Mất việc tăng, giá cũng tăng
Lắng nghe, phản ánh và tìm giải pháp giải quyết kiến nghị của cử tri luôn là công việc được quan tâm hàng đầu của Quốc hội. Bởi vậy, báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân luôn được trình bày trong phiên khai mạc mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ bảy, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 665 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri qua kênh mặt trận.
Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao về tốc độ tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024, tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam. Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện, nhất là các dự án đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ; thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín tiếp tục đưa ra các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng khi số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; công nhân, lao động bị ngừng việc, nghỉ việc tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, xăng, dầu tiếp tục tăng…
“Giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày vẫn cao, trong khi tiền lương chưa tăng, đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phản ánh trong phiên họp tuần qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, người lao động vẫn tiếp tục dành sự quan tâm đến việc Chính phủ triển khai chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và việc điều chỉnh mức trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội, an sinh xã hội, như người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu, đối tượng hưởng trợ giúp xã hội.
Đáng chú ý, bà Thúy Anh cho biết, trong tháng 4/2023, đã có 121.873 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng gần 39% so với số lượng người rút bảo hiểm xã hội trung bình của quý I/2023.
“Đây đúng là vấn đề day dứt”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thừa nhận.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tính chung cả quý I/2024 so với quý I/2023 có tăng, cho thấy, đây vẫn là một lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc và mất việc làm. Lý do bởi phần lớn người lao động có những khó khăn trước mắt, chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của bảo hiểm xã hội và chính sách về bảo đảm an sinh xã hội.
Như vậy, khó khăn của cả người dân và doanh nghiệp là có thật, là cần được đánh giá đúng mức hơn.
Nhìn vào phần đánh giá bổ sung của năm 2023, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường so sánh, thành tựu, kết quả thì tới 16 trang, còn phần hạn chế, khó khăn mới có 4 trang, như vậy là chưa thực sự phản ánh tình hình hiện nay.
“Tình hình kinh tế rất khó khăn, cho nên phần kết quả có thể rút ngắn hơn thì các đại biểu sẽ thấy đánh giá như thế là khách quan. Hay báo cáo chỉ viết là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao thôi, mà không có con số so sánh, như vậy là chưa khách quan, chưa đúng thực trạng”, ông Cường nhìn nhận.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, báo cáo nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều, như việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể như, giá các mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ, giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm tăng cao, giá vé phương tiện giao thông cao, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, khách du lịch.
Khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng là có thật, do vậy, cần có thêm giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Làm sâu sắc hơn những thách thức của nền kinh tế
Sau khi được góp ý từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, báo cáo Chính phủ chính thức gửi Quốc hội được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền ký, đã làm sâu sắc hơn những thách thức của nền kinh tế, trong đó có khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Đó là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, khả năng hấp thụ vốn thấp, sức chống chịu bị bào mòn, đến mức cực hạn sau đại dịch Covid-19. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trung bình năm 2023 tiếp tục đạt mức dưới 50 điểm.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023, có 89.060 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,7% so với năm 2022; gần 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% so với năm 2022; số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 1.521.260 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, có hơn 86.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 một cách có hiệu quả, một số nội dung cần phải đánh giá kỹ hơn. Như, năng suất lao động thấp liên tiếp trong nhiều năm vừa qua, đến năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 cũng vẫn còn rất yếu. Tuy nhiên, phần giải pháp, báo cáo chưa nêu được trọng tâm và những đột phá cho việc nâng cao năng suất lao động.
Nhìn vào môi trường đầu tư - kinh doanh, bà Thanh đề nghị cần đánh giá kỹ hơn và có giải pháp cho các vấn đề như doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, cầu tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng tín dụng tăng thấp, trong khi lãi suất giảm.
“Có phải môi trường đầu tư kinh doanh đang có vấn đề, nguồn vốn đầu tư từ lĩnh vực tư nhân rất thấp và đầu tư vào vàng lại cao, có thể người dân không tin tưởng, yên tâm đầu tư cho sản xuất, do vậy cần phải phân tích kỹ hơn để có giải pháp”, bà Thanh nêu ý kiến.
Vẫn liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nói rõ cho người dân và doanh nghiệp quan điểm sửa thế nào đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
“Từ đầu năm 2023, doanh nghiệp có ý kiến và các cơ quan liên quan đã có các thông tư hướng dẫn, đến bây giờ đang đề xuất sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy rồi, nhưng các quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn là điểm nghẽn”, ông Phương sốt ruột.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, sau khi có những phản ánh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm, các bộ, ngành cố gắng giảm nhiều thủ tục trong điều kiện hiện nay cho các doanh nghiệp.
“Nếu còn ý kiến cụ thể của doanh nghiệp nào, tôi có trao đổi với đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị phối hợp để Bộ Công an làm việc trực tiếp và giải quyết những vấn đề cụ thể. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã cam kết như thế, các đồng chí yên tâm”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.
Cử tri đau xót khi một số cán bộ cấp cao mất uy tín
Ngay trước thềm kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với bà Trương Thị Mai, sau khi Trung ương đồng ý để bà thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Trước đó, Quốc hội đã miễn nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ nhiều đại biểu là cán bộ cấp cao khác.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh: “Cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số đồng chí cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và Nhân dân giao phó. Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này”.