Ước tính vượt 14% kế hoạch lợi nhuận 2018
Kết thúc quý III/2018, CTI ghi nhận doanh thu thuần 302,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 51,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt 718 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 111 tỷ đồng, hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận.
Lãnh đạo CTI cho biết, lợi nhuận năm 2018 có thể vượt kế hoạch khoảng 20 tỷ đồng, tương ứng gần 14%, nhờ một số gói thầu xây lắp quyết toán trong quý IV.
Trong cơ cấu doanh thu hiện nay của CTI, các dự án BOT và mảng xây lắp chiếm hơn 80% tổng doanh thu; 20% còn lại đến từ khai thác mỏ đá, kinh doanh đăng kiểm, kinh doanh các hệ thống bê tông cốt thép…
Đáng chú ý, mảng đá xây dựng có biên lợi nhuận cao, năm 2017, tuy chỉ đóng góp 8% doanh thu, nhưng lại đóng góp 15% lợi nhuận.
Ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTI cho biết, hiện Công ty đang kiểm soát và khai thác 3 mỏ đá, bao gồm Thiện Tân 10 (79 ha), Tân Cảng 8 (36 ha, mới khai thác 13 ha) và Xuân Hòa (20 ha). Công suất khai thác của mỗi mỏ khoảng 500.000 m3/năm và thời gian khai thác trung bình trên 30 năm.
Đối với mảng BOT, mới đây, CTI trúng thầu dự án BOT thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải trên trục Quốc lộ 1, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng từ 2013 - 2035, bắt đầu thu phí từ tháng 3/2015. Trung bình mỗi năm, dự án này mang lại doanh thu khoảng 300 tỷ đồng.
Lưu lượng xe qua trạm từ năm 2015 đến nay tăng khoảng 6 - 8%/năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng. Theo ông Hoàng, CTI cùng đối tác đang hoàn thiện các thủ tục liên quan đến vấn đề chuyển giao, kỳ vọng xong trong năm 2018.
Ngoài ra, CTI tiến hành xây lắp hai dự án BOT là dự án đường sản xuất vật liệu chuyên dụng Biên Hòa, được chia làm hai giai đoạn có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 dự án có quy mô vốn đầu tư 130 tỷ đồng, Công ty đã bắt đầu thu phí kể từ quý III/2018 và dự kiến ghi nhận 15 tỷ đồng doanh thu cho năm 2018. Ngoài ra, Công ty đầu tư dự án BOT 319 nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 1 đã hoàn thành và triển khai thu phí từ ngày 6/7/2014, với doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/năm.
Tiếp cận dự án lớn, tạo đà đột phá doanh thu
Năm 2019, CTI ước tính có thể đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chính vẫn là phí BOT và xây lắp, với 80%. Trong đó, dự án mới BOT Phan Thiết - Đồng Nai dự kiến đóng góp 300 tỷ đồng; phần xây lắp còn lại của dự án BOT319 và của dự án BOT Phan Thiết – Đồng Nai tổng cộng khoảng 500 tỷ đồng. CTI cũng đang thực hiện tuyến đường nối dài 319, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2019.
Đối với mảng đá xây dựng, CTI dự kiến tăng tỷ trọng doanh thu lên 20%, khoảng 180 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, doanh thu từ mảng này đạt 250 tỷ đồng. Được biết, CTI cũng đang có kế hoạch mua thêm một mỏ đá ở cụm mỏ Thiện Tân. Nhu cầu về đá xây dựng vẫn đang tiếp tục tăng cao, nên việc sở hữu những mỏ đá có trữ lượng lớn và thời hạn khai thác lâu như các mỏ đá của CTI là lợi thế.
CTI đang tìm kiếm và thương thảo một số dự án khác để chuẩn bị nguồn việc gối đầu cho 2 - 3 năm tới. Được biết, Công ty đã trình hồ sơ xin làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Phước Bình 1 - 2 (tại tỉnh Đồng Nai), với diện tích 539 ha. CTI cũng tiếp cận và làm thủ tục làm chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp, bao gồm Khu công nghiệp Tân An và Đức Giang.
Theo ông Hòa, đẩy mạnh khai thác hệ thống kinh doanh hạ tầng, đầu tư vào cụm công nghiệp là cách mà CTI đẩy sản lượng xây lắp cho các năm sau.
Ngoài ra, CTI đang xúc tiến với CTCP Sonadezi Châu Đức thực hiện dự án BOT đường 768, kết nối TP. Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu. Dự án đã thu phí và đang bổ sung thêm nguồn vốn để nâng tổng mức đầu tư lên 800 tỷ đồng, so với mức ban đầu là 500 tỷ đồng. Nếu thực hiện dự án này, giá trị xây lắp mang về cho CTI khá tích cực.
Thông tin đáng chú ý khác là UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đầu tư hệ thống thoát nước cho TP.Biên Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến chưa được công bố. CTI đang tiếp cận dự án và nếu được triển khai năm 2019 sẽ thúc đẩy kết quả đột biến ở mảng sản phẩm truyền thống của CTI là sản xuất ống cống bê tông cốt thép.