Ngày 12/4 vừa qua, Sở Xây dựng đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện Ban quản trị chung cư 229 Phố Vọng, CTCP Đầu tư xây lắp và phát triển nhà, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Đồng Tâm.
Đại diện Ban quản trị chung cư 229 Phố Vọng cho biết, cuộc họp mới chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận ý kiến các bên. Sở Xây dựng sẽ có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội nhưng cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa có báo cáo, do đó cư dân cũng chưa biết Sở có đề xuất hướng giải quyết hay không và nếu có phương án là gì.
Được biết, Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà được giao làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp và trường học 229 Phố Vọng. Dự án được thực hiện từ năm 2004 - thời điểm Luật Nhà ở 2005 chưa được ban hành. Năm 2008, tổ hợp chung cư được đưa vào sử dụng.
Sau đó, năm 2011, Công ty đầu tư xây lắp và phát triển nhà tiến hành cổ phần hóa. Quá trình cổ phần xác định, Công ty đầu tư xây lắp và phát triển nhà không còn tài sản và quyền sở hữu ở chung cư 229 Phố Vọng và bàn giao sang Công ty TNHH một thành viên đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai (Công ty Sao Mai) vận hành, quản lý Khu chung cư 229 Phố Vọng.
Từ đó đến nay, Công ty Sao Mai là đơn vị quản lý, vận hành khu chung cư này cho đến năm 2016, khi Ban Quản trị nhà chung cư được thành lập. Trong quá trình bàn giao, cư dân đã phát hiện nhiều vấn đề tồn tại.
Bà Vũ Thị Hương, thành viên Ban quản trị, Tổ trưởng tổ dân phố 10E cho biết, Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà (nay là Công ty Sao Mai) chưa hoàn thành dự án theo đúng quy hoạch bao gồm 2 phần diện tích khoảng 200m2 phía cổng 229 phố Vọng cộng với phần diện tích khoảng 500m2 bố trí cây xanh, bãi đỗ xe và hạ tầng ngoài nhà. Hiện diện tích này đang sử dụng kinh doanh.
Ban Quản trị cho biết, dự án được xây dựng, thực hiện khi chưa có Luật Nhà ở, do đó nhiều hạng mục bắt buộc đối với nhà chung cư, ví dụ như nhà sinh hoạt cộng đồng không có. Do đó, Ban Quản trị đề xuất cho sử dụng diện tích 200m làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho 2 tổ dân phố 10E, 10G (bao gồm hai nhà chung cư và các biệt thự thuộc dự án).
Cư dân còn nhiều bức xúc khác, đặc biệt là tình trạng thiếu bảo trì, bảo dưỡng đối với thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy và nhiều tiện ích khác.
Khi dự án được đưa ra bán thì chưa có quy định về phí bảo trì. Chỉ có quyết định của UBND TP. Hà Nội quy định nguồn thu từ việc khai thác diện tích tầng 1 - tầng dịch vụ sẽ được sử dụng để phục vụ cho công tác bảo trì, bảo dưỡng.
Nhưng theo phản ánh của cư dân, nhiều thiết bị, hệ thống không được bảo dưỡng, bảo trì dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, không sử dụng được, thậm chí còn mất an toàn. Bà Vũ Thị Hương cho biết, thang máy không được bảo dưỡng, bảo trì dẫn đến bánh xe bị mòn, khi có trẻ chơi gần thang máy thì cửa tự động mở mà không có buồng thang rất nguy hiểm.
Không thể chờ chủ đầu tư, cư dân đã phải đóng tiền để sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn.
Đại diện Ban Quản trị cho biết, hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chưa cháy (PCCC) và hồ sơ hoàn công công tác PCCC yêu cầu phải có 2 thang máy phục vụ công tác PCCC, nhưng chủ đầu tư đã tự ý cắt bỏ. Suốt 8 năm qua, các đợt kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần cũng lờ đi việc này. Thay vào vị trí thang máy là phòng đựng rác.
Hệ thống PCCC còn nhiều tồn tại không đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra sự cố như chuông báo cháy không hoạt động, tầng hầm không có hệ thống báo cháy lẫn hệ thống chữa cháy, tăng áp buồng thang thoát nạn không kết nối với hệ thống báo cháy...
Ngoài ra, Công ty Sao Mai cho thuê kinh doanh tầng 1 nhưng không quản lý dẫn đến đơn vị thuê tự ý sửa chữa, cải tạo công năng tầng 1, các nhà vệ sinh công cộng không sử dụng được do bị hỏng hóc...
Bà Vũ Thị Hương nhấn mạng: “Nguồn thu từ khai thác tầng 1 được phân bổ như thế nào cần được làm rõ? Cư dân yêu cầu nguồn thu này phải được quay vòng sử dụng vào việc bảo trì, quản lý vận hành các hạng mục công trình theo đúng quy định”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com