Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Quy hoạch điện VIII thúc đẩy năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) chia sẻ về Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sẽ thúc đẩy phát triển các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo. Đây là một trong những mục tiêu của Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đề ra.

Quy hoạch điện VIII đang xây dựng. Ông có thể nói gì trong thời điểm này, sau nhiều bài học từ quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh?

Trước hết, Quy hoạch điện VIII đang được thiết kế có tính mở hơn. Vẫn quy định một số nguồn điện quan trọng ưu tiên phát triển, để đảm bảo cung ứng điện một cách chắc chắn, còn lại sẽ chỉ đưa ra công suất tổng, không quy định danh mục chi tiết, đặc tính kỹ thuật của công trình điện.

Đây là điểm được rút kinh nghiệm từ thực hiện các quy hoạch điện hiện nay. Danh mục nguồn và lưới đang được quy định cứng nhắc trong các quy hoạch điện, bao gồm cả tên dự án, công suất, quy mô, thời gian, thậm chí là cả chủ đầu tư hay hình thức đầu tư là nhà máy điện độc lập (IPP) hay xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), nên khi có nhu cầu thay đổi, dù là nhỏ như nâng công suất tổ máy từ 600 MW lên 620 MW, hay đường dây dài hơn vài km, cũng phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép. Việc xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cũng không theo chu kỳ, gây nên chậm tiến độ dự án điện.

Sau nữa, Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển mạnh các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 55/NQ-TW.

Để đảm bảo an ninh cung cấp điện, tạo điều kiện phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII sẽ xem xét quy hoạch cho từng vùng, khu vực nhỏ hơn và kết nối  trong tổng thể chung của quốc gia…

Những thay đổi này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, thưa ông?

Chúng ta đã có cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng. Như với điện gió hay điện mặt trời là cơ chế giá cố định và hấp dẫn, bao tiêu 20 năm… hay hợp đồng mua bán điện áp dụng mẫu, không mất thời gian thương thảo nhiều… khiến các nhà đầu tư tư nhân quan tâm mạnh đến làm điện.

Những sự khuyến khích này là cần thiết và tôi cho rằng, giờ đây khi chuyển sang giai đoạn mới. Nghị quyết 55/NQ-TW đã quy định rõ, cơ chế sẽ không chỉ có vấn đề giá, mà còn cần cả hệ thống chính sách minh bạch, rõ ràng và ổn định.  

Trong thực hiện các quy hoạch điện hiện tại, có dự án điện đã được khởi công, nhưng tiến độ rất chậm. Quy hoạch điện VIII tới đây sẽ kiểm soát việc này thế nào? 

Như trên đã nói, Quy hoạch điện VIII có tính mở hơn, điều này tạo điều kiện để lựa chọn dự án, lựa chọn chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh, từ đó thúc đẩy hiệu quả và tiến độ thực hiện dự án.

Thực tế, việc kiểm soát tiến độ các dự án điện do tư nhân hay nước ngoài triển khai đang khá khó khăn. Chúng ta không có cơ chế mang tính pháp lý mạnh để buộc các nhà đầu tư phải làm đúng như cam kết. Có tình trạng, nhà đầu tư thấy lợi nhuận rõ mới triển khai, còn không thì chỉ cầm chừng để không bị rút giấy phép. Việc kiểm soát này ở các dự án do doanh nghiệp nhà nước thực hiện có thuận lợi hơn.

Trong Quy hoạch điện VIII, chúng tôi đang đề xuất chế tài đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ cần mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn.

Có thực tế là từ năm 2016 tới giờ gần như không có công trình nguồn điện dạng truyền thống ở quy mô lớn được khởi công. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp nhà nước đã rất cố gắng trong phát triển nguồn điện, nhưng phải nói khách quan là có nhiều vướng mắc, nên nhiều dự án khó triển khai.

Tuy nhiên, điểm sáng là các dự án năng lượng tái tạo. Phần lớn các dự án này do nhà đầu tư tư nhân thực hiện, nên thuận lợi hơn trong các bước chuẩn bị đầu tư cũng như xác định nguồn tài chính.

Đây là lý do chúng tôi đề xuất phải quy hoạch bổ sung nguồn điện, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo. Giải pháp này cũng phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Thời gian tới, các nguồn điện sẽ được bổ sung vào quy hoạch điện ra sao, thưa ông?

Vào tháng 3/2020, Bộ Công thương đã đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió và mới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương. Các dự án điện mặt trời thì đã bổ sung trước đó.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung một số trung tâm điện khí LNG như Cà Ná, Long Sơn vào quy hoạch, hay chuyển đổi Trung tâm điện than Long An sang làm điện từ khí LNG…

Với thực tế này, tôi nghĩ từ nay tới khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, trừ các dự án điện rác, điện sinh khối, các công trình nguồn điện và lưới điện cơ bản đã được định hình.

Theo yêu cầu của Chính phủ, việc triển khai các dự án điện mặt trời từ năm 2021 sẽ theo phương thức đấu thầu. Hiện công tác chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Bộ Công thương đề xuất 2 phương án.

Một là, đấu thầu theo khả năng giải tỏa của trạm biến áp.

Hai là, phương án đấu thầu theo dự án đã được xác định.

Phương án 2 đòi hỏi hạ tầng, đất đai sẵn sàng để đấu thầu. Tuy nhiên, chỉ có một số dự án đáp ứng được tiêu chí này, vì không nhiều địa phương có nguồn lực để giải phóng mặt bằng cũng như chuẩn bị sẵn đường dây chờ.

Như vậy, phương án đấu thầu giải tỏa theo công suất của trạm biến áp và đường dây có sự linh hoạt hơn và hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Cách làm có thể là căn cứ vào khả năng giải tỏa công suất của từng khu vực để tổ chức đấu thầu cho nhà phát triển dự án. Tôi cho rằng, cách này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện trong nửa đầu năm 2021.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục