Cửa kiếm tiền qua quỹ trái phiếu

(ĐTCK) Trong bối cảnh “giặc Covid-19” hoành hành khắp toàn cầu, các kênh đầu tư có khả năng sinh lời trở nên hiếm hoi. Quỹ đầu tư trái phiếu vẫn đang mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng cần xem xét kỹ danh mục của quỹ.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Giá trị tài sản ròng gia tăng

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều kênh đầu tư có sự thay đổi lớn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm giảm hàng loạt và có xu hướng tiếp tục giảm, giá vàng biến động khó lường, giá USD tăng không quá biên độ 3%/năm và duy trì lãi suất bằng 0, kênh đầu tư cổ phiếu đang đối mặt với biến động giá lớn và nguy cơ thua lỗ cao...

Trong bối cảnh đó, với đặc tính ít rủi ro, kênh đầu tư vào trái phiếu là một trong những lựa chọn của không ít nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức. Thời gian qua, giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ đầu tư trái phiếu vẫn thể hiện được sự tăng trưởng.

Cụ thể, tại kỳ giao dịch ngày 20/3/2020, NAV của Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) do Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương quản lý đạt hơn 14.930 tỷ đồng, tương đương hơn 13.970 đồng/chứng chỉ quỹ. So với cách đây 1 năm, NAV tăng gần 8%; so với 2 và 6 tháng trước, mức tăng lần lượt là 1,35% và 4%.

Trong kỳ, 60% tổng tài sản của TCBF giải ngân vào trái phiếu doanh nghiệp; chứng chỉ tiền gửi chiếm 21% giá trị tài sản; 19% còn lại là tiền và tương đương tiền.

Trong các khoản giải ngân vào trái phiếu doanh nghiệp, khoản đầu tư lớn nhất là trái phiếu MSR11808 với giá trị hơn 1.612 tỷ đồng, tương đương 11% tổng giá trị của Quỹ; tiếp đến, trái phiếu VPL11812 và VHM11802 đều chiếm 8% tổng giá trị tài sản.

Một quỹ đầu tư trái phiếu khác do Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương quản lý là Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt Techcom (TCFF) ghi nhận NAV ngày 20/3 đạt 47 tỷ đồng, tương đương 10.772 đồng/chứng chỉ quỹ, tăng lần lượt 2,65% và 5,52% so với 6 tháng và 1 năm trước.

Trong khi đó, NAV của Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) liên tục suy giảm.

Tương tự, tại kỳ giao dịch ngày 19/3, trong khi NAV của hai quỹ đầu tư cổ phiếu do Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt quản lý là Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) và Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) lần lượt giảm 18,92% và 15,1% so với đầu năm, thì NAV của Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) vẫn tăng trưởng.

Tại kỳ giao dịch ngày 18/3, NAV/chứng chỉ quỹ BVBF tăng 0,2% so với kỳ giao dịch 1 tuần trước, đạt 16.614 đồng/chứng chỉ quỹ.

So với đầu năm, NAV của Quỹ tăng 5,85%; so với 3 tháng và 6 tháng trước, mức tăng lần lượt là 6,44% và 11,74%.

Là quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, giấy tờ có giá với tỷ trọng đầu tư lên tới 80% giá trị tài sản, NAV của Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý ghi nhận NAV tại kỳ giao dịch ngày 19/3 tăng 1,72% so với đầu năm.

Trong khi đó, NAV của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) giảm 20,39 so với đầu năm.

Với Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF do Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank quản lý, NAV tại kỳ giao dịch ngày 18/3 đạt 10.306 đồng/chứng chỉ quỹ, tăng 1,36% so với đầu năm, trong khi NAV của Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF giảm 19,4%.

Cần xem xét kỹ danh mục trái phiếu

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Phú Khôi, một chuyên gia trái phiếu ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, quỹ đầu tư trái phiếu hiện có “cửa” kiếm tiền là do thanh khoản trên thị trường trái phiếu không cao như cổ phiếu nên ít chịu tác động bởi biến động giá.

Mặt khác, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư đã biết trước được mức lợi suất cũng như thời gian nhận được, kể cả khoản vốn đầu tư gốc.

Với cách thiết kế và bán sản phẩm linh hoạt của nhiều quỹ đầu tư trái phiếu hiện nay, nhà đầu tư cá nhân không cần số vốn lớn cũng có cơ hội đầu tư vào sản phẩm trái phiếu, trong khi trước đây vốn dĩ sản phẩm này chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức.

Với mức vốn chỉ từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể giao dịch sản phẩm này ngay tại nhà, mà không lo ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đầu tư qua quỹ trái phiếu, nhà đầu tư có quyền rút vốn bất kỳ thời điểm nào mà vẫn có thể hưởng lãi khá hấp dẫn; dễ dàng bán trái phiếu hoặc vay cầm cố; không chịu rủi ro biến động giá lớn như vàng hay cổ phiếu.

“Ðể thích ứng với sự suy giảm nhanh của thị trường cổ phiếu, gần đây, tài sản chúng tôi quản lý đang được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng giá trị tài sản đầu tư vào quỹ đầu tư cổ phiếu để có thêm dòng tiền cho quỹ đầu tư trái phiếu. Ðiều này đang mang lại hiệu quả”, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Phú Khôi, khả năng sinh lời của quỹ trái phiếu trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng, nếu dịch Covid-19 kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Theo đó, nếu trong cơ cấu tài sản đầu tư của các quỹ đầu tư trái phiếu có lượng lớn là trái phiếu doanh nghiệp, thì khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Khi đó, doanh nghiệp có thể thua lỗ, thậm chí phá sản, dẫn đến mất khả năng thanh toán tiền lãi và/hoặc gốc trái phiếu cho nhà đầu tư, hiệu quả đầu tư qua quỹ trái phiếu sẽ suy giảm.

Sức hấp dẫn của các quỹ đầu tư trái phiếu hiện phụ thuộc nhiều vào sức khỏe tài chính, cũng như khả năng trả nợ và lãi trái phiếu của các doanh nghiệp. Chỉ cần trong danh mục đầu tư của quỹ trái phiếu xuất hiện một doanh nghiệp chậm hoặc mất khả năng trả nợ, thì quỹ sẽ khó “ăn nói” với nhà đầu tư. 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục