“Của để dành” cổ phiếu bảo hiểm

(ĐTCK)  Là lĩnh vực đặc thù, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình hoạt động. Thế nên, khi đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành này cũng cần “nhìn sâu” vào doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, an toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu

Yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu

Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây chứng kiến những đợt sóng mạnh mẽ ở nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp hay năng lượng tái tạo. Những nhóm ngành này thường nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thông tin vĩ mô, chính sách hoặc các yếu tố chu kỳ, qua đó thu hút dòng tiền đầu cơ và nhà đầu tư theo xu hướng.

Ngược lại, cổ phiếu bảo hiểm không thường xuyên có diễn biến sôi động. Sự thiếu vắng các yếu tố mang tính đột phá, cộng với tính ổn định đặc thù khiến dòng tiền ngắn hạn khó mặn mà. Cùng với đó, mức thanh khoản thấp so với trung bình thị trường cùng biên độ tăng giá hẹp như càng khiến nhóm cổ phiếu này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư ưa “lướt sóng”.

Một “điểm trừ” nữa của cổ phiếu bảo hiểm là chính sách cổ tức chưa thực sự cạnh tranh so với các nhóm ngành khác như ngân hàng, tiêu dùng hay năng lượng. Nguyên nhân đến từ mô hình hoạt động đặc thù, trong đó công ty bảo hiểm phải duy trì lượng vốn lớn để đảm bảo an toàn tài chính và đáp ứng các yêu cầu pháp lý khắt khe.

Các công ty bảo hiểm bắt buộc phải trích lập nhiều quỹ dự phòng, bao gồm dự phòng nghiệp vụ, dự phòng bồi thường, cũng như đảm bảo biên khả năng thanh toán tối thiểu. Những khoản này dù không phải chi phí thực tế, nhưng lại trực tiếp làm giảm lợi nhuận kế toán có thể dùng để chia cổ tức.

Thêm vào đó, quy định từ Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được chia cổ tức nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có lãi sau thuế, hoàn thành trích lập dự phòng và đảm bảo biên an toàn tài chính. Dù lợi nhuận có cao, chỉ cần vi phạm 1 trong 3 điều kiện này, doanh nghiệp cũng không thể chia cổ tức.

Giai đoạn hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm đang tập trung vào việc mở rộng quy mô, tăng vốn điều lệ và đầu tư công nghệ - điều kiện tiên quyết để tồn tại trong môi trường cạnh tranh gay gắt và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như hiện nay, nên cần ưu tiên nguồn lực cho những hoạt động này, hơn là vấn đề cổ tức.

Đơn cử, Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã chứng khoán PTI) từng duy trì cổ tức tiền mặt đều đặn tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023, doanh nghiệp này không chia cổ tức để dồn nguồn lực tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, sản phẩm mới, cũng như mở rộng mạng lưới phân phối. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tới đây, PTI tiếp tục đề xuất không chia cổ tức cho năm tài chính 2024.

Tương tự, các công ty bảo hiểm khác như Bảo hiểm BIDV - BIC (mã chứng khoán BIC) hay Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG) cũng tùy từng giai đoạn mà chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc chia hỗn hợp giữa cổ phiếu và tiền mặt. Việc ưu tiên cổ phiếu thay vì tiền mặt cho thấy các công ty này đang chọn giữ lại tiền để tái đầu tư, chấp nhận đánh đổi tính hấp dẫn ngắn hạn để củng cố nền tảng dài hạn.

Ngoài ra, phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư, trong đó chủ yếu là trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản. Khi thị trường tài chính biến động, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng hoặc thị trường chứng khoán đi xuống, lợi nhuận đầu tư của các công ty bảo hiểm có thể sụt giảm mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mà còn gián tiếp làm suy giảm khả năng chia cổ tức. Đây là một trong những lý do khiến cổ phiếu bảo hiểm kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Cần tầm nhìn dài hạn

Hiện tại, ngành bảo hiểm đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 17 và các quy định về vốn như Solvency II bắt đầu được triển khai.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, trước đây, doanh thu từ phí bảo hiểm thường được ghi nhận toàn bộ tại thời điểm ký hợp đồng. Tuy nhiên, với IFRS 17, doanh thu sẽ được phân bổ theo thời gian cung cấp dịch vụ, khiến doanh thu và lợi nhuận ngắn hạn bị “giảm sút” trên sổ sách, dù dòng tiền thực tế không đổi.

Ngoài ra, chuẩn mực kế toán mới cũng yêu cầu doanh nghiệp tính dự phòng bảo hiểm dựa trên giá trị hiện tại của nghĩa vụ hợp đồng, có tính đến rủi ro, chi phí và lợi nhuận kỳ vọng. Điều này buộc các công ty phải tăng trích lập dự phòng, dẫn đến chi phí vận hành gia tăng đáng kể.

Có thể thấy, việc triển khai IFRS 17 không chỉ tác động đến kết quả kinh doanh ngắn hạn, mà còn đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ, phần mềm định phí và năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với nhiều doanh nghiệp, đây là một thách thức thực sự cả về tài chính và nguồn nhân lực trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Tuy vậy, về dài hạn, việc áp dụng các chuẩn mực mới sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính, chuẩn hóa hoạt động và tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Một vấn đề khác của ngành bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt trong mảng phi nhân thọ, đó là mức độ phân mảnh cao. Cạnh tranh gay gắt khiến các doanh nghiệp phải giảm phí, tăng chiết khấu cho đại lý và chấp nhận biên lợi nhuận thấp để có thị phần. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải ưu tiên đầu tư cho hạ tầng công nghệ và mở rộng quy mô, thay vì tập trung tối đa vào lợi nhuận. Điều này phần nào lý giải trên thị trường chứng khoán hiếm khi chứng kiến sự đột phá về giá cổ phiếu - vốn là yếu tố chịu tác động mạnh từ lợi nhuận của doanh nghiệp - của nhóm bảo hiểm.

Dù chưa hấp dẫn dòng tiền ngắn hạn, nhưng cổ phiếu bảo hiểm vẫn được xem là lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn nhờ đặc tính ổn định, tính phòng thủ cao và tiềm năng tăng trưởng cùng với quy mô nền kinh tế. Theo định hướng phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm đạt 3-3,3% GDP và nếu đạt được, dung lượng thị trường sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho toàn ngành.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa hoạt động theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nâng tầm uy tín, tăng khả năng gọi vốn quốc tế và từng bước gia nhập sân chơi toàn cầu.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục