Thêm dư địa hút vốn ngoại
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTTP là một dấu mốc mới thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc sẵn sàng đối mặt với thách thức nhằm đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng tương thích cao hơn với luật chơi quốc tế.
“Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định TPP trước đây, được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm này, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định CPTPP đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30/10/2018. Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Theo cập nhật của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới; quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu; tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD...
Với thị trường gồm 11 nước có tổng kim ngạch thương mại lên tới 10.000 tỷ USD, việc tham gia CPTPP được dự báo sẽ mở ra dư địa mới cho Việt Nam trong gia tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến dịch vụ tài chính, theo Phụ lục 2 về các cam kết trong Hiệp định CPTPP được áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, Điều 1.1 Chương 11 về dịch vụ tài chính đưa ra khái niệm “dịch vụ tài chính mới”.
Đây là một loại hình dịch vụ tài chính không được cung cấp trên lãnh thổ của bên tham gia Hiệp định, nhưng lại được cung cấp trong phạm vi lãnh thổ của bên khác... Nội dung mới này được nhìn nhận sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, qua đó thu hút các dòng vốn nước ngoài tham gia vào Việt Nam.
“Làm thoáng” môi trường kinh doanh
Theo nhìn nhận của Chính phủ, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Để tham gia CPTPP - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tính toàn diện và tiêu chuẩn cao - thời gian qua, Chính phủ phân công Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát pháp lý Hiệp định CPTPP.
Kết quả đã rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp trung ương có hiệu lực tại thời điểm ngày 30/4/2018. Trong đó tổng số luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 7 luật gồm: Bộ luật Lao động; Luật Sở hữu trí tuệ; Bộ luật Hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm…
Điều đó cho thấy, tuy số lượng văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là rất lớn, nhưng số lượng văn bản luật phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới chỉ là 7 luật (nếu dự án Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này thì giảm còn 6 luật), còn lại là các văn bản dưới luật bao gồm nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới cũng đã được dự kiến trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2018 và 2019...
Ông Giàu cho biết, sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn, trong vòng 15 ngày kể từ ngày Bộ Ngoại giao thông báo chính thức có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công thương cùng các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết với phân công và lộ trình triển khai cụ thể để bảo đảm thực thi Hiệp định chủ động, đầy đủ và hiệu quả.
Các nội dung chính của Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật; phổ biến nội dung của Hiệp định; nghiên cứu ban hành một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà Hiệp định mang lại, cũng như vượt qua các thách thức, khó khăn trong quá trình thực thi CPTPP.