Năm 2019, CTI đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hợp nhất 1.520 tỷ đồng, tăng 65%, tổng lợi nhuận sau thuế gần 172 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2018.
Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, xây lắp hạ tầng và doanh thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo dự báo của các công ty chứng khoán, doanh thu phí của CTI có thể tăng đến 50% nhờ vận hành thêm các trạm BOT mới từ giai đoạn năm 2019.
Cụ thể, từ cuối 2019, CTI sẽ triển khai thu phí dự án BOT nút giao đường 319 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với doanh thu mang lại mỗi năm ước tính đạt 80 - 100 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, dự án đường chuyên dụng với nguồn thu ước tính 30 tỷ đồng/năm cũng sẽ bắt đầu thu phí từ quý I.
Ðây là dự án đường chuyên dùng cho các xe chở đá tại cụm mỏ Tân Cang, tỉnh Ðồng Nai (gồm 10 mỏ nhỏ, Cường Thuận IDICO sở hữu mỏ Tân Cang 8 có thời gian khai thác đến năm 2035) với lượt xe ra vào hàng ngày rất lớn.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 120 tỷ đồng, mức thu phí đã được phê duyệt bằng với mức giá thu phí của dự án Quốc lộ 51, thời gian thu phí 12 năm.
Mới đây, Hội đồng quản trị CTI cũng ra nghị quyết về việc sẽ hoàn tất việc tiếp nhận chuyển giao dự án BOT Phan Thiết - Ðồng Nai, đồng thời thành lập doanh nghiệp dự án để tiếp nhận dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 Phan Thiết - Ðồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này vào khoảng 362 tỷ đồng, trong đó CTI góp tối thiểu 75% vốn và các đối tác khác tối đa 25% vốn.
Theo CTI, đây là dự án tiềm năng, mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, với doanh thu hàng năm dự kiến khoảng 300 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 12,5% từ mảng BOT. Ðáng chú ý, năm 2019 cũng là giai đoạn trung tu tiếp theo của dự án BOT này, hứa hẹn sẽ đem về thêm phần doanh thu quan trọng cho mảng hạ tầng của CTI trong thời gian tiếp theo.
Tại lĩnh vực xây lắp, cấu kiện bê tông - mảng kinh doanh truyền thống của CTI được dự báo tích cực nhờ Công ty đẩy mạnh triển khai dự án nút giao thông 319 và các dự án nhà ở xã hội tại xã Tam Hòa, xã Phước Tân, Biên Hòa, Ðồng Nai và dự án đường ven hồ Trị An. Trong đó, CTI đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công khu nhà ở xã hội Tam Hòa để có thể ra sản phẩm vào năm 2020. Doanh thu ước tính từ dự án này là 220 - 240 tỷ đồng.
Ðối với mảng khai thác đá, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị mà CTI hướng đến, trong bối cảnh nguồn cung đá xây dựng ở khu vực phía Nam ngày càng khan hiếm hơn và có dấu hiệu thiếu hụt so với nhu cầu, Công ty đã lên kế hoạch khai thác mạnh hơn “của để dành” này nhằm đón đầu, chủ động cung cấp đá cho các dự án đường cao tốc mà Công ty thực hiện, cũng như dự án sân bay Long Thành sẽ triển khai trong vài năm tới.
CTI hiện đang sở hữu 3 mỏ đá có tổng trữ lượng 52 triệu m3, còn thời hạn khai thác hơn 15 năm, với tổng công suất khai thác lên đến 1,6 triệu m3/năm, nhưng hiện mới chỉ khai thác khoảng 1/3 tổng công suất. Khoảng từ năm 2017 trở lại đây, Công ty đẩy mạnh hoạt động khai thác đá và bán ra bên ngoài, thay vì chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ như trước đây. Mục tiêu sản lượng khai thác có thể tăng khoảng 20% trong năm 2019.
Ðáng chú ý, CTI đang tiếp cận các dự án đầu tư khu công nghiệp. Theo đó, Công ty sẽ sớm hoàn thành các thủ tục xin đầu tư Cụm công nghiệp Tân An, quy mô 48,822 ha; Cụm công nghiệp Trị An quy mô 48,7 ha và Cụm công nghiệp Ðúc Gang 4,8 ha tại huyện Vĩnh Cửu nhằm có đủ pháp lý tiến hành các bước đầu tư tiếp theo về hạ tầng và mời gọi đầu tư khác.
Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp đang tăng nhanh tại khu vực Ðồng Nai do những ưu thế về vị trí, giao thông. Theo thống kê, giá cho thuê ghi nhận mức tăng bình quân 10%/năm. Các chuyên gia nhận định, năm 2019, thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng riêng phân khúc bất động sản công nghiệp là điểm sáng. Theo đó, việc tham gia phân khúc này được dự báo có triển vọng tích cực, mang lại nguồn thu ổn định đối với CTI.