Quỹ đạo thị trường chưa thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tuần qua “rung giật”, nhiều cổ phiếu điều chỉnh, nhưng quỹ đạo vận động tích cực của thị trường hầu như không bị ảnh hưởng.
Quỹ đạo thị trường chưa thay đổi

Giá hàng hóa tăng là tâm điểm

Một tuần giao dịch khởi sắc đã diễn ra với các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu.

Thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của ARM - công ty con của Softbank và niêm yết lần đầu trên sàn NASDAQ (Mỹ) nhận được sự đầu tư lớn, với mức giá 51 USD/cổ phiếu, thu về 4,87 tỷ USD. Đây được coi là sự hồi sinh thị trường IPO của Phố Wall, cùng với các dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực giúp thị trường chứng khoán Mỹ (chỉ số S&P 500) đi xa hơn trong vùng Tăng mạnh trong đồ thị vận động các tài sản quan trọng.

Một loạt dữ liệu tháng 8 của Trung Quốc về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, hay số chuyến bay cất cánh đều cho thấy một Trung Quốc đang hồi phục, hỗ trợ cho chỉ số Shanghai Composite, dù vẫn đang nằm trong vùng Giảm mạnh.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chỉ số Dollar Index (DXY) tiếp tục tăng nhẹ trong tuần qua, nhưng có thể sẽ hạ nhiệt khi đang tiệm cận vùng nhạy cảm về kỹ thuật, được kỳ vọng giúp tỷ giá USD/VND bớt căng thẳng trong tuần này.

Giá dầu tiếp tục chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp, leo lên mức cao ngắn hạn mới khi các dữ liệu vĩ mô của nhiều quốc gia lớn trên thế giới duy trì đà tăng tích cực và sự hạn chế nguồn cung tạo ra lo ngại về thâm hụt trong những tháng cuối năm, bởi nhu cầu dầu tăng cao trong mùa Đông. Giá dầu Brent vọt lên trên 94 USD/thùng, trong khi dầu WTI được giao dịch gần 91 USD/thùng. Điều này khiến cho giá dầu đi sâu hơn vào vùng Tăng mạnh và được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, tiếp tục là điểm tựa lớn giúp giá cổ phiếu doanh nghiệp dầu mỏ tăng mạnh trong 2 tuần vừa qua.

Không chỉ giá dầu, giá đường cũng có mức tăng ấn tượng trước các thông tin dự báo Ấn Độ mất mùa mía do thời tiết không thuận lợi, đẩy giá đường lên mức cao nhất trong 12 năm qua.

VN-Index có quỹ đạo vận động tích cực

Chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần qua tăng nhẹ, nhưng vẫn không thể giúp đồ thị nến tuần tránh khỏi sắc đỏ. Mặc dù đã xác định tuần giao dịch tiền đáo hạn phái sinh luôn căng thẳng với những biến động rung giật có tần suất cao, nhưng ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ này vẫn khiến tâm lý giao dịch trở nên thận trọng. Nhiều cổ phiếu quay đầu điều chỉnh, sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu cũng xảy ra, nhưng quỹ đạo vận động tích cực của thị trường chưa bị ảnh hưởng.

Các chỉ báo tâm lý thị trường cho thấy sự do dự của dòng tiền khi xác suất đầu tư ngắn hạn giảm sút, đồng thời đà lan tỏa đang trong quá trình kiểm tra lại đường MA10. Chưa có dấu hiệu bán tháo hay hoảng loạn trong tâm lý thị trường nên các chỉ báo vẫn cho thấy sóng tăng ngắn hạn được duy trì và xu hướng này được kỳ vọng sẽ khẳng định trong tuần giao dịch này.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Nếu xâu chuỗi liền mạch 3 tuần giao dịch gần nhất, có thể thấy tuần điều chỉnh vừa qua là phù hợp và cần thiết, giúp thị trường có quãng nghỉ, cổ phiếu có điều kiện xác nhận lại các vùng hỗ trợ mạnh và nhà đầu tư có cơ hội để chọn lựa cổ phiếu tiềm năng ở mức giá chiết khấu.

Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn, đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.

Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn, đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.

Hiện tại, VN-Index dù rung lắc nhưng hệ thống hỗ trợ ngắn hạn tại 1.215 điểm, 1.200 điểm và 1.190 điểm đều chưa có dấu hiệu bị vi phạm, nên sự điều chỉnh nằm trong khái niệm lành mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, giao dịch ngắn hạn chưa bị ảnh hưởng nhiều, trong đó vị thế bán ngoại trừ nhu cầu chốt lời do đạt mục tiêu hoặc cơ cấu sang cổ phiếu tiềm năng thì áp lực bán là không lớn.

Với các vị thế mua mới, bối cảnh rung lắc của thị trường tạo ra cơ hội tìm điểm thăm dò tốt đối với các cổ phiếu đang trong tầm ngắm cần giải ngân, thay vì phải đua mua vì tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) trong nhịp giá tăng bị động.

Sự kiện 2 quỹ ETF ngoại chốt xong danh mục cơ cấu cũng khép lại tuần giao dịch nhiều kịch tính và phần nào giảm áp lực cho tuần này với sự kiện đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 9 (VN30F1M).

Với đặc điểm của chu kỳ đáo hạn, VN30 và VN30F1M hội tụ mạnh nhất trong tuần qua, do đó biến động và tác động của sự kiện này được kỳ vọng giảm dần.

Mức Basis (độ lệch giữa VN30 và VN30F1M) đã thu hẹp chỉ còn +1,7 điểm, ít tạo áp lực rung giật cho các phiên sắp tới. Ngoài ra, số lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) gần đây giảm dần, xuống quanh mức 40.000 cho thấy mức độ căng thẳng giữa các hoạt động mua (Long) và bán (Short) đang hạ nhiệt.

Theo đó, chiến lược giao dịch ngắn hạn thích hợp là ưu tiên canh các nhịp điều chỉnh, tận dụng những rung giật còn lại của tuần đáo hạn phái sinh để tối ưu vị thế tích lũy cổ phiếu. Các danh mục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao dù chưa chịu nhiều áp lực bán ngắn hạn nhưng cũng nên linh hoạt tái cấu trúc danh mục để tối đa hiệu suất đầu tư ngắn hạn và tự tin hơn với vị thế nắm giữ, khi danh mục được xây dựng trên nền tảng là những cổ phiếu tốt với tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục