“Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp cần nhận được những thông điệp từ Quốc hội, Chính phủ để củng cố, gia tăng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Thưa ông, kỳ họp thứ VII, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay, 20/5. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Là chuyên gia kinh tế, ông quan tâm đến những nội dung nào?
Nội dung các kỳ họp Quốc hội luôn được chờ đợi, vì sẽ bàn thảo các vấn đề quan trọng của đất nước, cần tiếng nói quyết định của cơ quan dân cử.
Nhưng hiện tại, nội dung tôi chờ đợi và khuyến nghị cần được tập trung thảo luận, thậm chí có thể trở thành chuyên đề chuyên sâu trong kỳ họp lần này là các vấn đề về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, các doanh nghiệp dân tộc. Tôi cho rằng, rất cần thấy các câu chuyện của doanh nghiệp trên diễn đàn Quốc hội
Trong các cuộc họp của Ủy ban thường vụ chuẩn bị cho kỳ họp, nhiều vấn đề của nền kinh tế, những khó khăn doanh nghiệp đã được bàn tới. Đặc biệt, Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Kinh tế, những khó khăn hiện hữu, tồn tại của nền kinh tế đã được nhìn nhận thẳng thắn, rõ ràng. Đây cũng là các vấn đề mà giới chuyên gia kinh tế đã thảo luận, có nhiều ý kiến, khuyến nghị khi nhận định về tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2024, rất cần các đại biểu Quốc hội nhìn thẳng vào thực tế, thảo luận để đưa ra những quyết sách mang tính xoay chuyển.
Đó là, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện;
Hai, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.
Ba, vốn đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn,
Bốn, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng...
Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, thực trạng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã được nhắc tới, cùng với những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Tuy nhiên, tôi rất mong những khó khăn thực tế của doanh nghiệp được các đại biểu nói lên trên diễn đàn Quốc hội, là nội dung chính trong các cuộc thảo luận.
Như ông đã chia sẻ, các vấn đề của doanh nghiệp đã được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng như chắc chắn sẽ được đề cập tới trong các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Vậy, những vấn đề nào ông chờ đợi được bàn tới?
Những khó khăn của doanh nghiệp không chỉ là những quy định về phòng cháy, chữa cháy, những khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hay những vướng mắc pháp lý chậm được sửa đổi, những vấn đề phát sinh do tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy công việc của một bộ phận cán bộ, công chức... như báo cáo của Ủy ban Kinh tế, dù đây là các vấn đề nổi cộm.
Khi làm việc với các doanh nghiệp, điều được đề cập đến nhiều nhất là tại sao các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, đã có phương án lại chưa được giải quyết dứt điểm. Tại sao kỳ họp nào cũng bàn tới cải thiện môi trường kinh doanh, mà nhiều vướng mắc cũ đã được nêu ra, nhưng vẫn còn... Hay những kiến nghị của doanh nghiệp tới Quốc hội trong các kỳ họp trước, như câu chuyện về hoàn thuế giá trị gia tăng, vướng mắc trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, khó khăn trong tiếp cận tín dụng... đã được giải quyết thế nào, tại sao doanh nghiệp vẫn kiến nghị...
Các đại biểu Quốc hội cần truy tới tận gốc tình trạng này, thúc đẩy bằng được các giải pháp đã có, không để những tồn tại được nêu từ kỳ họp này tới kỳ họp khác. Vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan trọng trong lúc này, để doanh nghiệp thực sự thấy rõ sự thấu hiểu, chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện tại, đây là những thông điệp quý báu để củng cố, gia tăng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Thực tế, có nhiều giải pháp cần thời gian để thực hiện, như những vướng mắc pháp lý cần phải sửa đổi các điều luật, hay các quy định, khó có thể nhanh được...?
Tôi chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện nhiều giải pháp. Bản thân các doanh nghiệp cũng hiểu thực tế là nhiều vướng mắc được bàn tới chưa giải quyết được ngay, nhưng có thảo luận thì mới có cơ hội giải quyết. Khi khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp được nêu lên, được nhiều người nói đến thì cũng chuyển tải thông điệp về niềm tin.
Thực tế, để có được những cải thiện về môi trường kinh doanh hiện tại, đã có vô vàn những cuộc tranh luận nảy lửa, không hề êm đềm; nhưng điều quan trọng là các khó khăn, vướng mắc, tồn tại phải được đặt lên bàn thảo luận...
Đặc biệt, tôi đề xuất, trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng nên thảo luận đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có chương trình hành động, nhưng cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Doanh nghiệp đang cần bệ đỡ vững chắc để tìm cơ hội phục hồi...
Cụ thể, các nội dung nào của Nghị quyết 41-NQ/TW cần được thảo luận trên Diễn đàn Quốc hội, thưa ông?
Nghị quyết 41-NQ/TW đã yêu cầu khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế...
Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh...
Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm, có nhiều nội hàm của Nghị quyết 41 cần được làm rõ, để thực hiện được trong thực tiễn. Ví dụ như thế nào là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giải pháp thực hiện thế nào? Hay hỗ trợ các doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp thế nào, quy mô lớn hay là những doanh nghiệp nắm công nghệ, có năng lực cạnh tranh...? Đây là những việc này khó, nhưng càng khó thì càng phải thảo luận, từ lý luận đến thực tiễn, thì mới có thể đồng thuận và thực hiện. Nếu không bàn thì khó đưa nghị quyết vào thực tiễn.
Đây cũng là trách nhiệm, nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội.
Ông có ý kiến thế nào về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp này?
Chính phủ đã có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024; tiếp tục xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh...
Các giải pháp này cần thiết, nhưng tôi cho rằng, nên kéo dài thời hạn tới hết năm 2025, vì tình hình còn khó khăn và doanh nghiệp cần các hỗ trợ thực chất. Việc xác định thời hạn dài thể hiện sự thấu hiểu của Chính phủ, Quốc hội với sự kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng cũng để doanh nghiệp có điều kiện, cơ sở tính toán các bài toán kinh doanh dài hạn hơn.
Cùng với đó, các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp kiến nghị cần được rốt ráo giải quyết dứt điểm và cần được coi là trọng tâm từ nay cho đến hết nhiệm kỳ.