1 Trưa nay, tôi vừa gặp một chị bạn đồng nghiệp. Chị kêu đi ăn cơm cùng cậu con trai của chị, trước khi chàng trai trẻ trở lại Malaysia học nốt chương trình đại học. Ở lứa tuổi ngoài 50, chị bạn tôi vẫn vô cùng trẻ trung và yêu đời.
Trong bữa ăn, chị khoe vừa mua được căn hộ tại quận 2, đã trả góp tới 30% rồi. Căn hộ ấy là khoản tiền ky cóp của chị - một công chức sống đúng bằng nghề theo nghĩa tích cực nhất sau 30 năm đi làm. Và hợp đồng căn hộ, chị để cho cậu con trai đứng tên. “Thằng bé đã 21 tuổi rồi. Sau này mình muốn con trai khi xây dựng gia đình sẽ có nhà để ở”. “Sao nhìn xa quá vậy chị?”. “Biết làm sao được. Vì sự ‘nhìn xa’ ấy mà giờ mới yên ổn đó!”.
Theo cách giải thích của chị bạn, còn trẻ khoẻ đi làm kiếm tiền, thì rất cần tiết kiệm để mua nhà cho con. Sau này về già, sự chênh lệch nhịp sinh hoạt của các thế hệ sẽ không đẩy lên thành mâu thuẫn.
Ở chung bao giờ cũng kéo theo sự phức tạp. Đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, thậm chí là mẹ đẻ và con trai. Bao nhiêu gia đình đã mệt mỏi khi con trai cưới vợ, chỉ được một thời gian yên cửa ấm nhà, còn lại thì xào xáo đến mức không chịu nổi.
Cứ ra đụng vào chạm, rồi tới khi mấy đứa cháu chào đời lại càng thêm căng thẳng do cách chăm sóc con cháu khác nhau. Bởi vậy, nói ra thì ai cũng mắc cười, nhưng thực ra mua nhà cho con, mà lại vì chuyện tự do vui vẻ của mình.
Thêm lý do nữa, chị bạn tôi cho biết, tiết kiệm tiền mua nhà, dù mang danh nghĩa vì con, cũng là cách có một khoản tiền nếu sau này cần tới. Trong cuộc sống có bao nhiêu chuyện bất trắc, sinh lão bệnh tử chả mấy hồi. Nếu không tích cóp, thì khi hữu sự, biết lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống. Hơn thế, ở thời này không dám ăn uống gì nhiều. Tuổi cũng không còn trẻ, thì ăn nhiều sợ nhiễm đủ các bệnh. Tiền ăn đã không tốn mấy, tiền xài thì cũng chẳng cần gì nhiều.
Trước đây, mỗi tuần đi mua sắm quần áo, giày dép, túi xách cũng hao ví lắm, còn bây giờ đồ để chật mấy cái tủ, giày dép để chật cầu thang, túi xách mắc tiền ra đường là đích ngắm của của tụi cướp. Vậy thì tiền bạc kiếm ra được để làm gì, mỗi ngày một chút, góp tiền mua căn hộ cho thế hệ sau, chẳng phải là việc có ích lắm sao?!
2 Nhưng khác với suy nghĩ của chị bạn tôi, anh Tâm - ông chủ bán phở khá đông khách tại trung tâm Sài Gòn lại cho rằng cần phải sống có chất lượng hơn nữa. Anh Tâm có 2 người con: cậu con trai tốt nghiệp đại học đã đi làm, còn cô con gái đang học lớp 10. Với các con, anh Tâm đều đầu tư giống nhau về chuyện học tập, đặc biệt là ngoại ngữ.
Ở Sài Gòn có trung tâm dạy tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật nào tốt nhất, anh Tâm chọn cho các con mình. Các con anh đều giỏi mấy ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ.
Trong khi người ra rất muốn con cái học trường quốc tế để khỏi vác những chiếc cặp nặng trĩu cùng các bài tập về nhà, thì anh Tâm vẫn giữ quan điểm muốn con mình học trường công để thi đậu đại học trong nước. Tốt nghiệp đại học trong nước rồi, thì các con đều phải cố gắng kiếm học bổng để đi du học. Từ giai đoạn này rồi, con cái cần phải tự lập để lo cho cuộc sống cá nhân, và cũng tự chịu mọi trách nhiệm với cuộc đời mình.
Trong khi đó, vợ chồng anh Tâm vẫn hàng ngày kiếm sống bằng tiệm phở, và đi du lịch khắp nơi trong và ngoài nước. Anh Tâm nói, tài sản anh dành cho con là cái chữ và sự độc lập trong cuộc sống. Căn nhà hiện đang ở, sau này sẽ được để lại cho các con làm nơi thờ tự cũng như tập trung làm giỗ quải của dòng họ. Các con anh ra đời tự kiếm việc làm, tự kiếm tiền để mua nhà xây dựng cuộc sống riêng. Nếu cần sự hỗ trợ của ba mẹ, thì anh chỉ giúp đỡ phần nào, chứ không được ỉ lại, mất hết đi sự cố gắng.
Của để dành cho thế hệ sau, thường được nhìn thấy bằng tài sản nhà đất. Nhưng cũng có quan niệm hiện đại và khác biệt như anh Tâm, tạo nên sự phong phú màu sắc trong cuộc sống. Tuỳ theo từng hoàn cảnh gia đình, mà “của để dành” đó là vật chất hay tinh thần. Bởi điều quý nhất mà cha mẹ cho chúng ta, chính là sự sống trên đời này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |