Cục Đăng kiểm: Không nên kéo dài chu kỳ kiểm định xe taxi

Liên quan đến kiến nghị sửa đổi Nghị định 86 của Hiệp hội Taxi Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng sửa đổi các điều kiện kinh doanh đối với xe taxi trong đó kéo dài chu kỳ kiểm định đối với xe taxi giống như xe bình thường, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, không nên điều chỉnh chu kỳ kiểm định các xe kinh doanh vận tải tương tự như các xe không kinh doanh vận tải.
Cục Đăng kiểm: Không nên kéo dài chu kỳ kiểm định xe taxi
Đối với kiến nghị tăng chu kỳ kiểm định của xe taxi được quy định Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trước đây, chu kỳ kiểm định lần đầu của xe taxi là 24 tháng, lần sau 12 tháng. Nhưng từ đầu năm 2016, theo Thông tư 70, chu kỳ kiểm định đã rút ngắn lại là lần đầu 18 tháng, lần sau 6 tháng.

Theo số liệu khảo sát đến tháng 5/2018 vừa qua, đối với xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi có kinh doanh vận tải, xe taxi có cường độ hoạt động rất cao, quãng đường xe chạy hàng năm từ 66.000-96.000km, trong khi ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chỉ từ 10.000-18.000km.

“Như vậy, cùng thời gian thì xe có kinh doanh vận tải có số km xe chạy cao hơn nhiều so với xe không kinh doanh vận tải. Do vậy, không nên điều chỉnh chu kỳ kiểm định các xe kinh doanh vận tải tương tự như các xe không kinh doanh vận tải," lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.

Trước đó, tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 vào giữa tháng Bảy vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, xe taxi công nghệ rất mong manh, đây là vấn đề hết sức bức xúc và việc sửa đổi, ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô) có sự điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật.

Bộ trưởng Thể cho biết, trong tháng Bảy này, Bộ sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến ban hành Nghị định 86. Khi ban hành Nghị định 86 sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

“Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải,” Bộ trưởng Thể nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng giao đơn vị soạn thảo tiếp thu nội dung góp ý, bổ sung vào Tờ trình Nghị định 86; điều chỉnh trong Nghị định 86 theo đúng quy định pháp luật, không làm trái luật để đem lại lợi ích xã hội.


Theo VietNam+

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục