quốc, nhà đầu tư cá nhân là động lực lớn của thị trường chứng khoán khi chiếm đến 65% các giao dịch theo số liệu năm 2023. Tại Việt Nam, từ giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đến nay, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ và giao dịch của nhà đầu tư cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, hai thị trường cũng có những điểm khác biệt. Trong đó, thị trường quỹ của Hàn Quốc đã phát triển qua nhiều năm, do đó các sản phẩm quỹ rất đa dạng, bao gồm cả các quỹ ETF đầu tư ra thị trường nước ngoài, hay quỹ bất động sản. Quỹ ETF đang là loại quỹ ưa thích của nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, do quy mô thị trường còn nhỏ, các loại hình quỹ đầu tư chưa đa dạng, hiện mới có các sản phẩm quỹ tập trung vào thu nhập cố định như quỹ trái phiếu và các quỹ cổ phiếu. Điều này dẫn đến nhà đầu tư cá nhân thiếu các lựa chọn phù hợp với khẩu vị rủi ro, cũng như mục tiêu lợi nhuận của mình. Bên cạnh đó, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm quỹ đầu tư, cũng như các dịch vụ quản lý quỹ chưa được tiến hành một cách mạnh mẽ, giúp nhà đầu tư cá nhân hiểu thêm ưu thế của kênh đầu tư này. Chưa kể, các kênh phân phối cũng đang hạn chế. Nhà đầu tư chủ yếu giao dịch mua - bán chứng chỉ quỹ trên kênh của công ty chứng khoán và nền tảng riêng của công ty quản lý quỹ.

Vậy thị trường Hàn Quốc đã phát triển ngành quỹ như thế nào? Có nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng chỉ quỹ tại Hàn Quốc. Trước tiên, phải kể tới việc đa dạng kênh phân phối, giúp nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận và mua bán chứng chỉ quỹ ở nhiều kênh.

Người dân ngày càng mở rộng kênh đầu tư sang sản phẩm tài chính là điều kiện thuận lợi cho thị trường quỹ phát triển

Người dân ngày càng mở rộng kênh đầu tư sang sản phẩm tài chính là điều kiện thuận lợi cho thị trường quỹ phát triển

Tại Hàn Quốc, có nhiều kênh phân phối chứng chỉ quỹ, trong đó ngân hàng và các công ty chứng khoán là hai kênh chính. Bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và giao dịch chứng chỉ quỹ thông qua các công ty chứng khoán hoặc ngân hàng, dựa trên hệ thống giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính uy tín (nhóm các công ty chứng khoán và quỹ quản lý tài sản) còn hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thông tin về chứng chỉ quỹ dễ dàng hơn bằng cách xây dựng các trang web trực tuyến cung cấp toàn bộ thông tin về các quỹ như hiệu suất, phí, lệ phí… Đồng thời, các công ty quản lý quỹ tại Hàn Quốc cũng có những chiến lược định hướng và giáo dục thị trường thường xuyên.

Các sản phẩm quỹ của Hàn Quốc khá phong phú và số lượng quỹ cũng khá nhiều. Chẳng hạn, với loại hình quỹ ETF, tính tới cuối tháng 8/2023, có 1.134 quỹ ETF tại Hàn Quốc với tổng giá trị tài sản khoảng 90 tỷ USD. Hay những năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân quan tâm hơn đến các sản phẩm đầu tư theo chủ đề. Đây cũng có thể là ý tưởng để các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam triển khai để thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, trước đây, người dân Việt Nam chủ yếu đầu tư tiền nhàn rỗi vào những tài sản truyền thống như vàng, bất động sản, gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, có thể thấy, vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau giai đoạn Covid, người dân ngày càng mở rộng kênh đầu tư sang các tài sản tài chính khác như trái phiếu, chứng khoán… Việc tham gia vào thị trường tài chính của các nhà đầu tư mới sẽ nảy sinh nhu cầu lớn cần chuyên gia để quản lý tài sản. Sản phẩm quỹ chính là sản phẩm phù hợp cho nhóm nhà đầu tư mới ngày một đông đảo này.

Song song với đó, các công ty quản lý quỹ cũng đang có sự đẩy mạnh hợp tác với các công ty chứng khoán nhằm đa dạng hoá các kênh phân phối. Các chương trình truyền thông về quỹ mở được thực hiện nhiều hơn, liên tục hơn, các ứng dụng phân phối quỹ ngày càng tiện lợi. Một số sản phẩm như quỹ hưu trí, quỹ chủ đề như quỹ ESG bắt đầu được phát triển.

Các công ty quản lý quỹ cũng đã có sự mở rộng sản phẩm, trong đó nổi bật là đầu tư định kỳ - SIP (Systematic Investment Plan) giúp tối ưu được giá trung bình của chứng chỉ quỹ, tránh việc mua đỉnh, bán đáy, đặc biệt là với quỹ cổ phiếu có biến động cao theo thị trường. Việc ngày càng xuất hiện thêm các nền tảng chuyên phân phối chứng chỉ quỹ điển hình như VNSC by Finhay sẽ tạo thêm sự thuận lợi cho nhà đầu tư để quản lý nhiều quỹ trên cùng một nền tảng.

Những dấu hiệu trên là động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán nói chung và đầu tư chứng chỉ quỹ nói riêng. Hiện tại, cả hai phía cung và cầu đều thuận lợi để thị trường quỹ phát triển. Do vậy, tôi kỳ vọng thị trường quỹ Việt Nam sẽ ngày một tăng trưởng mạnh mẽ.

Na Sung Soo
CEO Công ty Chứng khoán Vina (VNSC by Finhay)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục