Cửa tham gia sàn phái sinh hẹp lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đưa ra các điều kiện khắt khe hơn để có giấy chứng nhận kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Hiện tại, sàn phái sinh đang có 19 công ty chứng khoán thành viên, tăng 5 thành viên so với năm 2019. Nhưng so với gần 80 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường thì con số này vẫn ít.

Sau hơn 3 năm đi vào vận hành, thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, thanh khoản.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn liên tục gia tăng hàng tháng. Khối lượng giao dịch liên tục lập kỷ lục trong những tháng vừa qua.

Tính đến hết tháng 7/2020, đã có 132.274 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2019. Đặc biệt, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 7 ghi nhận đạt 212.623 hợp đồng, tăng 18,59% so với tháng 6/2020.

Phiên có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 356.033 hợp đồng vào ngày 29/7, là con số cao nhất kể từ khi khai trương thị trường, vượt qua kỷ lục trước đó về khối lượng giao dịch trong phiên.

Cửa tham gia sàn phái sinh hẹp lại ảnh 1

Số lượng tài khoản tăng mạnh, nhưng bức tranh thị phần phái sinh của khối công ty chứng khoán lại cho thấy sự chênh lệnh đáng kể. Riêng Công ty Chứng khoán VPS đã chiếm hơn 50% tổng thị phần. 5 công ty SSI, HSC, VNDIRET, MBS, MAS chiếm gần 40% thị phần.

9 công ty còn lại chỉ chiếm thị phần trên dưới 10%. Thị phần sàn này tập trung vào một vài công ty, nhất là công ty áp dụng chính sách miễn giảm phí giao dịch.

Việc gia tăng các thành viên, được nhiều nhà đầu tư cho rằng, là một  yếu tố tích cực giúp gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy việc hoàn thiện chất lượng dịch vụ cung cấp trên thị trường này.

Tuy nhiên, theo quy định mới đang được xin lấy ý kiến từ các thành viên, các công ty chứng khoán muốn tham gia cùng cấp nghiệp vụ phái sinh phải đảm bảo số vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh; vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.

Đồng thời, công ty chứng khoán phải đáp ứng trích lập đầy đủ các khoản dự phòng, không có lỗ lũy kế trong năm tài chính gần nhất và tỷ lệ an toàn tài chính tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng trước khi nộp hồ sơ.

Ngoài ra, ý kiến của tổ chức kiểm toán tại báo cáo tài chính soát xét năm hoặc bán niên gần nhất phải là chấp thuận toàn phần.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhìn nhận, việc nâng cấp các điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch và tư vấn chứng khoán phái sinh giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Tuy nhiên, với quy định không được lỗ trong năm tài chính gần nhất, nhiều công ty chứng khoán sẽ không có cơ hội tham gia thị trường phái sinh trong năm 2021.

Bởi lẽ, diễn biến “phập phù” của thị trường chứng khoán có thể khiến nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lỗ trong năm nay.

Là một nhà đầu tư tham gia phái sinh gần 3 năm nay, anh Nguyễn Xuân Hòa cho biết, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, quy định cụ thể đối với các công ty chứng khoán tham gia cung cấp nghiệp vụ phái sinh đã rõ ràng, cụ thể và yêu cầu cao hơn so với quy định cũ, đặc biệt là yêu cầu về kết quả kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng…

Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện về nguồn vốn và các quy định về trích lập dự phòng có thể làm tăng chi phí để vận hành hoạt động giao dịch phái sinh. Điều này có thể dẫn đến việc tăng phí giao dịch.

Với những nhà đầu tư nhỏ, thuế phí hiện nay đã khá lớn. Nếu tăng phí giao dịch, lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ bị suy giảm, nhất là trong những giai đoạn thị trường biến động hẹp.                     

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ