CTX Holdings, định lượng tương lai sau khi SCIC rút lui

(ĐTCK) CTX niêm yết trên sàn Hà Nội từ tháng 5/2012 nhưng phải đến năm 2015, cổ phiếu này mới nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.
CTX Holdings, định lượng tương lai sau khi SCIC rút lui

Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (mã CTX sàn HNX - CTX Holdings) được Bộ Xây dựng quyết định thành lập từ năm 1982, với tên gọi ban đầu là Công ty Xây lắp, Xuất nhập khẩu vật liệu và Kỹ thuật xây dựng (viết tắt là Constrexim), sau này đổi thành CTX Holdings. CTX Holdings hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư phát triển bất động sản, tổng thầu xây dựng và thương mại quốc tế.

Các dự án của CTX gắn với thương hiệu Constrexim như khu hỗn hợp trung tâm thương mại và căn hộ CT3, CT4-5, HH1 tại khu Yên Hòa, Cầu Giấy, tòa nhà Mobifone (đã chuyển nhượng), tòa nhà văn phòng PVI (đã chuyển nhượng), tòa nhà Tập đoàn Hòa Phát (đã chuyển nhượng), khu tòa nhà căn hộ và dịch vụ Constrexim tại quận Tây Hồ…

Sau khi SCIC rút lui, một nhóm cổ đông đã vào thâu tóm CTX Holdings, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Lê Quang Bình (nắm 3,58 triệu cổ phiếu, tương đương 13,59%), bà Nguyễn Thị Kim Xuân (nắm 3,48 triệu cổ phiếu, tương đương 13,21%), ông Trần Khanh (nắm giữ 2,984 triệu cổ phiếu, tương đương 11,32%), ông Lý Quốc Hùng (nắm giữ 2,31 triệu cổ phiếu, tương đương 8,77%).


CTX niêm yết trên sàn Hà Nội từ tháng 5/2012 nhưng phải đến năm 2015, cổ phiếu này mới nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.

Trong năm 2015, CTX nằm trong Top 6 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX, với mức tăng 144%, từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên 25.400 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, sau khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2015 của Công ty tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,9 tỷ đồng, so với chỉ hơn 1,4 tỷ đồng 9 tháng năm 2014.

Nhờ đà tăng giá thần tốc của CTX trong năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty với tỷ lệ sinh lời cao. SCIC nắm giữ 11.737.500 cổ phiếu CTX (tương đương 44,54% vốn tại Tổng công ty).

Toàn bộ cổ phần của SCIC đã được chuyển nhượng thông qua hình thức thỏa thuận vào ngày 15/12/2015. Trong phiên này, CTX giao dịch ở mức giá trần 23.100 đồng/cổ phiếu, so với đầu năm, khoản đầu tư của SCIC đã tăng 2,3 lần (tương đương tăng 271 tỷ đồng so với đầu năm).

Trước đó, vào tháng 10/2015, SCIC đã từng đăng ký bán toàn bộ khoản đầu tư này (khi đó, giá cổ phiếu CTX ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu), nhưng không thành công. Chỉ gần 3 tháng sau, CTX tiếp tục tăng 43%, đặc biệt tăng rất mạnh trong tuần SCIC thoái vốn.

Sau khi SCIC rút lui, một nhóm cổ đông đã vào thâu tóm CTX Holdings, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Lê Quang Bình (nắm 3,58 triệu cổ phiếu, tương đương 13,59%), bà Nguyễn Thị Kim Xuân (nắm 3,48 triệu cổ phiếu, tương đương 13,21%), ông Trần Khanh (nắm giữ 2,984 triệu cổ phiếu, tương đương 11,32%), ông Lý Quốc Hùng (nắm giữ 2,31 triệu cổ phiếu, tương đương 8,77%).

Nhóm cổ đông này, ngoại trừ ông Lý Quốc Hùng, trước đây không nắm giữ cổ phiếu CTX. Ông Lý Quốc Hùng là Trưởng phòng Sale và Marketing, sau khi mua thêm 2,285 triệu cổ phiếu CTX ngày 15/12, đến ngày 22/12, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Công ty thay cho ông Đinh Trần Quân.

Việc “thay máu” cổ đông dự kiến sẽ mở ra một cơ hội mới cho CTX, sau khi công ty này trong suốt 4 năm qua (từ năm 2011) đã không thể thông qua phương án tăng vốn. Hiện vốn điều lệ của CTX vẫn ở mức 263,5 tỷ đồng.

Tổng công ty đang triển khai dự án khách sạn 5 sao tại Sapa, khu du lịch biển sinh thái tại Quảng Nam, Tổ hợp công trình dịch vụ thương mại, nhà trẻ và nhà ở (Dự án Tây Hồ Park View); Dự án Thủy điện La Ngâu, thực hiện giải phóng mặt bằng tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex… Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này gặp khó khăn vì CTX không đủ vốn đối ứng.

Tại ĐHCĐ năm 2015 (tháng 6/2015), vấn đề tăng vốn đã được đưa ra thảo luận và cổ đông SCIC đã đề nghị CTX xây dựng phương án tăng vốn từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần. Nhưng do SCIC phải lên kế hoạch thoái vốn tại CTX nên việc tăng vốn của CTX tạm thời bị gác lại cho đến nay.

Tại thời điểm 30/9/2015, báo cáo tài chính của CTX cho thấy nợ phải trả của Công ty đã lên tới gần 1.200 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 543 tỷ đồng, vốn điều lệ 263 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 342 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 52 tỷ đồng, tồn kho 673 tỷ đồng. Suốt từ năm 2012, CTX chưa chia cổ tức cho cổ đông, thặng dư vốn cổ phần của Tổng công ty này đạt 145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 110 tỷ đồng.

Sau khi SCIC thoái vốn thành công, CTX có thể tăng vốn để từng bước tự chủ về tài chính, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay và tránh rủi ro. Năm 2015, Công ty chủ trương công ty hóa các dự án đầu tư để thuận lợi cho việc triển khai đầu tư dự án và thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả.     

Phương Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục