Đánh thức tiềm năng
Điện Biên đang sở hữu nền tảng vững chắc để phát triển du lịch toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính: lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc và thiên nhiên kỳ vĩ. Với 35 di tích lịch sử được xếp hạng, nổi bật là quần thể Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1, hầm Đờ Cát…, mảnh đất này tựa như một “bảo tàng sống” lưu giữ những dấu ấn không thể phai mờ của chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Hàng năm, du khách từ khắp mọi miền đất nước và quốc tế tìm về đây như một hành trình “về nguồn”, thành kính dâng hương tưởng niệm và tham gia các hoạt động tri ân ý nghĩa. Không chỉ vậy, Điện Biên còn là một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo với 19 dân tộc sinh sống. Những bản làng truyền thống vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, các lễ hội dân gian rực rỡ sắc màu, những làn điệu dân ca ngân vang, nghề thủ công tinh xảo và văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc...
Bên cạnh đó, thiên nhiên hùng vĩ với đèo Pha Đin hiểm trở, hồ Pá Khoang thơ mộng, cao nguyên đá kỳ vĩ và những đồi chè Shan tuyết cổ thụ xanh mướt cũng mang lại tiềm năng to lớn cho các loại hình du lịch sinh thái, khám phá mạo hiểm, nghỉ dưỡng thư thái và chăm sóc sức khỏe.
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho du lịch Điện Biên, khi vinh dự trở thành địa phương đăng cai Năm du lịch quốc gia. Sự kiện này càng thêm ý nghĩa khi trùng với cột mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tận dụng tối đa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tỉnh chủ động triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quy mô lớn, tập trung vào việc làm nổi bật những giá trị cốt lõi của địa phương. Từ việc tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc, tái hiện lịch sử hào hùng, đến việc đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm mới.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Điện Biên đã thu hút hơn 60.000 lượt khách, doanh thu ước tính 182 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng buồng phòng tại các cơ sở lưu trú đạt mức 56,3%. Những con số này phản ánh sức hút ngày càng gia tăng của địa phương, cho thấy những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả.
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025), tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - chính trị, bên cạnh việc mở cửa các di tích lịch sử để phục vụ du khách. Các nghi lễ quan trọng như Lễ thượng cờ; Lễ khánh thành Cột cờ quốc gia A Pa Chải; Lễ khánh thành Khách sạn Mường Thanh Luxury Điện Biên đang được gấp rút chuẩn bị, đồng loạt diễn ra vào ngày 7/5.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: “Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bảo tàng đã đón tiếp gần 4.300 lượt khách. Chúng tôi dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh và có thể chạm ngưỡng 10.000 lượt, thậm chí cao hơn đến hết ngày 7/5”.
Cũng theo bà Nga, lượng khách đổ về Bảo tàng trong dịp kỷ niệm đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là sự tham gia đông đảo của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chính sách giảm 50% giá vé vào cổng dành cho người dân Điện Biên đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hào hùng của quê hương.
Cùng với chuỗi sự kiện chính trị - văn hóa đặc sắc, Điện Biên liên tiếp khánh thành những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử với tầm nhìn chiến lược. Tiêu biểu trong số đó là cột cờ A Pa Chải, biểu tượng thiêng liêng, nơi giao điểm biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khánh thành vào ngày 7/5/2025. Công trình được xây dựng tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), cao 45,19 m, được đặt trên đỉnh núi cao gần 1.500 m so với mực nước biển.
Hướng tới trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc
Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên đang triển khai một loạt giải pháp chiến lược đồng bộ. Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ưu tiên hàng đầu là kiện toàn hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đặc thù để hấp dẫn đầu tư. Tỉnh đang trình HĐND những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững và dịch vụ cao cấp.
Cùng với đó, Điện Biên tập trung nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối các trọng điểm du lịch, huy động vốn đầu tư công trung hạn và xã hội hóa để cải thiện hệ thống điện, nước, viễn thông, chỉnh trang đô thị, nông thôn, xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và điểm dừng chân tiện nghi…
Không chỉ vậy, Điện Biên còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch bằng việc số hóa di tích, di sản phi vật thể, xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh, tích hợp bản đồ số, mã QR, hệ thống đặt vé và tương tác khách hàng trực tuyến. Đồng thời, tỉnh chú trọng liên kết vùng, mở rộng các tuyến du lịch kết nối với các tỉnh Tây Bắc và hành lang biên giới Việt - Lào - Trung Quốc, tạo ra những “cung đường vàng” mới, đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc theo Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy, Điện Biên phấn đấu đến cuối năm 2025 đón 1,45 triệu lượt khách, trong đó có 300.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 2.400 tỷ đồng. Tỉnh kỳ vọng vào sự hợp tác chặt chẽ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và cả du khách, cùng nhau biến di sản lịch sử thành động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.