CTCK Việt cần tạo dấu ấn tốt hơn trên trường quốc tế

(ĐTCK) Trên thương trường quốc tế, đã có những CTCK Việt được vinh danh tại các giải thưởng uy tín như The Asset Triple A Country Awards,  Asset Asia Awards… 


Trên thương trường quốc tế, đã có những CTCK Việt được vinh danh tại các giải thưởng uy tín như The Asset Triple A Country Awards,  Asset Asia Awards… 
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC

Đây là sự ghi nhận và đánh giá tích cực về năng lực của những CTCK hàng đầu. Song để cộng đồng tài chính quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn, cần thêm rất nhiều nỗ lực khác. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC trao đổi với ĐTCK. 

Bản thân ông từng tham gia nhiều sự kiện về chứng khoán ở nước ngoài và tham dự lễ trao giải thưởng dành cho CTCK trong khu vực. Ấn tượng của giới tài chính nước ngoài về các CTCK Việt như thế nào?

Cộng đồng tài chính quốc tế thường ngạc nhiên khi biết quy mô vốn hóa toàn thị trường và giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ bé so với quy mô của nền kinh tế. Đồng thời, họ cũng ngạc nhiên khi biết rằng lại có nhiều CTCK đến thế ở Việt Nam.

Họ ngạc nhiên không biết các CTCK đã tồn tại như thế nào trong thị trường này chứ đừng nói đến việc có lợi nhuận. Bởi vì, chúng ta (các CTCK Việt Nam) không tự thể hiện tốt lắm trên các diễn đàn chứng khoán trong khu vực. Chúng ta chưa cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường và môi trường hoạt động của chúng ta ra thế giới bên ngoài.

Vì vậy, hầu hết những thành viên thị trường chứng khoán quốc tế vẫn còn có vẻ hoài nghi về thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự hoài nghi này rõ ràng không giúp những nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là một trong những môi trường đầu tư an toàn. 

So với các CTCK trong khu vực, CTCK Việt Nam có vị thế ra sao?

 Tôi rất tự hào vì HSC có những cơ hội “đại diện” (không chính thức) cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi tiếp xúc với cộng đồng chứng khoán trong khu vực. Song tôi nghĩ rằng, thật là thiệt thòi khi chúng ta chưa có một tổ chức hiệp hội chuyên nghiệp và xuất sắc để chính thức đại diện cho ngành chứng khoán và đất nước tham gia các diễn đàn chứng khoán hàng năm trong khu vực.

Khi tôi tham gia những sự kiện này, tôi chỉ đại diện cho HSC, chứ không đại diện cho những chủ thể khác tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, do thực tế manh mún của ngành (có quá nhiều công ty và nhiều công ty không hoạt động hiệu quả), cùng với sự thiếu hợp tác giữa các CTCK với nhau, nên các CTCK Việt Nam chưa tạo được hình ảnh thật đẹp đối với giới tài chính bên ngoài đất nước. 

Trong báo cáo thường niên 2013, ông viết rằng, đã tham gia Diễn đàn chứng khoán châu Á lần thứ 18 tại Đài Bắc và thấy sự tiến triển đúng hướng của TTCK VN. Ông có thể diễn giải rõ hơn điều này, xu hướng phát triển của các CTCK Việt qua kinh nghiệm của các thị trường khu vực và quốc tế sẽ như thế nào?

Khi tìm hiểu về những giai đoạn phát triển mà nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực đã đi qua, chúng tôi biết được rằng, nhiều trong số họ cũng đã gặp những vấn đề và kinh nghiệm tương tự như TTCK Việt Nam.

Họ đã xác định được vấn đề và giải quyết bằng những công cụ và phương pháp đa dạng mà chúng tôi đang học hỏi để áp dụng, bao gồm các công cụ về công nghệ, cấu trúc, pháp lý và quản trị. Thị trường Việt Nam đã từng “phát minh” ra những sản phẩm không chính thức, làm hỏng những khuôn khổ công nghệ và pháp lý khi các sản phẩm chính thức ra đời.

Tuy nhiên, trong các năm vừa qua, các sản phẩm không chính thức này đã bị loại bỏ, dọn đường cho các sản phẩm chính thức đang được các cơ quan chức năng và các Sở giao dịch chứng khoán quản lý.

Cũng phải nói rằng, chúng ta một mặt rất thận trọng, rất hạn chế, nhưng mặt khác trước đây lại có nhiều lỗ hổng để cho một số người lợi dụng tạo ra lợi thế không công bằng đối với các công ty nghiêm túc tuân thủ.

Nếu chúng ta có một hiệp hội chứng khoán mạnh mẽ hơn, được quản lý bởi các công ty thành viên, thì chúng ta có thể xác định tốt hơn vấn đề của “sân chơi không công bằng” này.

Về tổng quan, tôi vẫn quan sát thấy TTCK đang đi đúng hướng, nhưng thị trường cần nhanh chóng được phép áp dụng các chuẩn mực thực hành và sản phẩm tốt nhất từ các thị trường đã phát triển để có thể phát triển nhanh hơn. Chúng ta không muốn mất động lực sau khi đã xác định rằng chúng ta đang đi đúng hướng. 

Để các CTCK Việt có thể vươn ra thị trường nước ngoài và có thêm các thành công mới, theo ông điều gì là quan trọng nhất?

Tôi nghĩ, ngoài việc cần có một hiệp hội chứng khoán chuyên nghiệp, vững mạnh được quản lý bởi các thành viên và một cơ chế để hiệp hội liên hệ và trao đổi với các cơ quan nhà nước, chúng ta cần phải đưa ra nhiều yêu cầu khác như đối với ngân hàng thương mại, để sàng lọc các CTCK yếu kém trong ngành cũng như tăng cường tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp cho toàn ngành.

Những CTCK hàng đầu Việt Nam nên tham gia cùng nhau và nên có một hiệp hội chứng khoán chuyên nghiệp đại diện để tham gia vào các diễn đàn chứng khoán trong khu vực, học hỏi các sản phẩm, công nghệ mới, các chuẩn mực thực hành, các bí quyết tốt nhất từ các CTCK trong khu vực và trên thế giới.

Thế Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục